Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mạng xã hội bốn câu hỏi quan trọng về mạng xã hội

Mạng xã hội bốn câu hỏi quan trọng về mạng xã hội

Mạng xã hội bốn câu hỏi quan trọng về mạng xã hội

Cũng như hầu hết các ứng dụng khác của Internet, mạng xã hội có những mối nguy hiểm. * Hãy lưu ý điều này khi xem xét những câu hỏi dưới đây.

1 Mạng xã hội ảnh hưởng thế nào đến sự riêng tư của tôi?

“Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu; nhưng ai cầm-giữ miệng mình là khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 10:19.

Điều bạn nên biết. Nếu không cẩn thận, bạn có thể để lộ quá nhiều thông tin qua phần tiểu sử, ảnh, cập nhật trạng thái (những tin bạn chia sẻ với những người trong danh sách bạn bè) và bình luận (những hồi đáp của bạn về phần cập nhật trạng thái của người khác). Chẳng hạn, bạn có thể để lộ địa chỉ nơi mình sống, thời gian bạn thường có mặt (và vắng mặt) ở nhà, nơi làm việc hoặc trường của bạn. Thông tin về địa chỉ của bạn và tin ngắn như “ngày mai chúng tôi sẽ đi du lịch!” là đủ để một tên trộm biết khi nào có thể đột nhập.

Để lộ thông tin khác như địa chỉ hòm thư điện tử, ngày tháng năm sinh hay số điện thoại có thể khiến bạn bị quấy rối, bắt nạt và mạo danh trên mạng. Tuy vậy, nhiều người vẫn dễ dàng để lộ thông tin như thế trong trang cá nhân của mình.

Người ta thường quên rằng một khi thông tin được đăng lên mạng, nó trở thành thông tin công cộng. Ngay cả khi chỉ chia sẻ cập nhật trạng thái với một người hoặc một nhóm người thì người sử dụng cũng không thể kiểm soát được những người này sẽ làm gì với thông tin ấy. Thật vậy, bất cứ thông tin nào được đăng lên mạng xã hội thì có thể được xem là công cộng hoặc dễ dàng phổ biến rộng rãi.

Điều bạn có thể làm. Hãy hiểu rõ và sử dụng thành thạo cách thiết lập quyền riêng tư trên trang mạng xã hội của bạn. Chỉ nên cho những người bạn biết và tin cậy xem cập nhật trạng thái và ảnh của bạn.

Dù thế, bạn nên biết rằng những gì bạn tải lên mạng có thể được phổ biến rộng rãi hơn bạn nghĩ. Hãy thường xuyên xem lại trang cá nhân và tự hỏi liệu bạn có để lộ thông tin gì mà kẻ xấu có thể lợi dụng để lấy thông tin cá nhân hoặc mạo danh bạn trên mạng hay không. Thậm chí trong vòng bạn bè cũng không nên đăng những thông tin có thể xâm phạm sự riêng tư của bạn và người khác (Châm-ngôn 11:13). Nếu bạn muốn chia sẻ những thông tin nhạy cảm, hãy dùng hình thức giao tiếp khác. Một phụ nữ trẻ tên là Cameron nói: “Nói chuyện qua điện thoại thì riêng tư hơn và ít bị lộ thông tin hơn”.

Điều quan trọng. Một phụ nữ tên là Kim tóm tắt vấn đề: “Nếu để ý đến những gì mình đang làm, bạn có thể giữ phần nào sự riêng tư trên mạng xã hội. Nếu không, bạn có thể gặp rắc rối”.

2 Mạng xã hội ảnh hưởng thế nào đến thời gian của tôi?

“Nhận biết những điều quan trọng hơn”.—Phi-líp 1:10.

Điều bạn nên biết. Mạng xã hội có thể làm bạn tốn thời gian và sao lãng những hoạt động quan trọng hơn. Một phụ nữ tên là Kay nhận xét: “Càng có nhiều mối liên lạc, bạn càng mất nhiều thời gian cho mạng xã hội và càng dễ bị nghiện”. Hãy xem lời bình luận của một số người trẻ cho biết họ bị rơi vào cạm bẫy này.

“Thật khó để từ bỏ mạng xã hội ngay cả khi bạn không thật sự thích. Dường như nó trở thành nỗi ám ảnh”.—Elise.

“Có quá nhiều việc để làm, chẳng hạn như chơi trò chơi, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, vào trang những người hâm mộ âm nhạc, đó là chưa kể đến việc xem tất cả những trang của bạn bè”.—Blaine.

“Mạng xã hội hút bạn như một cơn lốc. Bạn không nghĩ rằng mình bị hút vào đó cho đến khi mẹ về nhà và hỏi tại sao con chưa nấu cơm”.—Analise.

“Sau khi tan trường, tôi muốn trở về nhà càng nhanh càng tốt chỉ để xem hồi đáp của bạn bè. Rồi tôi phải trả lời mọi người và xem tất cả ảnh mà họ mới tải lên. Khi đang lên mạng, tôi rất dễ nổi cáu và ghét bị quấy rầy. Tôi biết một số người gần như ở trên mạng suốt, ngay cả vào lúc rất khuya hoặc đang đến chơi nhà người khác!”.—Megan.

Điều bạn có thể làm. Thời gian rất quý nên không thể lãng phí. Sao không lập quỹ để quản lý thời gian như cách bạn quản lý tiền bạc? Trước tiên, hãy ghi ra số lượng giờ mà bạn cảm thấy hợp lý dành cho mạng xã hội. Sau đó, theo dõi trong một tháng và xem thử bạn có làm đúng như dự định không. Nếu không, hãy giảm bớt thời lượng lên mạng.

Nếu bạn là cha mẹ và các con ở tuổi vị thành niên của bạn dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, hãy cố gắng tìm nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Chẳng hạn, trong cuốn sách của mình (Cyber-Safe Kids, Cyber-Savvy Teens), bà Nancy E. Willard cho thấy sự lo lắng, căng thẳng và tự ti có thể dẫn đến việc lạm dụng mạng xã hội. Bà viết: “Nhiều người trẻ vị thành niên rất lo lắng đến việc người khác nghĩ gì về mình. Các em có thể nghĩ rằng mình càng giao tiếp nhiều trên mạng thì càng có giá trị trong mắt mọi người. Chính lối suy nghĩ này càng khiến các em dễ bị nghiện”.

Đừng bao giờ để mạng xã hội hay bất cứ hoạt động nào trên mạng cản trở bạn củng cố mối quan hệ thân thiết với gia đình. Trong cuốn sách của mình (Grown Up Digital), ông Don Tapscott viết: “Một trong những điều trớ trêu của Internet là công nghệ này kết nối những người thân ở xa nhưng lại có thể chia cắt những người sống chung một mái nhà”.  

Điều quan trọng. Một cô gái tên là Emily nói: “Tôi nghĩ mạng xã hội là công cụ tuyệt vời để giữ liên lạc với mọi người. Nhưng cũng như mọi việc khác, bạn phải biết ngưng đúng lúc”.

3 Mạng xã hội ảnh hưởng thế nào đến danh tiếng của tôi?

“Danh-tiếng tốt còn hơn tiền-của nhiều”.—Châm-ngôn 22:1.

Điều bạn nên biết. Những gì bạn đăng trên mạng xã hội tạo nên hình ảnh về con người bạn và có thể khó xóa bỏ (Châm-ngôn 20:11; Ma-thi-ơ 7:17). Nhiều người dường như không để ý đến mối nguy hiểm tiềm ẩn đó. Một phụ nữ trẻ tên là Raquel nói: “Dường như lúc ở trên mạng xã hội người ta không còn sáng suốt. Họ nói những điều mà bình thường họ không nói. Một vài người không nhận thấy rằng chỉ một tin gây phản cảm được đăng cũng có thể hủy hoại thanh danh chính họ”.

Việc thanh danh bị hủy hoại trên mạng xã hội có thể để lại hậu quả lâu dài. Cuốn Grown Up Digital cho biết: “Có rất nhiều câu chuyện về những người sử dụng mạng xã hội bị mất việc hoặc không xin được việc vì những gì họ đăng”.

Điều bạn có thể làm. Hãy đặt mình vào vị thế người xem trang cá nhân của bạn. Hãy tự hỏi: “Tôi có thực sự muốn người ta nghĩ về mình như thế không? Nếu một người xem ảnh của tôi và miêu tả về những gì họ thấy, họ sẽ nghĩ đến những từ nào? ‘Lẳng lơ’? ‘Khêu gợi’? hay ‘Ăn chơi, mê tiệc tùng’? Nếu thế, đó có phải là cách mà tôi muốn người chủ tương lai xem và nhận xét về trang cá nhân của tôi khi tôi nộp đơn xin việc không? Những ảnh này có thực sự cho thấy những tiêu chuẩn đạo đức tôi quý trọng không?”.

Nếu là người trẻ, bạn hãy tự hỏi: “Cha mẹ, thầy cô hoặc những người mình kính trọng sẽ nghĩ gì khi vào trang cá nhân của tôi? Tôi có ngượng về những điều họ có thể thấy và đọc không?”.

Điều quan trọng. Liên quan đến danh tiếng của bạn, hãy nhớ lời của một người viết Kinh Thánh là sứ đồ Phao-lô: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy”.—Ga-la-ti 6:7.

4 Mạng xã hội ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ bạn bè của tôi?

“Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”.—Châm-ngôn 13:20.

Điều bạn nên biết. Bạn bè ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của bạn (1 Cô-rinh-tô 15:33). Thế nên điều hợp lý là chọn lựa người để kết bạn trên mạng xã hội. Một số người chấp nhận lời mời kết bạn của hàng chục, hàng trăm người mà họ gần như không biết hoặc thậm chí không biết chút gì. Những người khác nhận thấy rằng không phải ai trong danh sách bạn bè cũng đều là bạn tốt. Hãy xem một số người nói gì.

“Nếu ai bạn cũng nhận lời mời kết bạn thì chắc chắn bạn sẽ gặp rắc rối”.—Analise.

“Tôi biết nhiều người nhận lời mời kết bạn dù không muốn, vì sợ chạm tự ái người kia”.—Lianne.

“Kết bạn trên mạng cũng giống như kết bạn trong cuộc sống thực. Bạn phải cẩn thận”.—Alexis.

Điều bạn có thể làm. Hãy đặt cho mình một “quy tắc kết bạn”. Chẳng hạn, một số người đặt ra những tiêu chuẩn về việc kết bạn. *

“Tôi chỉ kết bạn với người tôi biết rõ, chứ không phải với người tôi biết sơ qua.—Jean.

“Tôi chỉ kết bạn với người tôi quen đã lâu. Tôi không bao giờ nhận lời mời kết bạn của người lạ”.—Monique.

“Tôi chỉ nhận lời mời kết bạn của người tôi biết khá rõ và có tiêu chuẩn đạo đức như tôi”.—Rae.

“Nếu nhận được lời mời kết bạn của người lạ, tôi sẽ từ chối mà không đắn đo. Tất cả bạn bè của tôi trên mạng đều là những người mà tôi biết rõ trong cuộc sống thực”.—Marie.

“Nếu một người bạn bắt đầu đăng ảnh hoặc cập nhật trạng thái mà tôi cảm thấy không thể chấp nhận, tôi sẽ không tiếc nuối khi xóa tên người ấy khỏi danh sách. Chỉ xem thôi cũng có thể bị ảnh hưởng không tốt”.—Kim.

“Khi có tài khoản mạng xã hội, tôi đã thiết lập quyền riêng tư chặt chẽ. Tôi không cho phép bạn của bạn bè tôi xem tin hoặc ảnh của tôi. Chỉ bạn bè của tôi mới được xem. Tôi làm thế vì không biết giao tiếp với họ có tốt hay không. Tôi không biết về con người của họ”.—Heather.

Điều quan trọng. Trong cuốn sách của mình (CyberSafe), tiến sĩ Gwenn Schurgin O’Keeffe viết: “Trên mạng xã hội, tốt nhất là chỉ kết thân với những người mà bạn biết và là bạn bè trong cuộc sống thực”.

[Chú thích]

^ đ. 2 Tạp chí Tỉnh Thức! không ủng hộ hoặc lên án bất kỳ trang mạng xã hội cụ thể nào. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên hiểu rằng việc sử dụng Internet không vi phạm nguyên tắc Kinh Thánh.—1 Ti-mô-thê 1:5, 19.

^ đ. 35 Trong bài này, chúng tôi bàn về mối quan hệ bạn bè thông thường, không phải mối quan hệ trong công việc.

[Khung nơi trang 8]

HÃY ĐĂNG XUẤT!

Khi bạn không dùng mạng xã hội nhưng vẫn để tài khoản của mình ở trạng thái đăng nhập, như thế vô tình bạn cho người khác cơ hội đăng thông tin lên trang của bạn. Theo luật sư Robert Wilson, điều này “cũng giống như việc bạn để ví tiền hoặc điện thoại di động ở nơi công cộng. Bất cứ ai cũng có thể đăng thông tin vào trang của bạn”. Lời khuyên của ông là gì? “Đừng quên đăng xuất”.

[Khung nơi trang 8]

RƯỚC HỌA?

Cuộc khảo sát của tạp chí Consumer Reports cho biết nhiều người sử dụng mạng xã hội “có nguy cơ bị trộm, theo dõi hoặc mạo danh trên mạng. Có 15% người sử dụng đăng nơi ở hoặc kế hoạch đi du lịch, 34% đăng đầy đủ ngày sinh và 21% người có trẻ con ở nhà đăng ảnh và tên của con mình”.