Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Để ngày cưới vui vẻ và trang trọng hơn

Để ngày cưới vui vẻ và trang trọng hơn

Để ngày cưới vui vẻ và trang trọng hơn

“NGÀY CƯỚI là một trong những ngày có ý nghĩa và vui vẻ nhất đời tôi”, đó là cảm nghĩ của anh Gordon, người đã kết hôn được gần 60 năm. Đối với những tín đồ thật của Đấng Christ, tại sao ngày cưới có ý nghĩa đến thế ? Vì đó là ngày họ trao lời hứa nguyện thiêng liêng với những người mình yêu thương chân thành—người bạn đời và Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 22:37; Ê-phê-sô 5:22-29) Vì thế, hẳn những cặp dự định kết hôn không những mong muốn ngày cưới được vui vẻ mà còn tôn vinh Đấng sáng lập hôn nhân.—Sáng-thế Ký 2:18-24; Ma-thi-ơ 19:5, 6.

Chú rể có thể làm gì để dịp vui này mang tính trang trọng hơn? Cô dâu có thể bày tỏ lòng tôn trọng chồng sắp cưới và Đức Giê-hô-va bằng cách nào? Khách mời có thể góp vui cho đám cưới ấy ra sao? Để trả lời những câu hỏi này, hãy xem xét một số nguyên tắc Kinh Thánh. Và nhờ áp dụng những nguyên tắc ấy, chúng ta sẽ giảm tối đa những vấn đề có thể gây mất vui cho ngày đặc biệt này.

Ai có trách nhiệm chính?

Ở nhiều xứ, một số Nhân Chứng Giê-hô-va được bổ nhiệm để thay mặt chính quyền thực hiện thủ tục kết hôn vào ngày cưới. Ngay cả ở những xứ thủ tục do nhân viên chính quyền thực hiện, các cặp Nhân Chứng có lẽ muốn ngày cưới của mình có bài giảng hôn nhân dựa trên Kinh Thánh. Bài giảng đó thường khuyến khích chú rể suy ngẫm về vai trò làm chủ gia đình theo như Đức Chúa Trời đã sắp đặt. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Vậy, chú rể là người có trách nhiệm chính về mọi diễn tiến trong ngày cưới. Dĩ nhiên, phải sắp đặt trước khá lâu về hôn lễ và buổi họp mặt thường được tổ chức sau đó. Tại sao đây là một thách đố?

Một lý do là vì gia đình họ hàng của cô dâu, hoặc chú rể, có thể gây áp lực để đám cưới được tổ chức theo ý họ. Anh Rodolfo, người từng làm thủ tục kết hôn cho nhiều cặp vợ chồng, nói: “Đôi khi, chú rể chịu rất nhiều áp lực từ gia đình họ hàng, đặc biệt khi họ là người giúp chi trả cho tiệc cưới. Có lẽ họ có một số ý kiến nhất định về diễn tiến của buổi hôn lễ và tiệc chiêu đãi. Điều này có thể làm lu mờ vai trò của chú rể, người có trách nhiệm chính trong dịp này theo nguyên tắc Kinh Thánh”.

Anh Max, người có hơn 35 năm kinh nghiệm thực hiện thủ tục kết hôn, nhận xét: “Tôi thấy có khuynh hướng là cô dâu thường quyết định hầu hết mọi việc trong lễ cưới và tiệc chiêu đãi, còn chú rể thì ít ý kiến hơn”. David, người cũng từng thực hiện thủ tục kết hôn cho nhiều cặp, nói: “Nhiều chú rể thường không quen nắm vai trò chủ đạo và thường ít tham gia vào việc chuẩn bị”. Làm thế nào chú rể có thể chu toàn trách nhiệm này?

Vui vẻ hơn nhờ trao đổi ý kiến

Chú rể có trách nhiệm phải chuẩn bị cho ngày cưới, vì vậy muốn chu toàn tốt trách nhiệm, anh phải biết trao đổi ý kiến. Kinh Thánh nói rõ: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế”. (Châm-ngôn 15:22) Tuy nhiên, có thể tránh được nhiều căng thẳng nếu chú rể bàn bạc trước với cô dâu, với gia đình và những người có thể đưa ra những lời khuyên sáng suốt dựa trên Kinh Thánh.

Quả vậy, điều trọng yếu là cặp đính hôn phải bàn bạc trước với nhau về những hoạch định. Tại sao? Hãy nghe ý kiến của vợ chồng anh Ivan và chị Delwyn. Tuy đến từ hai nền văn hóa khác nhau nhưng họ có một hôn nhân hạnh phúc trong nhiều năm qua. Nhớ lại những ngày chuẩn bị đám cưới, anh Ivan nói: “Tôi ấn định là ngày cưới phải có bữa tiệc với đông đủ bạn bè, bánh cưới, cô dâu mặc áo cưới trắng tinh. Ngược lại, Delwyn chỉ muốn một đám cưới nhỏ, đơn giản, không cần bánh cưới, và cũng không nhất thiết phải có áo cưới”.

Làm sao cặp vợ chồng này giải quyết được mối bất đồng? Nhờ họ trao đổi với nhau cách tử tế và thành thật. (Châm-ngôn 12:18) Anh Ivan nói thêm: “Chúng tôi đọc kỹ những bài nói về đám cưới trong các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, chẳng hạn như những bài trong số Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15- 4 -1984. * Loạt bài này giúp chúng tôi có quan điểm của Đức Chúa Trời về dịp này. Vì khác nhau về gốc gác, chúng tôi phải nhân nhượng nhau trong nhiều vấn đề thuộc sở thích cá nhân, và đã đi đến bước thỏa thuận”.

Anh Aret và chị Penny cũng làm như thế. Anh Aret kể về ngày cưới của họ: “Penny và tôi trao đổi về những ước muốn của nhau về ngày cưới, và chúng tôi đi đến thỏa thuận. Chúng tôi cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngày đó. Tôi cũng tham khảo ý kiến của cha mẹ và một số cặp vợ chồng thành thục trong hội thánh. Ý kiến của họ rất hữu ích. Kết quả là đám cưới của chúng tôi diễn ra tốt đẹp”.

Nghiêm túc trong cách phục sức

Cô dâu chú rể nào mà chẳng muốn ăn mặc đẹp vào ngày cưới. (Thi-thiên 45:8-15) Có lẽ họ phải dành thời gian, công sức và tiền bạc để có được bộ trang phục phù hợp với ngày ấy. Những nguyên tắc nào trong Kinh Thánh có thể giúp họ chọn bộ trang phục vừa đẹp vừa trang trọng?

Hãy bàn về trang phục của cô dâu. Dù quan điểm của mỗi người và ở mỗi đất nước khác nhau, nhưng lời khuyên của Kinh Thánh có thể áp dụng mọi nơi. Phụ nữ phải “ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình”. Nguyên tắc này áp dụng cho phụ nữ mọi lúc, và chắc chắn là cũng áp dụng cho ngày cưới. Trên thực tế, một ngày cưới vui vẻ không nhất thiết phải có “áo-quần quí-giá”, nghĩa là phải đắt tiền. (1 Ti-mô-thê 2:9; 1 Phi-e-rơ 3:3, 4) Nếu áp dụng lời khuyên trên thì thật tốt biết bao!

Anh David, người được đề cập ở trên, nhận xét: “Đa số các cặp đều cố gắng làm theo nguyên tắc Kinh Thánh, và họ đáng được khen ngợi. Dù vậy, cũng có những trường hợp trang phục của cô dâu và phụ dâu không được nghiêm túc vì quá hở hoặc quá mỏng”. Trong buổi nói chuyện trước ngày cưới, một anh trưởng lão thành thục đã giúp cô dâu và chú rể có quan điểm của Đức Chúa Trời. Bằng cách nào? Anh hỏi xem trang phục họ định mặc vào ngày cưới có thích hợp cho buổi họp của tín đồ Đấng Christ không. Đành rằng trang phục cưới có thể đặc biệt hơn trang phục khi đi hội thánh và mang tính truyền thống, nhưng cũng phải nghiêm túc, phù hợp với tiêu chuẩn của tín đồ Đấng Christ. Dù một số người thế gian có quan niệm rằng tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh quá gò bó, nhưng tín đồ thật của Đấng Christ vẫn sẵn lòng kháng cự áp lực ép họ rập khuôn theo tinh thần thế gian.—Rô-ma 12:2; 1 Phi-e-rơ 4:4.

Chị Penny nói: “Thay vì xem trang phục cưới và buổi tiệc là phần quan trọng nhất, anh Aret và tôi chú trọng vào buổi hôn lễ, phần mang tính thiêng liêng của ngày cưới. Đó là phần quan trọng nhất trong ngày. Điều đặc biệt làm tôi nhớ nhất không phải là những gì tôi mặc trong đám cưới hoặc những gì tôi ăn, mà là những ai cùng chung vui với chúng tôi và niềm hạnh phúc được kết hôn với người tôi yêu thương”. Những tín đồ dự định kết hôn hãy ghi nhớ những ý kiến trên.

Phòng Nước Trời—Một nơi trang nghiêm

Nhiều cặp tín đồ Đấng Christ mong muốn tổ chức hôn lễ tại Phòng Nước Trời, nếu có thể. Tại sao? Một cặp giải thích: “Chúng tôi hiểu rằng hôn nhân là sự sắp đặt thiêng liêng đến từ Đức Giê-hô-va. Khi cử hành hôn lễ tại Phòng Nước Trời, nơi thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng tôi hiểu rằng Ngài có vai trò thiết yếu trong hôn nhân của chúng tôi. Ngoài ra cũng có một lợi điểm khác của việc tổ chức hôn lễ tại Phòng Nước Trời, đó là dịp để người nhà không tin đạo tham dự buổi lễ và nhận thấy tầm quan trọng của việc thờ phượng Đức Giê-hô-va đối với chúng tôi”.

Nếu các trưởng lão phụ trách Phòng Nước Trời cho phép tổ chức hôn lễ tại đó, cặp vợ chồng sắp cưới nên cho các anh đó biết trước về những dự định của mình. Một cách để cô dâu chú rể bày tỏ lòng tôn trọng khách mời là cố gắng tuân thủ giờ giấc đã hoạch định cho ngày cưới. Và chắc chắn họ cũng muốn mọi việc diễn ra cách trang nghiêm. * (1 Cô-rinh-tô 14:40) Vì vậy, họ sẽ tránh mọi hình thức phô trương như thường thấy ở nhiều đám cưới của người thế gian.—1 Giăng 2:15, 16.

Khách mời cũng có thể cho thấy họ có quan điểm của Đức Giê-hô-va về hôn nhân. Chẳng hạn, họ không nên cho rằng đám cưới này phải đặc sắc hơn đám cưới nọ, như thể tranh đua xem đám cưới của ai linh đình hơn. Những tín đồ thành thục cũng hiểu rằng việc có mặt ở Phòng Nước Trời để nghe bài giảng hôn nhân thì quan trọng và hữu ích hơn việc có mặt tại tiệc chiêu đãi, hoặc buổi họp mặt sau đó. Nếu chỉ có thể đến dự một trong hai chương trình, tốt hơn nên có mặt tại buổi lễ ở Phòng Nước Trời. Một trưởng lão tên William nói: “Nếu vì lý do không chính đáng mà vắng mặt trong buổi lễ tại Phòng Nước Trời, nhưng lại có mặt tại buổi tiệc thì những người khách đó chứng tỏ họ không tôn trọng tính thiêng liêng của ngày cưới. Ngay cả khi không được mời dự tiệc, bằng cách đến dự hôn lễ tại Phòng Nước Trời, chúng ta có thể bày tỏ lòng ủng hộ cặp uyên ương và làm chứng tốt cho người nhà không cùng đức tin của cô dâu chú rể ”.

Niềm vui lâu dài sau ngày cưới

Thế giới thương mại biến dịch vụ cưới hỏi thành một ngành kinh doanh béo bở. Theo một báo cáo gần đây, một đám cưới trung bình ở Hoa Kỳ “tốn 22.000 Mỹ kim, tương đương 50 phần trăm thu nhập trung bình [hàng năm] của một gia đình người Mỹ”. Dưới sức ép của thế giới thương mại, chỉ vì ngày cưới, nhiều cặp tân hôn hoặc gia đình họ đã vướng phải một món nợ khổng lồ, đeo đẳng suốt nhiều năm. Đó có phải là cách sáng suốt để bắt đầu cuộc sống lứa đôi không? Những người không biết hoặc không màng đến các nguyên tắc Kinh Thánh thì có thể chọn cách phung phí như thế, nhưng tín đồ thật của Đấng Christ thì hoàn toàn khác!

Khi mời số lượng khách vừa phải và đãi tiệc theo khả năng tài chánh, đồng thời chú trọng đến khía cạnh thiêng liêng của ngày cưới, nhiều cặp vợ chồng có thể dùng thì giờ và của cải phù hợp với lời hứa nguyện dâng mình cho Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 6:33) Hãy xem gương của vợ chồng anh Lloyd và chị Alexandra. Họ tham gia thánh chức trọn thời gian và vẫn tiếp tục trong suốt 17 năm, kể từ khi kết hôn. Anh Lloyd nói: “Có lẽ một số người nghĩ rằng đám cưới của chúng tôi khá đơn giản, nhưng Alexandra và tôi rất hài lòng. Chúng tôi quan niệm rằng ngày cưới không phải là ngày để vướng phải nợ nần, nhưng là ngày để ngợi khen sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va nhằm mang lại niềm vui khôn tả cho cả hai”.

Chị Alexandra nói thêm: “Từ trước khi kết hôn, tôi đã là một người tiên phong và không muốn từ bỏ đặc ân này chỉ vì để có một đám cưới linh đình. Ngày cưới của chúng tôi rất đặc biệt. Tuy nhiên, đó chỉ là ngày đầu tiên của cuộc sống lứa đôi trải dài phía trước. Chúng tôi áp dụng lời khuyên tránh chú trọng quá nhiều đến ngày lấy nhau và tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va khi sống với nhau. Điều này chắc chắn giúp chúng tôi có được ân phước của Đức Giê-hô-va”. *

Quả vậy, ngày cưới là một dịp đặc biệt. Thái độ và hành động của bạn trong ngày đó có thể cho thấy trước đời sống hôn nhân trong tương lai sẽ ra sao. Vì vậy, hãy nương cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. (Châm-ngôn 3:5, 6) Hãy nghĩ trước nhất đến ý nghĩa thiêng liêng của ngày ấy. Hãy giúp nhau chu toàn vai trò mà Đức Chúa Trời đã ấn định cho mỗi người. Nhờ đó, bạn có thể tạo một nền tảng vững chắc cho hôn nhân của bạn, và với sự ban phước của Đức Giê-hô-va, bạn sẽ có được niềm vui lâu dài sau ngày cưới.—Châm-ngôn 18:22.

[Chú thích]

^ đ. 11 Về cùng đề tài, xem thêm Tháp Canh ngày 1-5-2000, trang 19-22Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-2-2002, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 20 Nếu có phần chụp hình và thu hình hôn lễ tại Phòng Nước Trời, cô dâu chú rể phải suy xét và sắp đặt trước, sao cho buổi lễ không bị mất tính trang nghiêm.

^ đ. 25 Xem trang 26 của sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 29]

Cặp định kết hôn nên trao đổi cách thẳng thắn nhưng tôn trọng khi bàn bạc về ngày cưới

[Hình nơi trang 31]

Hãy nghĩ trước nhất đến ý nghĩa thiêng liêng của ngày cưới