Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn nên biết gì về chứng động kinh?

Bạn nên biết gì về chứng động kinh?

Một người quen ngã xuống, ngất đi. Toàn thân trở nên cứng, đầu và tứ chi bắt đầu co giật. Nếu bạn biết người đó bị chứng động kinh, bạn có thể hỗ trợ trong khi chờ đợi sự giúp đỡ. Hãy xem một số điểm căn bản về chứng rối loạn này thường bị hiểu sai.

Chứng động kinh là gì? Chứng động kinh là sự rối loạn não gây ra cơn động kinh ngắn. Cơn động kinh thường kéo dài chưa đến năm phút. Tình trạng được miêu tả ở đầu bài là điển hình của cái gọi là cơn động kinh lớn.

Nguyên nhân gây ra cơn động kinh? Các nhà nghiên cứu tin rằng khi các tế bào não phóng ra những xung điện bất thường thì có cơn động kinh. Hiện nay, vẫn không rõ tại sao điều này xảy ra.

Nếu thấy một người lên cơn động kinh lớn, tôi nên làm gì? Bách khoa từ điển về não và các rối loạn não (The Encyclopedia of the Brain and Brain Disorders) cho biết: “Những người ở gần không nên can thiệp vào cơn động kinh, ngoài việc đảm bảo rằng người bệnh không bị nguy hiểm về thể chất và có thể thở”. Mặt khác, sách ấy nói: “Nên gọi xe cứu thương nếu cơn động kinh kéo dài hơn năm phút, có một cơn động kinh kế tiếp, hoặc cơn động kinh đã chấm dứt vài phút mà người bệnh vẫn chưa tỉnh lại”.

Tôi có thể làm gì khi người bệnh lên cơn động kinh? Đặt một vật mềm giữa đầu người bệnh và nền nhà, dời các vật nhọn ra xa đầu. Khi cơn co giật ngừng, nghiêng người bệnh theo như hình trong bài.

Tôi nên làm gì khi người bệnh tỉnh lại? Trước tiên, đảm bảo với người ấy rằng mọi chuyện đều ổn. Rồi giúp người đó đứng lên và dẫn đến một chỗ để nghỉ ngơi. Phần lớn người bệnh còn cảm thấy lơ mơ và buồn ngủ sau cơn động kinh; còn người khác thì hồi phục nhanh và có thể tiếp tục công việc trước khi bị lên cơn.

Có phải mỗi lần lên cơn động kinh là bị co giật không? Một số bệnh nhân bị giảm ý thức trong giây lát nhưng không ngã. Đây gọi là cơn động kinh nhỏ, thường xảy ra nhanh và không có phản ứng phụ kéo dài. Một số người trải qua cơn động kinh nhỏ kéo dài, khoảng vài phút. Trong trường hợp ấy, bệnh nhân có hành động kỳ lạ như đi thơ thẩn trong phòng, giật giật quần áo hoặc các hành vi khác. Sau cơn động kinh, người ấy có thể cảm thấy choáng váng.

Sống chung với chứng động kinh là thế nào? Điều dễ hiểu là nhiều người mắc chứng động kinh luôn lo sợ, không biết khi nào cơn kế tiếp xảy ra. Để không bị ngượng, họ có thể tránh ở nơi đông người.

Tôi có thể làm gì để hỗ trợ người bị chứng động kinh? Khích lệ người ấy đừng che giấu cảm xúc. Hãy là người biết lắng nghe. Hỏi xem người ấy muốn bạn làm gì khi bị lên cơn. Vì nhiều người mắc chứng động kinh không lái xe, có lẽ bạn đề nghị chở hoặc làm một số việc vặt cho họ.

Có thể giảm hoặc ngăn chặn cơn động kinh không? Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ lên cơn, chẳng hạn như sự căng thẳng hoặc thiếu ngủ. Vì thế, các chuyên gia khuyến khích người mắc chứng động kinh nên ngủ đầy đủ, đều đặn tập thể dục để giảm căng thẳng. Trong một số trường hợp, việc dùng thuốc cũng hữu hiệu.