Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trầm cảm—Hướng điều trị

Trầm cảm—Hướng điều trị

Trầm cảmHướng điều trị

Chị Dung bị trầm cảm nhiều năm nay nói: “Vợ chồng tôi đến bác sĩ để tìm cách chữa trị, đồng thời cũng điều chỉnh lối sống và cố gắng tạo nếp sinh hoạt phù hợp với tôi. Hiện giờ, chúng tôi đã tìm được phương thuốc có vẻ hiệu quả và bệnh tình của tôi khả quan hơn. Tuy nhiên, trong thời gian chưa tìm ra cách chữa trị hữu hiệu thì tình yêu thương không mai một của chồng và bạn bè đã giúp tôi không bỏ cuộc”.

Kinh nghiệm của chị Dung cho thấy người mắc bệnh lý trầm cảm cần sự giúp đỡ từ mọi phía, kể cả phía y khoa. Lờ đi bệnh trầm cảm có thể rất nguy hiểm, một số trường hợp có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không chữa trị. Cách đây khoảng 2.000 năm, Chúa Giê-su công nhận vai trò của y khoa khi nói: ‘Người bệnh cần thầy thuốc’ (Mác 2:17). Thực tế cho thấy, bác sĩ có thể giúp cải thiện tình trạng của người bệnh một cách đáng kể *.

Vài hướng điều trị

Có khá nhiều cách điều trị bệnh trầm cảm tùy theo triệu chứng và mức độ nặng nhẹ của bệnh. (Xem khung  “Các dạng trầm cảm” nơi trang 5). Nhiều người được sự giúp đỡ của bác sĩ đa khoa, một số khác thì cần được chữa bằng thuốc đặc trị. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống trầm cảm hoặc đề nghị phương pháp thích hợp khác. Một số người bệnh thấy có kết quả tốt khi dùng thảo dược, liệu pháp vận động hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống.

Vấn đề thường gặp

1. Bạn bè có thiện chí nghĩ mình có chút kiến thức y khoa nên bảo bạn phải chữa trị theo cách này cách khác. Một số lại có quan điểm quá dứt khoát về phương pháp chữa bệnh bằng dược liệu, thảo dược, hoặc biện pháp không dùng thuốc.

Cần lưu ý: Trước khi làm theo lời khuyên nào, bạn nên kiểm tra để chắc là lời khuyên ấy đến từ một nguồn đáng tin cậy. Sau cùng, chính bạn là người phải sáng suốt quyết định.

2. Chán nản, người bệnh bỏ dở phương pháp điều trị vì thấy không có kết quả như mong muốn hoặc bị tác dụng phụ.

Cần lưu ý: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế; nhưng nhờ có nhiều mưu-sĩ, mưu-định bèn được thành” (Châm-ngôn 15:22). Phương pháp điều trị sẽ dễ thành công hơn nếu bác sĩ và người bệnh nói chuyện cởi mở với nhau. Hãy kể cho bác sĩ biết các triệu chứng và bày tỏ hết mối lo lắng của bạn. Nếu chưa thấy khỏe hơn, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ xem có cần điều chỉnh cách trị liệu hay không, hoặc chỉ cần kiên trì uống thuốc.

3. Quá chủ quan nên người bệnh ngưng thuốc sau vài tuần khi thấy khỏe hơn. Họ quên là trước khi dùng thuốc, họ có những triệu chứng nặng ra sao.

Cần lưu ý: Ngừng thuốc cách đột ngột mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Kinh Thánh không phải là sách về y học nhưng tác giả của sách này, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đấng tạo ra chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy xem lời hướng dẫn và an ủi mà Lời Ngài dành cho người bị trầm cảm lẫn người thân chăm sóc họ.

[Chú thích]

^ đ. 3 Tỉnh Thức! không ủng hộ một cách trị liệu nào. Mỗi cá nhân nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

 [Khung nơi trang 5]

CÁC DẠNG TRẦM CẢM

Hiệu quả của liệu pháp điều trị tùy thuộc vào việc xác định người bệnh mắc dạng trầm cảm nào.

Trầm cảm nặng có những triệu chứng nghiêm trọng kéo dài ít nhất sáu tháng (nếu không chữa trị), và các triệu chứng ấy ảnh hưởng hầu hết mọi khía cạnh đời sống của người bệnh.

Rối loạn thần kinh lưỡng cực cũng gọi là bệnh hưng-trầm cảm. Tâm trạng của người bệnh luân chuyển giữa hai thái cực: có giai đoạn khoan khoái quá mức và tràn đầy hoạt động (hưng cảm), sau đó là cơn u uất (trầm cảm).—Xin xem bài “Sống với căn bệnh rối loạn lưỡng cực” (“Living With a Mood Disorder”) trong Tỉnh Thức! ngày 8-1-2004 (Anh ngữ).

Rối loạn tính khí (dysthymia) tuy không nghiêm trọng bằng bệnh trầm cảm nặng nhưng cũng có triệu chứng giống bệnh trầm cảm, làm ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của người bệnh. Một số người bệnh thỉnh thoảng có những cơn trầm cảm nặng.

Trầm cảm sau sinh là rối loạn về cảm xúc xuất hiện ở nhiều phụ nữ sau khi sinh con.—Xin xem bài “Hiểu về chứng trầm cảm sau sinh” trong tạp chí Tỉnh Thức! tháng 10-12 năm 2003.

Rối loạn theo mùa xảy ra cho người bệnh vào mùa thu và mùa đông, dường như do thiếu ánh sáng mặt trời, và thường chấm dứt vào mùa xuân và mùa hạ.