Đi đến nội dung

GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH

Thi thiên 23:4​—“Dù khi tôi đi qua thung lũng bóng chết”

Thi thiên 23:4​—“Dù khi tôi đi qua thung lũng bóng chết”

 “Dẫu đi trong thung lũng của bóng tối dày đặc, con chẳng sợ bị hại, bởi ngài luôn kề bên; nhờ gậy nhờ trượng ngài, con vững dạ an lòng”.—Thi thiên 23:4, Bản dịch Thế Giới Mới.

 “Dù khi tôi đi qua thung lũng bóng chết, tôi sẽ không sợ tai họa gì. Vì Ngài ở cùng tôi, cây trượng và cây gậy của Ngài an ủi tôi”.​—Thi thiên 23:4, Bản Dịch Mới.

Ý nghĩa của Thi thiên 23:4 a

 Những người thờ phượng Đức Chúa Trời được hưởng sự chăm sóc và bảo vệ của ngài, ngay cả khi phải đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn. Câu Kinh Thánh sử dụng phép ẩn dụ về một con chiên dưới sự chăm sóc của người chăn để minh họa cách Đức Chúa Trời chăm sóc những người thờ phượng ngài. b Họ không cảm thấy đơn độc khi phải đối mặt với những hoàn cảnh khốn cùng, được miêu tả trong câu này như là nơi bóng tối dày đặc và tính mạng có thể gặp nguy hiểm. Họ cảm thấy an toàn như thể Đức Chúa Trời ở ngay bên cạnh họ.

 Vào thời Kinh Thánh, người chăn sẽ dùng gậy của mình để bảo vệ bầy chiên khỏi thú dữ. Ông cũng sẽ dùng trượng của mình, thường là một cây sào dài có móc ở một đầu, để hướng dẫn bầy chiên và kéo chúng ra khỏi nguy hiểm. Tương tự thế, Giê-hô-va Đức Chúa Trời giống như một người chăn yêu thương bảo vệ và hướng dẫn những người thờ phượng ngài. Ngay cả trong những ngày tăm tối nhất của cuộc đời, Đức Giê-hô-va vẫn chăm sóc họ qua nhiều cách.

  •   Ngài hướng dẫn và an ủi họ qua Lời ngài là Kinh Thánh.—Rô-ma 15:4.

  •   Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của họ và ban cho họ sự bình an trong lòng và trí.—Phi-líp 4:6, 7.

  •   Ngài dùng anh em đồng đạo để khích lệ họ.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

  •   Ngài ban cho họ niềm hy vọng chắc chắn về một tương lai tốt đẹp hơn, khi ngài xóa bỏ mọi tổn hại mà họ phải chịu ngày nay.—Thi thiên 37:29; Khải huyền 21:3-5.

Văn cảnh của Thi thiên 23:4

 Bài Thi thiên 23 được viết bởi Đa-vít, chàng chăn chiên trẻ tuổi mà sau này trở thành vua của nước Y-sơ-ra-ên xưa (1 Sa-mu-ên 17:34, 35; 2 Sa-mu-ên 7:8). Bài Thi thiên mở đầu bằng cách miêu tả Đức Giê-hô-va là một người chăn dẫn dắt, chăm sóc và an ủi những người thờ phượng ngài, như cách người chăn đối xử với bầy chiên của mình.—Thi thiên 23:1-3.

 Trong Thi thiên 23:4, Đa-vít đã dùng đại từ ngôi thứ hai (ngài) khi nói về Đức Chúa Trời. Điều này nhấn mạnh rằng Đa-vít có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Đa-vít biết Đức Chúa Trời quan tâm đến ông và ngài thấy những thử thách mà ông gặp phải. Vì thế, Đa-vít chẳng sợ bị hại.

 Trong hai câu tiếp theo của bài Thi thiên 23câu 56, phép ẩn dụ thay đổi từ hình ảnh người chăn và chiên của mình sang hình ảnh người chủ nhà và vị khách. Giống người chủ nhà rộng rãi, Đức Giê-hô-va đối xử với Đa-vít như một vị khách quý. Ngay cả kẻ thù cũng không thể ngăn Đa-vít khỏi sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va. Kết thúc bài Thi thiên, Đa-vít biểu lộ lòng tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ ban điều tốt lành và thể hiện tình yêu thương đối với ông trong suốt quãng đời còn lại.

 Những hình ảnh được dùng trong bài Thi thiên 23 miêu tả sự chăm sóc đầy yêu thương mà Đức Chúa Trời luôn dành cho những người thờ phượng ngài.—1 Phi-e-rơ 2:25.

a Một số bản Kinh Thánh đánh số đây là bài Thi thiên 22. Mặc dù có tổng cộng 150 bài Thi thiên, nhưng một số bản Kinh Thánh đánh số chúng theo bản Masorete tiếng Hê-bơ-rơ, trong khi đó những bản Kinh Thánh khác đánh số theo bản Septuagint tiếng Hy Lạp là bản dịch của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, được hoàn tất vào thế kỷ thứ hai TCN.

b Đức Chúa Trời, danh là Giê-hô-va, thường được miêu tả trong Kinh Thánh như một người chăn dịu dàng. Những người thờ phượng ngài được ví như những con chiên cần được ngài chăm sóc và bảo vệ.—Thi thiên 100:3; Ê-sai 40:10, 11; Giê-rê-mi 31:10; Ê-xê-chi-ên 34:11-16.