Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | BỐN KỴ SĨ​—ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN BẠN?

Bốn kỵ sĩ​—Họ là ai?

Bốn kỵ sĩ​—Họ là ai?

Bốn kỵ sĩ có vẻ bí ẩn và đáng sợ, nhưng không nhất thiết như thế. Tại sao? Vì Kinh Thánh và các sự kiện lịch sử thời hiện đại giúp chúng ta nhận diện rõ mỗi kỵ sĩ tượng trưng cho điều gì. Dù sự xuất hiện của họ báo hiệu thảm họa cho trái đất nhưng cũng đem đến tin mừng cho bạn và gia đình. Như thế nào? Đầu tiên, hãy nhận diện mỗi kỵ sĩ.

NGƯỜI CƯỠI NGỰA BẠCH

Sự hiện thấy mở đầu như sau: “Kìa! Tôi thấy một con ngựa bạch, người cưỡi nó có một cây cung. Người được ban một cái vương miện rồi đi chinh phục và hoàn thành cuộc chinh phục của mình”.—Khải huyền 6:2.

Ai là người cưỡi ngựa bạch? Cũng trong sách Khải huyền của Kinh Thánh, danh tánh người này được tiết lộ. Người cưỡi ngựa trên trời này được gọi là “Lời của Đức Chúa Trời” (Khải huyền 19:11-13). Tước hiệu Lời của Đức Chúa Trời hay Ngôi Lời thuộc về Chúa Giê-su, vì ngài là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1, 14). Ngoài ra, ngài được gọi là “Vua của các vua và Chúa của các chúa”, và được miêu tả là “Đấng Trung Thành và Chân Thật” (Khải huyền 19:16). Rõ ràng, ngài được ban quyền làm vua kiêm chiến sĩ và không bao giờ lạm dụng quyền ấy. Tuy nhiên, có một số câu hỏi được nêu lên.

Ai ban cho Chúa Giê-su quyền đi chinh phục? (Khải huyền 6:2). Trong một sự hiện thấy, nhà tiên tri Đa-ni-ên nhìn thấy Chúa Giê-su giống như “con người” đang được chính “Đấng Thượng-cổ” là Giê-hô-va Đức Chúa Trời * ban cho “quyền-thế, vinh-hiển, và nước” (Đa-ni-ên 7:13, 14). Vậy, chính Đức Chúa Trời Toàn Năng đã ban cho Chúa Giê-su sức mạnh và quyền lực để cai trị và phán xét. Con ngựa bạch là biểu tượng thích hợp cho cuộc chiến công chính do Con Đức Chúa Trời tiến hành. Kinh Thánh thường dùng màu trắng để tượng trưng cho sự công chính.—Khải huyền 3:4; 7:9, 13, 14.

Khi nào các kỵ sĩ xuất phát? Hãy lưu ý kỵ sĩ đầu tiên là Chúa Giê-su bắt đầu xuất phát khi nhận được vương miện (Khải huyền 6:2). Khi nào ngài nhận vương miện để làm vua trên trời? Không phải ngay sau khi chết và trở về trời, vì Kinh Thánh cho thấy ngài đợi chờ trong một giai đoạn (Hê-bơ-rơ 10:12, 13). Chúa Giê-su cho các môn đồ biết dấu hiệu để nhận ra sự kết thúc của giai đoạn đợi chờ đó và sự khởi đầu của triều đại ngài ở trên trời. Chúa Giê-su cho biết trong giai đoạn đầu ngài cai trị, tình hình thế giới sẽ tồi tệ hơn cách rõ rệt. Chiến tranh, đói kém và dịch bệnh sẽ xảy ra (Ma-thi-ơ 24:3, 7; Lu-ca 21:10, 11). Không lâu sau khi Thế Chiến I bùng nổ vào năm 1914, nhân loại đã bước vào thời kỳ ấy, tức giai đoạn khó khăn mà Kinh Thánh gọi là “những ngày sau cùng”.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

Nhưng tại sao kể từ khi Chúa Giê-su nhận vương quyền vào năm 1914, tình hình lại trở nên tồi tệ, chứ không tốt đẹp hơn? Vì lúc ấy, Chúa Giê-su bắt đầu cai trị trên trời, không phải trên đất. Sau đó trên trời có một trận chiến, và vị vua mới là Chúa Giê-su, còn được gọi là Mi-chen, đã quăng Sa-tan và các sứ hắn xuống trái đất (Khải huyền 12:7-9, 12). Sa-tan bị giam hãm tại đây, và vô cùng giận dữ vì biết không lâu nữa mình sẽ bị hủy diệt. Thật thế, không lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ thi hành ý ngài nghịch lại Sa-tan trên đất này (Ma-thi-ơ 6:10). Bây giờ hãy cùng xem làm thế nào ba kỵ sĩ còn lại giúp chúng ta xác định mình đang sống trong “những ngày sau cùng” đầy khó khăn. Kỵ sĩ đầu tiên là hình ảnh của một người cụ thể, nhưng ba người sau tượng trưng cho những tình trạng thế giới mà xã hội loài người phải hứng chịu.

NGƯỜI CƯỠI NGỰA ĐỎ

“Một con ngựa khác chạy ra, màu đỏ như lửa; người cưỡi nó được quyền lấy đi sự hòa bình khỏi trái đất, hầu cho người ta tàn sát lẫn nhau; và người cưỡi ngựa được ban cho một thanh gươm lớn”.—Khải huyền 6:4.

Người cưỡi ngựa này tượng trưng cho chiến tranh. Hãy lưu ý người này lấy đi sự hòa bình không phải của vài nước nhưng của cả trái đất. Năm 1914, lần đầu tiên trong lịch sử, một trận chiến toàn cầu đã nổ ra. Sau đó là Thế Chiến II với thiệt hại nhiều hơn. Theo một số ước tính, kể từ năm 1914 tổng số người chết vì chiến tranh và xung đột vũ trang là hơn 100 triệu người! Và vô số người khác bị thương tật vĩnh viễn.

Thời nay, chiến tranh trở thành đặc điểm rõ ràng đến mức nào? Lần đầu tiên trong lịch sử, dường như con người có khả năng tiêu diệt cả nhân loại. Thậm chí những tổ chức được cho là giữ gìn hòa bình như Liên Hiệp Quốc cũng không thể ngăn bước tiến của người cưỡi ngựa đỏ.

NGƯỜI CƯỠI NGỰA Ô

“Kìa! Tôi thấy một con ngựa ô, trên tay người cưỡi nó có cái cân đĩa. Tôi nghe có tiếng như tiếng ở giữa bốn sinh vật ấy nói: ‘Một cân lúa mì bán một đơ-na-ri-on; ba cân lúa mạch bán một đơ-na-ri-on; còn dầu ô-liu và rượu thì đừng hoang phí’”.—Khải huyền 6:5, 6.

Người cưỡi ngựa này tượng trưng cho sự đói kém. Chúng ta cũng thấy hình ảnh vật giá đắt đỏ đến độ một cân (1,08 lít) lúa mì bán một đơ-na-ri-on, tương đương một ngày lương vào thế kỷ thứ nhất (Ma-thi-ơ 20:2). Cũng giá đó thì mua được ba cân (3,24 lít) lúa mạch, loại lúa được xem có giá trị thấp hơn lúa mì. Với tình hình đó, làm sao có thể nuôi sống một gia đình đông người? Người ta được cảnh báo phải tằn tiện ngay cả với thực phẩm hằng ngày, được tượng trưng thích hợp với những thứ cơ bản trong văn hóa thời đó là dầu ô-liu và rượu.

Từ năm 1914, có bằng chứng cho thấy người cưỡi ngựa ô đang tiến tới không? Có! Trong thế kỷ 20, khoảng 70 triệu người chết vì đói. Một chuyên gia ước tính rằng “trong năm 2012-2014 có 805 triệu người, tức khoảng 1/9 dân số thế giới, luôn trong tình trạng thiếu ăn”. Một báo cáo khác cho biết: “Hằng năm, số người chết vì đói nhiều người hơn tổng số người chết vì bệnh AIDS, sốt rét và lao phổi”. Bất kể nhiều nỗ lực cung cấp lương thực cho người đói, người cưỡi ngựa ô vẫn tiếp tục tiến tới.

NGƯỜI CƯỠI NGỰA SẮC TÁI XANH

“Kìa! Tôi thấy một con ngựa sắc tái xanh, người cưỡi nó có tên là Sự Chết. Theo sát sau người là Mồ Mả. Cả hai được ban quyền trên một phần tư trái đất, để gây chết chóc bằng một thanh gươm dài, bằng đói kém, bằng dịch bệnh chết người và thú dữ trên đất”.—Khải huyền 6:8.

Người cưỡi ngựa thứ tư tượng trưng cho cái chết do dịch bệnh hoặc những nguyên nhân khác. Không lâu sau năm 1914, dịch cúm Tây Ban Nha đã giết hại hàng chục triệu người. Có khoảng 500 triệu người mắc bệnh, tức khoảng 1/3 dân số thế giới lúc đó!

Nhưng dịch cúm Tây Ban Nha chỉ mới là sự khởi đầu. Các chuyên gia ước tính rằng có hàng trăm triệu người chết vì bệnh đậu mùa trong thế kỷ 20. Đến nay, dù y học phát triển nhưng hàng triệu người vẫn chết sớm vì bệnh AIDS, lao phổi và sốt rét.

Chiến tranh, đói kém hoặc dịch bệnh đều dẫn đến kết cuộc là cái chết. Mồ Mả không ngừng “thu hoạch” các nạn nhân, không chút thương xót.

TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN ĐANG Ở PHÍA TRƯỚC!

Không lâu nữa, thời kỳ khó khăn này sẽ chấm dứt. Hãy nhớ rằng dù Chúa Giê-su đã “đi chinh phục” vào năm 1914 và giam Sa-tan trên đất, nhưng ngài chưa hoàn thành cuộc chinh phục (Khải huyền 6:2; 12:9, 12). Sắp tới đây, trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn, Chúa Giê-su sẽ loại trừ ảnh hưởng của Sa-tan và hủy diệt những người theo phe hắn (Khải huyền 20:1-3). Chúa Giê-su không chỉ chấm dứt hành trình của ba kỵ sĩ ấy mà còn đảo ngược hậu quả tàn khốc do họ gây ra. Như thế nào? Hãy xem lời hứa trong Kinh Thánh.

Thay vì chiến tranh, hòa bình sẽ ngự trị. Đức Giê-hô-va sẽ “dẹp yên giặc cho đến đầu-cùng trái đất, bẻ gãy các cung, chặt các giáo ra từng miếng” (Thi-thiên 46:9). Những người yêu chuộng hòa bình sẽ “được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:11.

Thay vì đói kém, sẽ có dư dật thức ăn. Kinh Thánh nói: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi”.—Thi-thiên 72:16.

Không lâu nữa, Chúa Giê-su sẽ đảo ngược hậu quả mà ba kỵ sĩ kia gây ra

Thay vì dịch bệnh và sự chết, sức khỏe hoàn hảo và sự sống vĩnh cửu đang chờ đón chúng ta. Đức Chúa Trời “sẽ lau hết nước mắt trên mắt [chúng ta], sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”.—Khải huyền 21:4.

Khi sống trên đất, Chúa Giê-su đã cho thấy trước một tương lai ấm lòng dưới sự cai trị của ngài. Chúa Giê-su yêu chuộng hòa bình, làm phép lạ để cung cấp thức ăn cho hàng ngàn người, chữa lành người bệnh và thậm chí làm người chết sống lại.—Ma-thi-ơ 12:15; 14:19-21; 26:52; Giăng 11:43, 44.

Qua Kinh Thánh của bạn, Nhân Chứng Giê-hô-va rất vui lòng cho bạn biết làm thế nào để chuẩn bị sẵn sàng khi hành trình của ba kỵ sĩ ấy chấm dứt. Bạn muốn nhận lời mời để tìm hiểu thêm không?

^ đ. 7 Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.