Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng tôn giáo đã bị thương mại hóa?

Phải chăng tôn giáo đã bị thương mại hóa?

 Bạn có nhận thấy nhiều tôn giáo dường như tập trung vào việc kiếm tiền hơn là cung cấp sự hướng dẫn về tâm linh không? Họ quảng cáo và buôn bán các dịch vụ cũng như hàng hóa. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo được trả lương cao và có cuộc sống xa hoa. Hãy xem vài ví dụ:

  •   Theo một cuộc điều tra, trong 13 năm một giám mục Công giáo đã dùng tiền đóng góp của nhà thờ để đi 150 chuyến trên máy bay riêng và đi khoảng 200 lần trên chiếc xe sang có tài xế riêng. Ông cũng chi hơn bốn triệu đô-la để nâng cấp chỗ ở mà nhà thờ cấp cho ông.

  •   Một mục sư ở châu Phi thường tổ chức những dịch vụ tôn giáo có hàng chục ngàn người tham dự. Khu nhà thờ phức hợp của ông bán đủ loại mặt hàng, từ “dầu kỳ diệu” đến những khăn tắm và áo thun có in hình của ông. Trong khi phần lớn những người tham dự thì nghèo khổ, ông thì lại giàu nứt đố đổ vách.

  •   Hai trong bốn núi linh thiêng của đạo Phật ở Trung Quốc là công ty niêm yết giá công khai. Còn Chùa Thiếu Lâm nổi tiếng thì có nhiều dự án kinh doanh, và sư trụ trì được nhiều người biết đến là “nhà sư CEO”.

  •   Các cố vấn tâm linh bắt đầu xuất hiện trong các doanh nghiệp của Mỹ. Theo một báo cáo, họ mượn truyền thống tôn giáo để thiết kế những nghi thức linh thiêng và cung cấp những dịch vụ tâm linh khác cho khách hàng.

 Bạn cảm thấy thế nào về những tôn giáo dính líu đến thương mại? Có bao giờ bạn thắc mắc Đức Chúa Trời nghĩ gì về những người cố trục lợi từ các hoạt động tôn giáo?

Đức Chúa Trời nghĩ gì về việc pha trộn tôn giáo với thương mại?

 Đức Chúa Trời không chấp nhận việc pha trộn tôn giáo với thương mại. Kinh Thánh cho thấy trong quá khứ, ngài rất không hài lòng với những thầy tế lễ tự nhận mình đại diện cho ngài nhưng lại dạy dỗ “vì tiền thù lao” (Mi-chê 3:11). Đức Chúa Trời lên án việc buôn bán tham lam đã biến nơi thờ phượng ngài thành “hang trộm cướp”.​—Giê-rê-mi 7:11.

 Giống như Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su cũng gớm ghiếc những người dùng tôn giáo để trục lợi. Vào thời ngài, các nhà lãnh đạo tôn giáo kiếm lời từ những nhà buôn tham lam mà họ cho phép kinh doanh trong đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Tại đó, các nhà buôn đã bóc lột những người có lòng thành đến để thờ phượng. Chúa Giê-su đã can đảm đuổi các nhà buôn gian lận ra khỏi khu vực đền thờ. Ngài nói: “Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán!”.​—Giăng 2:14-16.

 Chúa Giê-su cũng phản ánh lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời trong cách ngài thi hành thánh chức (Giăng 8:28, 29). Ngài không bao giờ lấy tiền khi dạy người ta về Đức Chúa Trời. Ngài không đòi hỏi phải trả tiền khi ngài thực hiện phép lạ, chẳng hạn như cung cấp thức ăn cho người đói, chữa lành bệnh và làm người chết sống lại. Chúa Giê-su không bao giờ dùng thánh chức để làm giàu, ngài thậm chí không sở hữu một ngôi nhà.​—Lu-ca 9:58.

Làm thế nào các tín đồ thời ban đầu giữ sự thờ phượng tách biệt với thương mại?

 Chúa Giê-su bảo các môn đồ của ngài đừng bao giờ tìm cách trục lợi từ các hoạt động tôn giáo. Ngài nói: “Anh em đã nhận không thì hãy cho không” (Ma-thi-ơ 10:8). Những môn đồ thời ban đầu, sau này được biết đến là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, đã làm theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su. Hãy xem một số ví dụ:

  •   Sứ đồ Phi-e-rơ là một người đi cùng với Chúa Giê-su khi ngài thi hành thánh chức. Ông được một người tên là Si-môn hứa cho tiền để có địa vị và quyền lực. Phi-e-rơ đã lập tức bác bỏ lời đề nghị của Si-môn và nghiêm khắc sửa sai ông ấy khi nói: “Nguyện bạc của anh tiêu tan với anh, vì anh nghĩ nhờ tiền mà có được món quà của Đức Chúa Trời”.​—Công vụ 8:18-20.

  •   Sứ đồ Phao-lô là một giám thị lưu động được nhiều người biết đến. Dù ông bỏ ra nhiều công sức trong nhiều năm để phục vụ các hội thánh nhưng ông không bao giờ tìm cách để kiếm tiền từ công việc của mình. Ông và những bạn đồng hành “không buôn bán lời Đức Chúa Trời như nhiều người khác” (2 Cô-rinh-tô 2:17). Trái lại, Phao-lô viết: “Trong khi rao truyền tin mừng của Đức Chúa Trời cho anh em, chúng tôi làm việc ngày đêm để không tạo gánh nặng về tài chính cho bất cứ người nào trong anh em”.​—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9.

 Dĩ nhiên, các tín đồ thời ban đầu cần tiền để trang trải chi phí cho công việc truyền giáo và những việc từ thiện. Nhưng họ không bao giờ lấy tiền khi giúp người khác thờ phượng Đức Chúa Trời. Nếu muốn, người ta có thể tình nguyện đóng góp, dựa trên những nguyên tắc sau:

  •   2 Cô-rinh-tô 8:12: “Nếu một người có lòng sẵn sàng thì điều người ấy dâng sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận, vì ngài muốn người ấy dâng tùy theo những gì mình có chứ chẳng phải những gì mình không có”.

     Ý nghĩa: Động cơ đóng góp của một người quan trọng hơn là số tiền đóng góp.

  •   2 Cô-rinh-tô 9:7: “Mỗi người hãy làm theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hay bị ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu thương người vui lòng ban tặng”.

     Ý nghĩa: Đức Chúa Trời không muốn bất cứ ai cảm thấy bị ép buộc phải đóng góp. Ngài hài lòng khi một người chọn đóng góp vì muốn làm thế.

Điều gì sắp xảy ra cho các tôn giáo tham lam?

 Kinh Thánh cho biết rõ rằng Đức Chúa Trời không chấp nhận mọi tôn giáo hoặc mọi hình thức thờ phượng (Ma-thi-ơ 7:21-23). Trong một lời tiên tri đáng chú ý, Kinh Thánh ví tất cả các tổ chức tôn giáo sai lầm với một kỹ nữ vì chúng liên minh với các chính phủ để được tiền hoặc quyền lợi khác và bóc lột người từ mọi nước (Khải huyền 17:1-3; 18:3). Lời tiên tri đó cũng cho thấy không lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ thi hành phán quyết trên tôn giáo sai lầm.—Khải huyền 17:15-17; 18:7.

 Từ nay cho đến lúc đó, Đức Chúa Trời không muốn những thực hành xấu của tôn giáo sai lầm lừa gạt người ta hoặc khiến cho họ xa cách ngài (Ma-thi-ơ 24:11, 12). Ngài khuyến giục những người có lòng thành tìm hiểu về cách thờ phượng mà ngài chấp nhận và ra khỏi tôn giáo sai lầm.—2 Cô-rinh-tô 6:16, 17.