Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Quyết tâm là người lính của Đấng Ki-tô

Quyết tâm là người lính của Đấng Ki-tô

Khi đạn bay vèo vèo xung quanh, tôi chậm rãi giơ chiếc khăn tay màu trắng lên. Toán lính đang bắn kêu tôi ra khỏi nơi ẩn náu. Tôi thận trọng đến gần họ, không biết mình sẽ sống hay chết. Điều gì khiến tôi lâm vào tình thế nguy hiểm này?

Tôi sinh năm 1926, và là con thứ bảy trong gia đình có tám anh chị em. Cha mẹ tôi là những người làm việc siêng năng ở Karítsa, ngôi làng nhỏ thuộc Hy Lạp.

Một năm trước khi tôi sinh ra, cha mẹ tôi gặp một anh sốt sắng và hay nói, tên là John Papparizos. Anh là Học viên Kinh Thánh, tức tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ. Ấn tượng trước cách lý luận sắc bén dựa trên Kinh Thánh của anh John, họ bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp của Học viên Kinh Thánh trong làng. Mẹ tôi có đức tin không lay chuyển nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và dù mù chữ nhưng mẹ chia sẻ niềm tin với người khác vào mọi dịp thích hợp. Đáng buồn là cha tôi tập trung vào sự bất toàn của người khác và dần dần bỏ nhóm họp.

Tôi và các anh chị em ruột đều quý trọng Kinh Thánh nhưng khi ở tuổi đang lớn thì bị phân tâm bởi những thú vui của tuổi trẻ. Năm 1939, khi Thế Chiến II lan khắp châu Âu, một biến cố xảy ra trong làng đã khiến chúng tôi choáng váng. Người hàng xóm và cũng là anh họ của chúng tôi là Nicolas Psarras, một Nhân Chứng mới báp-têm, bị cưỡng bách gia nhập quân đội Hy Lạp. Anh Nicolas, 20 tuổi, can đảm nói với ban chỉ huy quân sự rằng: “Tôi không thể chiến đấu vì tôi là người lính của Đấng Ki-tô”. Anh bị tòa án quân sự xét xử và bị kết án mười năm tù. Chúng tôi rất bàng hoàng!

Cuối cùng, đầu năm 1941, phe Đồng minh vào Hy Lạp một thời gian ngắn, và anh Nicolas được thả khỏi tù. Anh tìm đường trở về Karítsa, và anh trai tôi là Ilias đã tới tấp đặt câu hỏi về Kinh Thánh cho anh. Tôi háo hức lắng nghe. Sau đó, tôi, anh Ilias và em gái là Efmorfia bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và đều đặn tham dự nhóm họp với các Nhân Chứng. Năm tiếp theo, cả ba chúng tôi đều dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm. Sau đó, bốn anh chị em khác cũng trở thành những Nhân Chứng trung thành.

Năm 1942, hội thánh Karítsa có chín anh chị trẻ trong độ tuổi 15 đến 25. Tất cả chúng tôi đều biết rằng có nhiều thử thách gay go ở phía trước. Để được củng cố, chúng tôi họp lại bất cứ khi nào có thể để học Kinh Thánh, hát thánh ca và cầu nguyện. Nhờ thế, đức tin của chúng tôi được vững mạnh.

Anh Demetrius và các bạn ở Karítsa

CUỘC NỘI CHIẾN

Khi Thế Chiến II sắp kết thúc, quân phiến loạn nổi dậy chống lại chính phủ Hy Lạp, dẫn đến cuộc nội chiến ác liệt. Đội du kích của quân phiến loạn đi khắp vùng quê bắt dân làng theo phe của họ. Khi lùng sục làng chúng tôi, họ bắt cóc ba Nhân Chứng trẻ, là anh Antonio Tsoukaris, Ilias và tôi. Chúng tôi nài nỉ rằng chúng tôi giữ sự trung lập vì là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, nhưng họ vẫn bắt chúng tôi đi bộ đến núi Olympus, cách làng khoảng 12 tiếng.

Không lâu sau, viên chỉ huy ra lệnh cho chúng tôi tham gia đội du kích lùng sục. Khi chúng tôi giải thích rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính không cầm vũ khí chống lại người đồng loại, viên chỉ huy tức giận lôi chúng tôi đến gặp tướng chỉ huy. Khi chúng tôi giải thích lại như trên, tướng chỉ huy ra lệnh: “Vậy hãy lấy con la và chuyển thương binh từ chiến trường đến bệnh viện”.

Chúng tôi đáp: “Nhưng nếu chúng tôi bị lính của chính phủ bắt, thì chẳng phải họ sẽ xem chúng tôi là lính chiến sao?”. Ông ấy nói: “Vậy hãy đem thức ăn ra tiền tuyến”. Chúng tôi lý luận: “Nhưng nếu một viên chỉ huy thấy chúng tôi có con la và bảo chúng tôi mang vũ khí ra tiền tuyến thì sao?”. Tướng chỉ huy suy nghĩ hồi lâu, rồi nói lớn: “Vậy hẳn các anh có thể chăm sóc những con cừu! Ở trên núi và chăn cừu đi”.

Trong cuộc nội chiến ác liệt, ba người chúng tôi cảm thấy lương tâm cho phép chúng tôi chăm sóc những con cừu. Một năm sau, vì là con trai cả nên anh Ilias được phép trở về nhà để chăm sóc người mẹ góa bụa của chúng tôi. Anh Antonio bị bệnh và được thả ra, nhưng tôi vẫn bị giữ lại.

Trong khi đó, quân đội Hy Lạp càng tiến gần quân phiến loạn. Nhóm bắt giữ tôi chạy trốn qua núi về phía nước láng giềng Albania. Đến gần biên giới, chúng tôi đột nhiên bị lính Hy Lạp bao vây. Quân phiến loạn hoảng sợ bỏ chạy. Tôi núp sau cái cây đổ, nơi tôi phải đối mặt với quân lính như được đề cập ở đầu bài.

Khi tôi nói với lính Hy Lạp rằng tôi bị quân phiến loạn bắt giữ, họ dẫn tôi đến trại quân gần Véroia, là thành Bê-rê vào thời Kinh Thánh, để xét lại. Tôi được lệnh đào hào cho quân lính. Khi tôi từ chối, viên chỉ huy truyền lệnh lưu đày tôi đến đảo ngục hình đáng sợ là Makrónisos (Makronisi).

HÒN ĐẢO KINH KHỦNG

Đảo Makrónisos là một khối đá hoang sơ, khô cằn, nắng gắt nằm trên bờ Attica, cách A-thên khoảng 50km. Đảo có chiều dài chỉ 13km và rộng 2,5km (ở chỗ rộng nhất). Nhưng từ năm 1947 đến 1958, đảo tiếp nhận hơn 100.000 tù nhân, kể cả phiến quân, lính kháng chiến cũ và nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va trung thành.

Khi tôi đến vào đầu năm 1949, tù nhân được chia ra nhiều trại. Tôi được ở trại không canh chừng cẩn mật cùng với vài trăm người khác. Khoảng 40 người chúng tôi ngủ trong lều bạt chỉ đủ cho 10 người. Chúng tôi phải uống nước bẩn, chủ yếu ăn đậu lăng và cà tím. Gió bụi không ngớt khiến cho cuộc sống rất khốn khổ. Nhưng ít nhất chúng tôi không phải liên tục mang đá qua lại, một hình thức hành hạ nhẫn tâm khiến nhiều tù nhân bị tàn phá về thể xác lẫn tinh thần.

Với các anh Nhân Chứng khác bị lưu đày ở đảo Makrónisos

Một ngày khi đang đi bộ trên bãi biển, tôi gặp vài Nhân Chứng từ các trại khác. Thật vui mừng khi chúng tôi được ở cùng nhau! Rất cẩn thận để tránh bị phát hiện, chúng tôi gặp nhau bất cứ khi nào có thể. Chúng tôi cũng thận trọng rao giảng cho các tù nhân khác, một số người sau này trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Những hoạt động đó và lời cầu nguyện chân thành đã gìn giữ chúng tôi về thiêng liêng.

TRONG LÒ LỬA HỰC

Sau khi tôi trải qua mười tháng “cải tạo”, những người bắt tôi quyết định rằng đã đến lúc tôi phải mặc quân phục. Khi tôi từ chối, họ lôi tôi đến trước viên chỉ huy của trại. Tôi đưa cho ông bản tường trình tuyên bố lập trường và nói: “Tôi chỉ muốn là người lính của Đấng Ki-tô”. Sau khi hăm dọa, viên chỉ huy giao tôi cho phó chỉ huy, là tổng giám mục của Chính Thống giáo Hy Lạp đang mặc lễ phục. Khi tôi dùng Kinh Thánh để trả lời các câu hỏi của ông một cách mạnh dạn, ông ta giận dữ quát: “Đem hắn đi. Đồ cuồng tín!”.

Sáng hôm sau, toán lính lại bắt tôi mặc quân phục. Khi tôi từ chối, họ đánh tôi bằng dùi cui và những nắm đấm. Sau đó, họ dẫn tôi đến trại cứu thương để xác định xương của tôi không bị gãy, rồi kéo tôi trở về lều. Điều này tiếp diễn mỗi ngày trong hai tháng.

Vì tôi không thỏa hiệp đức tin nên toán lính bực tức và thử một chiêu mới. Họ trói tay tôi ra sau lưng và dùng roi dây quất dã man vào bàn chân của tôi. Dù rất đau đớn nhưng tôi nhớ lại lời của Chúa Giê-su: “Hạnh phúc cho anh em khi bị người ta mắng nhiếc, ngược đãi... Hãy hân hoan và nhảy lên vui mừng, vì anh em có phần thưởng rất lớn ở trên trời; các nhà tiên tri thời xưa cũng từng bị ngược đãi như vậy” (Mat 5:11, 12). Cuối cùng, sau thời gian dường như vô tận, tôi bất tỉnh.

Tôi tỉnh lại trong một phòng giam lạnh lẽo không có bánh mì, nước uống hay chăn mền. Dù vậy, tôi vẫn thấy bình tâm. Như Kinh Thánh hứa, “sự bình an của Đức Chúa Trời” đã ‘bảo vệ lòng và trí của tôi’ (Phi-líp 4:7). Hôm sau, một người lính tốt bụng cho tôi bánh mì, nước uống và áo khoác. Rồi người lính khác cho tôi phần thức ăn của anh. Qua cách này và nhiều cách khác, tôi cảm nghiệm sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va.

Các bậc cầm quyền xem tôi là kẻ nổi loạn hết thuốc chữa và đưa tôi đến A-thên để hầu tòa quân sự. Tại đó tôi bị kết án ba năm tù và bị giam ở Yíaros (Gyaros), một đảo cách Makrónisos 50km về phía đông.

“CHÚNG TÔI CÓ THỂ TIN CẬY CÁC ANH”

Nhà tù Yíaros là một pháo đài bằng gạch và rộng lớn, chứa hơn 5.000 tù nhân chính trị. Nơi đây cũng giam giữ bảy Nhân Chứng Giê-hô-va, tất cả bị bỏ tù vì giữ sự trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Bảy người chúng tôi bí mật gặp nhau để học Kinh Thánh dù bị nghiêm cấm. Thậm chí, chúng tôi đều đặn nhận Tháp Canh được chuyển lén vào, rồi chúng tôi chép ra để học hỏi.

Một ngày, trong khi bí mật học Kinh Thánh, chúng tôi bị lính canh bắt gặp và tịch thu ấn phẩm. Chúng tôi bị đưa đến văn phòng của phó cai tù, và nghĩ rằng mình sẽ bị tăng án tù. Nhưng phó cai tù nói: “Chúng tôi biết các anh là ai, và tôn trọng lập trường của các anh. Chúng tôi có thể tin cậy các anh. Hãy trở lại làm việc đi”. Ông ấy thậm chí giao cho một số người trong chúng tôi nhiệm vụ dễ dàng hơn. Chúng tôi dâng tràn lòng biết ơn. Ngay cả khi ở trong tù, lòng trung kiên của chúng tôi vẫn có thể mang lại sự ngợi khen cho Đức Giê-hô-va.

Sự kiên định của chúng tôi cũng đem lại kết quả khác. Sau khi quan sát kỹ cách cư xử tốt của chúng tôi, một tù nhân là giáo sư toán học được thúc đẩy để hỏi về niềm tin của chúng tôi. Khi nhóm Nhân Chứng chúng tôi được thả tự do vào đầu năm 1951, ông ấy cũng được thả ra. Sau đó, ông làm báp-têm trở thành Nhân Chứng và người truyền giáo trọn thời gian.

VẪN LÀ MỘT NGƯỜI LÍNH

Với vợ tôi là Janette

Sau khi được thả tự do, tôi trở về với gia đình ở Karítsa. Sau đó, cùng với nhiều người đồng hương, tôi di cư sang Melbourne, Úc. Tại đây, tôi đã gặp và kết hôn với Janette, một chị Nhân Chứng gương mẫu. Chúng tôi nuôi dạy một con trai và ba con gái theo đường lối đạo Đấng Ki-tô.

Giờ đây đã ngoài 90 tuổi, tôi vẫn hoạt động với tư cách trưởng lão. Vì những vết thương cũ nên đôi khi thân thể và chân của tôi bị đau nhức, nhất là sau khi đi rao giảng về. Dù vậy hơn bao giờ hết, tôi quyết tâm là ‘người lính của Đấng Ki-tô’.—2 Ti 2:3.