Đi đến nội dung

Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia một số ngày lễ?

Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia một số ngày lễ?

 Nhân Chứng Giê-hô-va dựa trên cơ sở nào để quyết định có nên tham gia một ngày lễ hay không?

 Trước khi quyết định có tham gia một ngày lễ hay không, Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ xem xét Kinh Thánh. Một số ngày lễ rõ ràng là trái với nguyên tắc Kinh Thánh nên họ không tham gia những ngày lễ ấy. Còn về những ngày lễ khác, mỗi Nhân Chứng phải tự quyết định sao cho “giữ một lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời và người ta”.​—Công vụ 24:16.

 Sau đây là một số điều mà Nhân Chứng Giê-hô-va tự hỏi trước khi quyết định có tham gia một ngày lễ hay không. a

  •   Lễ này có dựa trên sự dạy dỗ trái với Kinh Thánh không?

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Đức Giê-hô-va phán: ‘Vậy, hãy ra khỏi chúng nó và tách biệt khỏi chúng nó, đừng động đến đồ ô uế nữa’”.​—2 Cô-rinh-tô 6:​15-​17.

     Để hoàn toàn tách biệt khỏi những sự dạy dỗ ô uế, tức trái với điều Kinh Thánh dạy, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia ngày lễ có đặc điểm sau:

     Bắt nguồn từ việc thờ phượng hoặc tin nơi thần khác. Chúa Giê-su nói: “Ngươi phải thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ngươi, và chỉ phụng sự một mình ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:10). Làm theo lời khuyên đó, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia Lễ Giáng Sinh hoặc Lễ Phục Sinh, vì những lễ ấy bắt nguồn từ việc thờ các thần khác ngoài Đức Giê-hô-va. Họ cũng không tham gia những ngày lễ khác, chẳng hạn như:

    •  Kwanzaa. Theo một bách khoa từ điển (Encyclopedia of Black Studies), tên Kwanzaa “đến từ cụm từ matunda ya kwanza trong tiếng Swahili nghĩa là ‘trái đầu mùa’, và [điều này] ám chỉ rằng lễ ấy bắt nguồn từ việc ăn mừng vụ thu hoạch đầu tiên được ghi lại trong lịch sử châu Phi”. Dù một số người xem lễ Kwanzaa không liên quan đến tôn giáo, nhưng một bách khoa từ điển về tôn giáo châu Phi (Encyclopedia of African Religion) so sánh lễ ấy với một lễ hội của châu Phi. Trong lễ hội ấy, trái đầu mùa “được dâng cho các thần và tổ tiên để tạ ơn họ”. Cuốn này cho biết thêm: “Lễ Kwanzaa của người Mỹ gốc Phi và lễ hội ấy có cùng một tinh thần, đó là cảm tạ và thể hiện lòng biết ơn về những phước lành trong đời sống mà tổ tiên ban cho”.

      Kwanzaa

    •  Tết Trung Thu. Theo một từ điển về các ngày lễ trên thế giới (Holidays, Festivals, and Celebrations of the World Dictionary), Tết Trung Thu là “lễ tôn vinh nữ thần mặt trăng”. Một bách khoa từ điển về tôn giáo cho biết một nghi thức của lễ này là các phụ nữ trong gia đình cúi đầu sát đất để bái lạy nữ thần ấy.​—Religions of the World​—A Comprehensive Encyclopedia of Beliefs and Practices.

    •  Nauruz (hay Nowruz). “Một nguồn gốc xa xưa của lễ này là từ Bái Hỏa giáo và đây là một trong những ngày thánh nhất trong lịch Bái Hỏa giáo xưa... Người ta cho rằng Thần Trưa, được biết đến là [Rapithwin], bị Thần Mùa Đông đày xuống lòng đất trong những tháng lạnh giá, rồi được chào đón trở lại qua lễ ăn mừng vào trưa ngày Nowruz theo truyền thống của Bái Hỏa giáo”.​—Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

    •  Shab-e Yalda. Đây là lễ ăn mừng đông chí. Theo một sách về lịch sử của Ba Tư (Sufism in the Secret History of Persia), lễ này “chắc chắn có liên hệ với việc thờ Mithra”, là thần ánh sáng. Lễ này cũng được cho là có liên quan đến việc thờ thần mặt trời của Hy Lạp và La Mã. b

    •  Lễ Tạ Ơn. Như Kwanzaa, lễ này bắt nguồn từ các lễ ăn mừng vụ thu hoạch vào thời xưa nhằm tôn vinh nhiều thần khác nhau. Với thời gian, “những truyền thống dân gian cổ xưa này được du nhập vào Ki-tô giáo”.​—A Great and Godly Adventure​—The Pilgrims and the Myth of the First Thanksgiving.

     Dựa trên sự mê tín hoặc niềm tin về sự may mắn. Kinh Thánh nói rằng “kẻ soạn bàn cho thần Vận May” là “kẻ từ bỏ Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 65:11). Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia những ngày lễ sau:

    •  Ivan Kupala. Một sách tham khảo về Belarus (The A to Z of Belarus) cho biết: “Theo niềm tin phổ biến thì vào [lễ Ivan Kupala], thiên nhiên phát ra lực huyền bí mà ai gan dạ và may mắn thì có thể nhận được và sử dụng”. Ban đầu, đây là lễ ngoại giáo ăn mừng hạ chí. Nhưng theo một bách khoa từ điển về văn hóa Nga (Encyclopedia of Contemporary Russian Culture), “lễ này đã được pha trộn với lễ của Giáo hội [tức “ngày thánh” của Gioan Báp-tít] sau khi Ki-tô giáo được chấp nhận”.

    •  Tết Nguyên Đán (hay Tết Âm Lịch). Theo sách Việt Nam Phong Tục, những phong tục và nghi lễ của Tết Nguyên Đán có liên quan đến việc thờ cúng các thần và tổ tiên, đuổi tà ma và vận xui. Vào những ngày tết, người ta giữ các phong tục mê tín mà họ tin rằng sẽ mang lại vận may và sự giàu có. Ngoài ra, một sách nói về các ngày lễ của Trung Quốc (Mooncakes and Hungry Ghosts​—Festivals of China) cho biết: “Hơn bất cứ thời điểm nào khác trong năm, vào thời điểm này, mối quan tâm chính của gia đình, họ hàng và bạn bè là làm mọi việc có thể để được may mắn, tôn kính thần thánh và vong linh người quá cố, cũng như cầu mong may mắn trong năm mới”.

      Tết Nguyên Đán

     Dựa trên niềm tin về linh hồn bất tử. Kinh Thánh cho biết rõ rằng người chết không còn ý thức hay cảm nhận gì hết (Truyền đạo 9:5, 10). Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia những ngày lễ cổ xúy niềm tin về linh hồn bất tử, chẳng hạn như:

    •  Lễ Cầu Hồn. Theo Tân bách khoa từ điển Công giáo (New Catholic Encyclopedia), đây là ngày “tưởng niệm tất cả những người đã chết... Suốt thời Trung Cổ, niềm tin phổ biến là vào ngày này, các linh hồn trong nơi luyện tội hiện về dưới hình dạng hồn ma, phù thủy, con cóc, v.v. với người từng đối xử bất công với họ”.

    •  Tết Thanh MinhLễ Hội Ma Đói. Hai lễ này được cử hành để tôn kính tổ tiên. Một sách nói về các phong tục trên thế giới (Celebrating Life Customs Around the World​—From Baby Showers to Funerals) cho biết trong Tết Thanh Minh, người ta “đốt đồ ăn, thức uống và tiền giấy để người chết không đói khát và thiếu tiền”. Sách này cũng nói là “trong tháng Ma Đói, [người ta tin rằng] đặc biệt vào đêm trăng tròn, con đường liên lạc giữa người sống và người chết rộng mở hơn bất cứ đêm nào khác, nên cần phải xoa dịu người chết và tôn kính tổ tiên”.

    •  Chuseok. Theo sách nói về truyền thống của Hàn Quốc (Korean Tradition of Religion, Society, and Ethics), vào lễ hội này, người ta “cúng thức ăn và rượu cho linh hồn người chết”. Việc cúng kiếng đó phản ánh “niềm tin là linh hồn vẫn tồn tại sau khi thể xác chết”.

     Liên hệ với thuật huyền bí. Kinh Thánh nói: ‘Ai xem bói, thực hành phép thuật, tìm điềm báo, làm thuật sĩ, ếm bùa người khác, cầu hỏi đồng bóng, thầy bói hay người chết [là] đáng ghê tởm đối với Đức Giê-hô-va’ (Phục truyền luật lệ 18:10-12). Để tránh xa mọi thuật huyền bí, kể cả chiêm tinh (một hình thức bói toán), Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia lễ hội Halloween hoặc những ngày lễ sau:

    •  Tết SinhalaTết Tamil. “Những nghi thức truyền thống liên quan đến ngày lễ này... bao gồm việc thực hiện một số hoạt động vào giờ mà các nhà chiêm tinh cho là giờ tốt”.​—Encyclopedia of Sri Lanka.

    •  Tết Té Nước (Songkran). Tên của ngày lễ châu Á này “bắt nguồn từ một từ trong tiếng Phạn... có nghĩa là ‘sự chuyển động’ hay ‘sự thay đổi’, và [lễ này] đánh dấu sự di chuyển của mặt trời đến chòm sao Bạch Dương trong vòng tròn hoàng đạo”.​—Food, Feasts, and Faith​—An Encyclopedia of Food Culture in World Religions.

     Liên hệ với sự thờ phượng dưới Luật pháp Môi-se, là Luật pháp đã chấm dứt khi Chúa Giê-su hy sinh mạng sống. Kinh Thánh nói: “Đấng Ki-tô là sự cuối cùng của Luật pháp” (Rô-ma 10:4). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô vẫn nhận được lợi ích từ các nguyên tắc của Luật pháp Môi-se mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa. Nhưng tín đồ đạo Đấng Ki-tô không tham gia các ngày lễ mà Luật pháp này quy định, nhất là các ngày lễ có đặc điểm chỉ về Đấng Mê-si vì họ tin rằng đấng ấy đã đến rồi. Kinh Thánh nói: “Chúng là bóng của những điều sẽ đến, còn hình thật là Đấng Ki-tô” (Cô-lô-se 2:17). Vì lý do này và vì một số ngày lễ thời nay đã bị pha trộn các phong tục trái với Kinh Thánh, nên Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia những ngày lễ như:

    •  Hanukkah. Lễ này kỷ niệm ngày tái khánh thành đền thờ của người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-su trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của “cái lều [hay đền thờ] lớn và hoàn hảo hơn, không phải do tay con người làm nên, tức không thuộc về đất” (Hê-bơ-rơ 9:11). Đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô, đền thờ theo nghĩa bóng ấy đã thay thế cho đền thờ theo nghĩa đen ở Giê-ru-sa-lem.

    •  Rosh Hashanah. Tức là ngày đầu tiên trong năm theo lịch Do Thái. Trong lễ này vào thời xưa, người ta dâng những vật tế lễ đặc biệt cho Đức Chúa Trời (Dân số 29:1-6). Tuy nhiên, với tư cách là Đấng Mê-si, Chúa Giê-su Ki-tô đã “khiến vật tế lễ và lễ vật không còn được dâng nữa”, tức không còn hiệu lực trước mắt Đức Chúa Trời.​—Đa-ni-ên 9:26, 27.

  •   Lễ này có cổ xúy việc hòa đồng tôn giáo không?

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Người tin đạo và người không tin có điểm gì chung? Đền thờ của Đức Chúa Trời và thần tượng có gì hòa hợp?”.​—2 Cô-rinh-tô 6:15-17.

     Dù cố gắng sống hòa thuận với người xung quanh và tôn trọng quyền lựa chọn niềm tin của mỗi người, nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia những ngày lễ cổ xúy việc hòa đồng tôn giáo, chẳng hạn như:

     Những ngày lễ tôn vinh nhân vật hoặc ăn mừng sự kiện của một tôn giáo và khuyến khích việc hòa đồng tôn giáo. Vào thời xưa khi Đức Chúa Trời dẫn dân ngài đến vùng đất mới, nơi có cư dân theo tôn giáo khác, ngài phán với họ: “Ngươi không được lập giao ước với chúng hay các thần của chúng... Nếu ngươi hầu việc các thần của chúng thì chắc chắn đó sẽ là cái bẫy cho ngươi” (Xuất Ai Cập 23:32, 33). Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia những ngày lễ sau:

    •  Lễ Hội Hoa Đăng (Loy Krathong). Trong lễ hội này của Thái Lan, “người ta làm những chiếc bát bằng lá, trong đó có gắn nến hoặc nhang, rồi thả xuống nước cho trôi đi. Họ tin rằng những chiếc bát đó sẽ mang đi mọi rủi ro. Thật ra, lễ hội này kỷ niệm dấu chân thánh mà đức Phật để lại”.​—Encyclopedia of Buddhism.

    •  Ngày Ăn Năn Quốc Gia (National Repentance Day). Theo lời của một viên chức được trích trong The National, một tờ báo của Papua New Guinea, những người tham gia lễ này “đồng ý với các giáo lý cơ bản của Ki-tô giáo”. Ông nói rằng ngày lễ ấy giúp nước này làm theo các nguyên tắc của Ki-tô giáo.

    •  Lễ Phật Đản (Vesak). “Đây là ngày thánh nhất trong các ngày lễ của Phật giáo. Lễ này ăn mừng ngày Phật sinh, Phật thành đạo và Phật chết hay nhập Niết Bàn”.​—Holidays, Festivals, and Celebrations of the World Dictionary.

      Lễ Phật Đản

     Những ngày lễ dựa trên truyền thống tôn giáo không đến từ Kinh Thánh. Chúa Giê-su nói với giới lãnh đạo tôn giáo: “Các ông đã vì truyền thống của mình mà làm cho lời Đức Chúa Trời trở nên vô hiệu”. Ngài cũng nói rằng sự thờ phượng của họ là vô ích ‘vì giáo lý họ dạy chỉ là điều răn của con người’ (Ma-thi-ơ 15:6, 9). Ghi nhớ lời cảnh báo này của Chúa Giê-su, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia đa số các ngày lễ tôn giáo.

    •  Lễ Hiển Linh hay Lễ Ba Vua (Epiphany). Trong lễ này, người ta kỷ niệm ngày mà các nhà chiêm tinh viếng thăm Chúa Giê-su hoặc việc Chúa Giê-su chịu phép báp-têm. Một bách khoa từ điển về Lễ Giáng Sinh (The Christmas Encyclopedia) cho biết rằng lễ này bắt nguồn từ những lễ hội xuân của ngoại giáo tôn vinh thần sông và thần suối. Về lễ liên quan là Timkat, một bách khoa từ điển cho biết: “Nguồn gốc [của lễ này] là dựa trên truyền thống”.​—Encyclopedia of Society and Culture in the Ancient World.

    •  Lễ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria Thăng Thiên (Feast of the Assumption of the Virgin Mary). Lễ này dựa trên niềm tin cho rằng mẹ Chúa Giê-su lên trời trong thể xác thịt. Một bách khoa từ điển (Religion and Society​—Encyclopedia of Fundamentalism) cho biết: “Niềm tin này không có trong giáo hội thời ban đầu và không được nói đến trong Kinh Thánh”.

    •  Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Feast of the Immaculate Conception). “Khái niệm [Ma-ri] vô nhiễm nguyên tội không được dạy rõ ràng trong Kinh Thánh... Đó là một tín điều do Giáo hội lập ra”.​—New Catholic Encyclopedia.

    •  Mùa Chay (Lent). Theo Tân bách khoa từ điển Công giáo (New Catholic Encyclopedia), thời gian sám hối và kiêng ăn này được lập “vào thế kỷ thứ tư”, hơn 200 năm sau khi Kinh Thánh được hoàn tất. Về ngày đầu tiên của Mùa Chay, sách ấy nói: “Nghi thức xức tro trên giáo dân vào Thứ Tư Lễ Tro trở nên phổ biến kể từ khi Công đồng Benevento diễn ra vào năm 1091”.

    •  Meskel (hay Maskal). Theo một bách khoa từ điển (Encyclopedia of Society and Culture in the Medieval World), lễ hội này của người Ethiopia đánh dấu “việc tìm được Thập Tự Giá Thật (thập tự giá mà Đấng Ki-tô bị đóng đinh) bằng cách đốt lửa và nhảy múa xung quanh đống lửa”. Tuy nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va không dùng thập tự giá trong sự thờ phượng.

  •   Lễ này có tôn vinh một nhân vật, tổ chức hoặc biểu tượng quốc gia không?

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Đức Giê-hô-va phán thế này: ‘Khốn thay cho kẻ tin cậy phàm nhân, lấy sức loài người làm chỗ nương tựa và trở lòng bỏ Đức Giê-hô-va’”.​—Giê-rê-mi 17:5.

     Dù quý trọng công việc của người khác và ngay cả cầu nguyện cho họ, nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia các lễ sau:

     Lễ tôn vinh một nhà lãnh đạo hoặc nhân vật nổi tiếng. Kinh Thánh nói: “Vì lợi ích của các người, đừng tin cậy phàm nhân nữa, là những kẻ chẳng hơn gì làn hơi thở trong mũi họ; kể đến họ mà làm chi?” (Ê-sai 2:22). Do đó, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia những lễ chẳng hạn như sinh nhật của một nhà cai trị.

     Các lễ tưởng nhớ lá quốc kỳ. Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia những lễ này. Tại sao? Vì Kinh Thánh nói: “Hãy tránh xa các tượng thần” (1 Giăng 5:21). Ngày nay, một số người không xem lá quốc kỳ là hình tượng, tức một đối tượng để thờ phượng, nhưng sử gia Carlton Hayes viết: “Trong chủ nghĩa quốc gia, lá cờ là biểu tượng chính của đức tin và là đối tượng chính của sự thờ phượng”.

     Lễ tôn vinh một vị thánh. Sứ đồ Phi-e-rơ phản ứng thế nào khi một người kính sợ Đức Chúa Trời tên là Cọt-nây quỳ lạy ông? Kinh Thánh cho biết: “Phi-e-rơ đỡ Cọt-nây lên và nói: ‘Hãy đứng dậy. Tôi cũng chỉ là con người’” (Công vụ 10:25, 26). Cả Phi-e-rơ và các sứ đồ khác đều không chấp nhận sự tôn vinh đặc biệt mà người ta dành cho mình, nên Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia lễ tôn vinh những người được xem là thánh, chẳng hạn như:

    •  Ngày Lễ Các Thánh (All Saints’ Day). “Đây là lễ tôn vinh các thánh... Lễ này không rõ nguồn gốc”.​—New Catholic Encyclopedia.

    •  Lễ Đức Mẹ Guadalupe (Fiesta of Our Lady of Guadalupe). Lễ này tôn vinh “thánh bổn mạng của Mexico” mà một số người tin đó là Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-su. Người ta cho rằng bà đã hiện ra với một nông dân vào năm 1531.​—The Greenwood Encyclopedia of Latino Literature.

      Lễ Đức Mẹ Guadalupe

    •  Ngày Danh Nhật (Name Day). Một sách nói về phong tục trên thế giới (Celebrating Life Customs Around the World​—From Baby Showers to Funerals) cho biết: “Trong lễ rửa tội hay lễ thêm sức, một đứa trẻ được đặt tên theo một vị thánh. Ngày Danh Nhật là ngày lễ của vị thánh ấy”. Sách đó nói thêm là “ngày này mang đậm tính tôn giáo”.

     Những ngày lễ ủng hộ các phong trào chính trị hoặc xã hội. Kinh Thánh nói: “Nương náu nơi Đức Giê-hô-va tốt hơn là tin cậy con người” (Thi thiên 118:8, 9). Vì tin rằng chỉ Đức Chúa Trời mới giải quyết được các vấn đề trên thế giới, chứ không phải con người, nên Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia ngày hội giới trẻ hay ngày của phụ nữ, là những ngày ủng hộ các phong trào chính trị hoặc xã hội. Cũng vì lý do đó, họ không tham gia ngày giải phóng, cũng như những ngày lễ tương tự. Thay vì thế, họ tin rằng chỉ Nước Đức Chúa Trời mới có thể xóa bỏ sự kỳ thị chủng tộc và bất bình đẳng.​—Rô-ma 2:​11; 8:​21.

  •   Lễ này có đề cao một quốc gia hay nhóm sắc tộc hơn quốc gia hay nhóm sắc tộc khác không?

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận”.​—Công vụ 10:34, 35.

     Dù nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va quý mến quê hương mình nhưng họ không tham gia các lễ đề cao một quốc gia hay nhóm sắc tộc, chẳng hạn như:

     Lễ vinh danh lực lượng quân đội. Thay vì ủng hộ chiến tranh, Chúa Giê-su khuyên các môn đồ: “Hãy luôn yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình” (Ma-thi-ơ 5:44). Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia các ngày lễ vinh danh những người lính, trong đó có các ngày như:

    •  Ngày Anzac (Anzac Day). “Anzac là tên viết tắt của lực lượng quân đội Úc và New Zealand [Australian and New Zealand Army Corps]... Dần dần, ngày Anzac trở thành lễ tưởng nhớ những người lính đã tử trận”.​—Historical Dictionary of Australia.

    •  Ngày Cựu Chiến Binh (Veterans Day). Ngày này vinh danh “các cựu chiến binh trong quân đội và những người đã tử trận trong các cuộc chiến của đất nước”.​—Encyclopædia Britannica.

     Lễ kỷ niệm sự kiện lịch sử hoặc ngày độc lập của một nước. Chúa Giê-su nói về các môn đồ: “Họ không thuộc về thế gian, như con không thuộc về thế gian” (Giăng 17:16). Dù thích tìm hiểu lịch sử của một quốc gia, nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia các sự kiện như:

    •  Ngày Úc Giành Độc Lập (Australia Day). Theo một bách khoa từ điển (Worldmark Encyclopedia of Cultures and Daily Life), lễ này kỷ niệm “ngày mà quân Anh giương lá cờ lên và tuyên bố Úc là một nước thuộc địa mới vào năm 1788”.

    •  Ngày Guy Fawkes (Guy Fawkes Day). Đây là “ngày lễ quốc gia nhằm kỷ niệm việc ông Guy Fawkes và những tín hữu Công giáo khác ám sát bất thành vua James I và các thành viên của quốc hội [Anh Quốc] vào năm 1605”.​—A Dictionary of English Folklore.

    •  Ngày Độc Lập (Independence Day). Trong nhiều quốc gia, đây là “ngày lễ mà cộng đồng kỷ niệm sự kiện nước mình được độc lập”.​—Merriam-Webster’s Unabridged Dictionary.

  •   Thường có những hành vi buông tuồng và vô luân trong lễ này không?

     Nguyên tắc Kinh Thánh: “Khoảng thời gian qua đã đủ cho anh em làm theo ý muốn của thế gian, khi lối sống anh em đầy những hành vi trâng tráo, đam mê vô độ, uống rượu quá độ, truy hoan trác táng, chè chén say sưa, thờ thần tượng đáng gớm ghiếc”.​—1 Phi-e-rơ 4:3.

     Phù hợp với nguyên tắc này, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia những sự kiện thường có tình trạng chè chén say sưa và tiệc tùng cuồng loạn. Họ vui thích họp mặt với bạn bè và nếu muốn, họ có thể dùng thức uống có cồn một cách chừng mực. Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng làm theo lời khuyên này trong Kinh Thánh: “Dù anh em ăn, uống hay làm bất cứ điều gì, hãy làm mọi việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”.​—1 Cô-rinh-tô 10:31.

     Thế nên, Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia các lễ hội cổ xúy những hành vi không đúng đắn mà Kinh Thánh lên án, trong đó có lễ hội Phu-rim. Dù xưa nay Phu-rim là lễ kỷ niệm việc người Do Thái được giải cứu vào thế kỷ thứ năm trước công nguyên, nhưng theo một sách về Do Thái giáo (Essential Judaism) thì thời nay “lễ ấy có thể được miêu tả là Mardi Gras hay Carnival [lễ hội hóa trang và khiêu vũ] của người Do Thái”. Trong lễ này, nhiều người “hóa trang (thường là người nam cải trang thành người nữ), có hành vi gây rối, uống rượu quá độ và gây ồn ào”.

 Phải chăng không tham gia một số ngày lễ có nghĩa là Nhân Chứng Giê-hô-va không còn yêu thương gia đình?

 Không phải thế. Kinh Thánh dạy chúng ta yêu thương và tôn trọng tất cả thành viên trong gia đình, dù họ có tín ngưỡng nào (1 Phi-e-rơ 3:​1, 2, 7). Dĩ nhiên, khi một Nhân Chứng Giê-hô-va ngưng tham gia ngày lễ nào đó, một số người thân có thể sẽ tức giận, bị tổn thương hoặc thậm chí cảm thấy bị phản bội. Vì thế, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va chủ động trấn an người thân rằng họ vẫn yêu thương gia đình, tế nhị giải thích lý do mình không tham gia, và thăm gia đình vào những dịp khác.

 Nhân Chứng Giê-hô-va có bảo người khác đừng tham gia một số ngày lễ không?

 Không. Họ tin rằng mỗi người phải tự quyết định (Giô-suê 24:15). Nhân Chứng Giê-hô-va “tôn trọng mọi loại người”, dù họ có niềm tin tôn giáo khác với mình.​—1 Phi-e-rơ 2:17.

a Bài này không liệt kê tất cả ngày lễ mà Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia, cũng không đề cập mọi nguyên tắc Kinh Thánh liên quan.

b Theo sách Mithra, Mithraism, Christmas Day & Yalda, của K. E. Eduljee, trang 31-33.