Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sao bạn bè làm mình tổn thương?

Sao bạn bè làm mình tổn thương?

CHƯƠNG 10

Sao bạn bè làm mình tổn thương?

“Khanh từng là bạn tốt của mình. Ngày nào mình cũng đón bạn ấy sau giờ làm vì bạn ấy không có xe. Nhưng không lâu sau, mình bắt đầu cảm thấy bạn ấy đang lợi dụng mình.

Lúc lên xe, bạn ấy cứ nói chuyện điện thoại hoặc nhắn tin suốt. Bạn ấy chẳng bao giờ cám ơn mình khi đi nhờ xe và cũng không còn phụ tiền đổ xăng. Những chuyện bạn ấy nói đều tiêu cực. Mình rất giận bản thân vì đã chịu đựng bạn ấy bấy lâu nay!

Một ngày nọ, mình tế nhị giải thích với Khanh rằng mình không thể đón bạn ấy sau giờ làm nữa. Kể từ đó, bạn ấy không thèm nói chuyện với mình. Điều này càng khiến mình nghĩ Khanh chỉ là người lợi dụng. Thật đau lòng!”.—Nhi.

Chuyện này có thể xảy ra với những người bạn thân nhất. Hôm nay hai người như hình với bóng nhưng hôm sau thì chẳng ai nói với ai tiếng nào. Tại sao một tình bạn thân thiết lại thành ra như vậy?

● Trong trường hợp của Trọng, mọi thứ dường như thay đổi khi người bạn tốt của bạn ấy chuyển đến nơi khác, cách xa khoảng 1.600km. Trọng bộc bạch: “Sau khi chuyển đi, cậu ấy biệt vô âm tín. Điều này làm mình rất buồn”.

● Tuyết bắt đầu nhận thấy tính cách của người bạn thân nhất trong 5 năm qua đã thay đổi. Tuyết nói: “Thái độ và cách nói chuyện của bạn ấy khiến mình rất lo. Bạn ấy trở nên tiêu cực và hay chỉ trích về những điều mình xem là quan trọng. Khi tụi mình cố gắng giải tỏa với nhau thì bạn ấy buộc tội mình là kẻ phản bội và kẻ tự cho mình là đúng. Bạn ấy nói rằng chơi với mình sẽ không tốt!”.

● Trong trường hợp của Hân, tình bạn thân thiết của bạn ấy bất ngờ chấm dứt mà không một lời giải thích. Hân chia sẻ: “Lúc đầu tụi mình rất hợp nhau. Bạn ấy nói mình giống như chị gái của bạn ấy. Rồi đột nhiên bạn ấy viện cớ để không chơi chung với mình nữa”.

● Vấn đề giữa Laura và Daria nảy sinh khi Daria hẹn hò với bạn trai của Laura. Laura kể: “Bạn ấy ‘nấu cháo’ điện thoại với anh ấy hàng giờ, dù mình và anh ấy đang hẹn hò. Mình bị bạn thân phản bội và mất người bạn đời tương lai trong cùng một lúc!”.

Chuyện gì đã xảy ra?

Ai cũng đều mắc lỗi. Vì thế, không sớm thì muộn, một người bạn sẽ làm hoặc nói điều gì đó khiến bạn tổn thương. Nếu thành thật suy nghĩ về những điều mình làm trong quá khứ, có lẽ bạn nhớ lại vài lần đã làm tổn thương người khác (Truyền đạo 7:22). Một bạn nữ tên Lisa nói: “Không ai trong chúng ta hoàn hảo nên có lúc mình sẽ làm người khác tổn thương”. Thường thì sự bất đồng đến từ những hiểu lầm nhỏ có thể được giải quyết bằng cuộc nói chuyện ngắn gọn.

Trong những trường hợp khác, tình bạn rạn nứt không phải do một tình huống nào đó nhưng vì hai người dần nhận ra họ không giống nhau như họ từng nghĩ. Hãy nhớ rằng khi lớn lên, sở thích của bạn và của bạn bè cũng thay đổi. Vậy, bạn có thể làm gì khi cảm thấy mình và một người bạn đang dần xa cách?

Làm thế nào để cứu vãn tình bạn?

Có bao giờ bạn làm rách chiếc áo mà mình thích chưa? Nếu có, bạn đã làm gì với nó? Bỏ đi? Hay sửa lại? Chắc chắn, điều này tùy thuộc phần lớn vào việc chiếc áo đó rách đến mức nào và bạn quý nó ra sao. Nếu thật sự thích chiếc áo thì có lẽ bạn đã tìm cách sửa nó. Trong nhiều trường hợp, điều tương tự có thể xảy ra với một tình bạn bị rạn nứt. Điều này phụ thuộc phần lớn vào chuyện đã xảy ra và bạn quý tình bạn đó đến mức nào. *

Chẳng hạn, nếu bị tổn thương vì lời nói hay hành động của ai đó, bạn có thể bỏ qua bằng cách làm theo lời khuyên nơi Thi thiên 4:4: “Lúc trên giường, hãy thầm nhủ với lòng và chớ nói ra”. Vì thế, hãy suy nghĩ kỹ trước khi chấm dứt tình bạn ấy. Người ấy có cố tình làm vậy không? Nếu không biết chắc, sao bạn không nghĩ rằng người ấy chỉ vô tình làm thế? Trong nhiều trường hợp, bạn có thể để “tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi”.—1 Phi-e-rơ 4:8.

Bạn cũng có thể xem liệu mình có lỗi phần nào trong vấn đề đó không. Chẳng hạn, nếu một người bạn tiết lộ bí mật của bạn thì chẳng phải là do bạn đã thiếu khôn ngoan khi nói thông tin ấy cho bạn đó hay sao? Cũng hãy xem liệu bạn có tự biến mình thành mục tiêu để người khác chế giễu không, có lẽ vì bạn nói quá nhiều hoặc nói những lời dại dột (Châm ngôn 15:2). Nếu thế, hãy tự hỏi: “Mình có cần thay đổi để được bạn bè tôn trọng hơn không?”.

“Tụi mình có thể nói chuyện với nhau được không?”

Nói sao nếu bạn cảm thấy không thể bỏ qua vấn đề? Nếu vậy, có lẽ tốt nhất là hãy đến gặp người bạn ấy. Nhưng đừng làm thế khi bạn đang tức giận. Kinh Thánh nói: “Kẻ nóng tính khơi dậy sự xung đột, người chậm giận làm dịu cuộc cãi lộn” (Châm ngôn 15:18). Vì vậy, hãy đợi cho đến khi bạn bình tĩnh rồi mới giải quyết vấn đề.

Khi đến nói chuyện với người ấy, hãy nhớ mục tiêu của bạn không phải là “lấy ác trả ác” (Rô-ma 12:17). Thay vì thế, mục tiêu của bạn là giải quyết vấn đề và cứu vãn tình bạn (Thi thiên 34:14). Do đó, hãy nói một cách chân thành và thẳng thắn. Bạn có thể nói: “Tụi mình đã chơi với nhau một thời gian rồi. Mình không muốn mất tình bạn này. Tụi mình có thể nói chuyện với nhau được không?”. Khi biết nguyên nhân của vấn đề, có lẽ sẽ dễ hàn gắn tình bạn hơn. Ngay cả khi người ấy không hưởng ứng, bạn vẫn thấy nhẹ nhõm vì mình đã cố gắng làm hòa.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng “có hạng bạn bè sẵn sàng xâu xé lẫn nhau” nhưng cũng “có người bạn gắn bó hơn anh em ruột” (Châm ngôn 18:24). Chắc chắn, ngay cả những tình bạn thân nhất cũng có lúc gặp sóng gió. Khi điều đó xảy ra, hãy làm mọi điều có thể để phục hồi mối quan hệ. Thật vậy, việc sẵn sàng hàn gắn những bất đồng là bằng chứng cho thấy bạn đang trưởng thành.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 1, CHƯƠNG 8

TRONG CHƯƠNG TỚI

Một số bạn bè của bạn có lẽ tán gẫu hàng giờ trên Internet. Điều gì thu hút họ đến vậy?

[Chú thích]

^ đ. 15 Có lẽ bạn không muốn duy trì tình bạn thân thiết với một số người. Điều này đặc biệt đúng khi hạnh kiểm của họ không còn phù hợp với tiêu chuẩn của tín đồ đạo Đấng Ki-tô.—1 Cô-rinh-tô 5:11; 15:33.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Nếu có thể được, hãy gắng hết sức hòa thuận với mọi người”.Rô-ma 12:18.

MẸO

Trước khi đưa ra kết luận, hãy lắng nghe bạn mình giải thích.​—Châm ngôn 18:13.

BẠN CÓ BIẾT...?

Những người bạn tốt sẽ tôn trọng không gian riêng của nhau (Châm ngôn 25:17). Trái lại, việc chiếm hết thời gian và sự chú ý của bạn mình có thể kết thúc mối quan hệ giữa hai người.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Nếu cần nói chuyện với người bạn đã làm mình tổn thương, mình có thể nói: ․․․․․

Ngay cả khi khó chịu về điều mà bạn mình đã làm, mình sẽ giữ hòa khí bằng cách: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

Tại sao đôi khi bạn bè dần xa cách nhau?

Khi bị một người bạn làm tổn thương, chuyện nào bạn có thể bỏ qua? Chuyện nào bạn cần giải quyết với người ấy?

Bạn có thể rút ra bài học hữu ích nào khi bị bạn bè làm tổn thương?

Để tránh bị bạn bè làm tổn thương, bạn có thể làm gì?

[Câu nổi bật nơi trang 95]

“Nếu có cơ hội làm lại, mình sẽ không mong đợi tình bạn của tụi mình hoàn hảo. Mình sẽ biết lắng nghe hơn, ủng hộ và không chú tâm vào lỗi lầm của bạn ấy. Giờ thì mình hiểu rằng tình bạn thật là tình bạn đứng vững trước những khó khăn và thử thách”.—Kiệt

[Hình nơi trang 94]

Sự rạn nứt trong tình bạn giống như chiếc áo bị rách nhưng có thể vá lại