Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy sống đúng với tư cách người công dân Nước Trời!

Hãy sống đúng với tư cách người công dân Nước Trời!

Hãy sống đúng với tư cách người công dân Nước Trời!

“Sống đúng với tư cách người công dân”.—PHI-LÍP 1:27, Các Giờ Kinh Phụng Vụ, chú thích.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Ai có thể trở thành công dân Nước Trời?

Liên quan đến ngôn ngữ, lịch sử và luật pháp của Nước Trời, chúng ta cần làm gì?

Làm thế nào công dân Nước Trời chứng tỏ mình yêu mến tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời?

1, 2. Tại sao lời khuyên của sứ đồ Phao-lô có ý nghĩa đặc biệt đối với hội thánh ở Phi-líp?

Sứ đồ Phao-lô khuyến khích anh em ở hội thánh Phi-líp “hãy ăn ở sao cho xứng đáng với tin mừng”. (Đọc Phi-líp 1:27). Từ Hy Lạp được dịch là “ăn ở” cũng có thể dịch là “sống đúng với tư cách người công dân” (GKPV, chú thích). Cụm từ này có ý nghĩa đặc biệt đối với hội thánh ở Phi-líp. Tại sao? Vì dường như thành Phi-líp nằm trong số ít thành phố mà dân cư được hưởng quyền công dân La Mã. Các công dân La Mã sống ở Phi-líp cũng như khắp đế quốc La Mã rất tự hào về vị thế của mình, và họ hưởng được những quyền lợi đặc biệt dưới sự bảo hộ của luật pháp La Mã.

2 Các thành viên của hội thánh ở Phi-líp có lý do quan trọng hơn để tự hào. Phao-lô nhắc những tín đồ được xức dầu nhớ rằng họ là công dân “trên trời” (Phi-líp 3:20). Thật vậy, họ là công dân của Nước Đức Chúa Trời, chính phủ vượt trội hơn các chính phủ của con người. Thế nên, họ hưởng được quyền lợi lẫn sự che chở không gì sánh bằng.—Ê-phê 2:19-22.

3. (a) Ai có cơ hội trở thành công dân Nước Trời? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Lời khuyên “sống đúng với tư cách người công dân” chủ yếu áp dụng cho những người sẽ cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời (Phi-líp 3:20). Nhưng theo nghĩa rộng, lời khuyên này cũng áp dụng cho những người sẽ trở thành thần dân trên đất của Nước Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì tất cả các tín đồ đã dâng mình đều phụng sự cùng một vị Vua, tức Đức Giê-hô-va, và ngài đòi hỏi họ phải sống theo cùng một tiêu chuẩn (Ê-phê 4:4-6). Ngày nay, nhiều người gắng sức hội đủ tiêu chuẩn để nhập quốc tịch và làm công dân của một nước giàu mạnh. Nhưng cơ hội trở thành công dân Nước Trời còn quý hơn thế nhiều! Để càng quý trọng đặc ân này, chúng ta hãy xem vài nét tương đồng giữa các điều kiện để nhập quốc tịch một nước nào đó và điều kiện để làm công dân Nước Trời. Sau đó, chúng ta sẽ xem ba điều mình phải thực hiện nếu muốn giữ đặc ân làm công dân Nước Trời.

ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀM CÔNG DÂN

4. Ngôn ngữ thanh sạch là gì, và chúng ta “nói” ngôn ngữ ấy thế nào?

4 Học ngôn ngữ. Một số nước bắt buộc những người xin nhập quốc tịch phải nói được ngôn ngữ chính của nước ấy. Khi đã trở thành công dân rồi, nhiều người vẫn phải nỗ lực trong nhiều năm để nói thành thạo ngôn ngữ. Có lẽ học các quy tắc văn phạm thì nhanh, nhưng cần thời gian để phát âm đúng. Tương tự thế, Nước Đức Chúa Trời đòi hỏi các công dân phải học “môi-miếng [“ngôn ngữ”, NW] thanh-sạch”. (Đọc Sô-phô-ni 3:9). Ngôn ngữ ấy là gì? Đó là sự thật về Đức Chúa Trời và ý định của ngài được ghi trong Kinh Thánh. Chúng ta “nói” ngôn ngữ thanh sạch khi hạnh kiểm của mình phù hợp với luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Công dân Nước Trời có lẽ học các giáo lý cơ bản một cách nhanh chóng, rồi làm báp-têm. Tuy nhiên, sau khi làm báp-têm, họ cần phải cố gắng “nói” ngôn ngữ thanh sạch trôi chảy hơn. Bằng cách nào? Bằng cách không ngừng áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống để mỗi ngày một tiến bộ.

5. Tại sao chúng ta nên cố gắng biết càng nhiều càng tốt về lịch sử của tổ chức Đức Giê-hô-va?

5 Tìm hiểu lịch sử. Một số chính phủ đòi hỏi một người muốn nhập quốc tịch thì phải biết ít nhiều về lịch sử của nước ấy. Tương tự, những ai muốn làm công dân Nước Đức Chúa Trời nên cố gắng biết càng nhiều càng tốt về Nước này. Hãy xem gương của con cháu Cô-rê, những người phụng sự trong nước Y-sơ-ra-ên xưa. Họ vô cùng hãnh diện về Giê-ru-sa-lem và nơi thờ phượng tại đó, cũng như thích kể lại lịch sử của thành này. Điều họ ấn tượng nhất không phải là vẻ đẹp tráng lệ của Giê-ru-sa-lem và nơi thờ phượng, mà là ý nghĩa của những nơi ấy. Vì là trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch nên thành Giê-ru-sa-lem là “kinh-đô của Vua cao-cả”, Đức Giê-hô-va. Chính tại nơi đây, dân Y-sơ-ra-ên được học Luật pháp của ngài. “Vua cao-cả” của thành Giê-ru-sa-lem đã tỏ lòng nhân từ với những người sống dưới sự cai trị của ngài. (Đọc Thi-thiên 48:1, 2, 9, 12, 13). Giống như con cháu Cô-rê, bạn có muốn học và kể lại lịch sử về tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va không? Càng biết về tổ chức của Đức Giê-hô-va cũng như cách ngài hỗ trợ dân ngài, Nước Trời sẽ càng có thật đối với bạn. Điều này sẽ thôi thúc bạn càng nóng lòng muốn rao giảng tin mừng về Nước Trời.—Giê 9:24; Lu 4:43.

6. Tại sao việc Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải biết cũng như tuân theo luật pháp và các nguyên tắc của Nước Trời là điều hợp lý?

6 Biết luật pháp. Các chính phủ đòi hỏi công dân phải biết và tuân thủ luật pháp của nước ấy. Vậy, việc Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải biết cũng như tuân theo luật pháp và các nguyên tắc áp dụng cho mọi công dân Nước Trời là điều hợp lý (Ê-sai 2:3; Giăng 15:10; 1 Giăng 5:3). Luật lệ của con người thường bị sai sót, thậm chí còn bất công. Ngược lại, “luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn” (Thi 19:7). Chúng ta có “lấy làm vui-vẻ” về luật pháp của Đức Chúa Trời và đọc Lời ngài mỗi ngày không? (Thi 1:1, 2). Mỗi người chúng ta phải cố gắng học luật pháp của Đức Chúa Trời. Không ai có thể làm thay cho chúng ta.

CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI YÊU MẾN TIÊU CHUẨN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

7. Tại sao công dân Nước Trời tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời?

7 Để mãi là công dân Nước Trời, chúng ta không những cần biết tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời mà còn phải yêu mến các tiêu chuẩn ấy. Tại nhiều nước, nhiều công dân nói rằng họ chấp hành luật pháp và tiêu chuẩn của nước mình. Tuy nhiên, khi thấy một luật gò bó và nghĩ là không ai biết thì họ vi phạm luật. Thường, những người này chỉ tuân theo luật pháp để làm vừa lòng con người (Cô 3:22). Công dân Nước Trời thì khác. Chúng ta vui lòng tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời, ngay cả khi không người nào quan sát mình. Tại sao? Vì chúng ta yêu mến Đấng Lập Luật.—Ê-sai 33:22; đọc Lu-ca 10:27.

8, 9. Làm thế nào bạn biết mình có thật sự yêu mến luật pháp của Đức Chúa Trời hay không?

8 Làm thế nào bạn biết mình có thật sự yêu mến luật pháp của Đức Chúa Trời hay không? Hãy xem cách bạn phản ứng khi nhận được lời khuyên về một điều bạn cho là sở thích cá nhân, chẳng hạn về ngoại diện. Trước khi trở thành công dân Nước Trời, có lẽ bạn thích mặc đồ luộm thuộm hoặc khêu gợi. Càng yêu mến Đức Chúa Trời, bạn càng biết cách ăn mặc sao cho tôn vinh ngài (1 Ti 2:9, 10; 1 Phi 3:3, 4). Có lẽ bạn cảm thấy giờ đây mình đã ăn mặc khiêm tốn rồi. Nhưng nếu một trưởng lão cho bạn biết rằng cách phục sức của bạn gây phản cảm cho nhiều anh chị trong hội thánh, bạn sẽ phản ứng thế nào? Liệu bạn có tỏ ra bực tức, ngoan cố và bào chữa cho mình không? Hãy nhớ rằng một điều luật cơ bản trong Nước Đức Chúa Trời là mọi công dân phải noi gương Chúa Giê-su (1 Phi 2:21). Về gương của Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô viết: “Mỗi người trong chúng ta hãy làm hài lòng người lân cận vì lợi ích của họ và để giúp họ vững mạnh. Vì ngay cả Đấng Ki-tô cũng không làm hài lòng mình” (Rô 15:2, 3). Để giữ sự bình an trong hội thánh, một tín đồ thành thục sẵn sàng nhường nhịn, không làm những điều gây vấp phạm cho lương tâm của người khác.—Rô 14:19-21.

9 Hãy xem hai yếu tố quan trọng khác mà chúng ta cần quan tâm: quan điểm của chúng ta về tình dục và hôn nhân. Nhiều người chưa phải là công dân Nước Trời thì dung túng hành vi đồng tính luyến ái. Họ nghĩ việc xem ảnh khiêu dâm là vô hại, việc ngoại tình và ly dị cũng là chuyện cá nhân. Công dân Nước Trời đã từ bỏ những quan điểm thiển cận, ích kỷ như thế. Nhiều tín đồ từng sống vô luân trước khi thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng giờ đây họ xem tình dục và hôn nhân là những món quà ngài ban cho. Họ quý trọng tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va và hoàn toàn đồng ý là những ai tiếp tục dính líu tới hành vi vô luân thì không xứng đáng làm công dân Nước Trời (1 Cô 6:9-11). Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng lòng con người là dối trá (Giê 17:9). Thế nên, họ quý trọng những lời cảnh báo giúp họ giữ tiêu chuẩn đạo đức cao.

CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI QUÝ TRỌNG LỜI CẢNH BÁO

10, 11. Nước Đức Chúa Trời đưa ra những lời cảnh báo đúng lúc nào? Bạn cảm thấy thế nào về những lời cảnh báo ấy?

10 Đôi khi các chính phủ đưa ra lời cảnh báo về một số loại thực phẩm và thuốc. Dĩ nhiên, không phải mọi loại thực phẩm và thuốc đều có hại. Nhưng nếu một sản phẩm nào đó gây hại cho người dân thì chính phủ đưa ra lời cảnh báo. Nếu không làm thế, chính phủ ấy bị quy cho tội thiếu trách nhiệm. Tương tự thế, Nước Trời đưa ra những lời cảnh báo đúng lúc về các mối nguy hiểm liên quan đến đạo đức và tâm linh. Chẳng hạn, Internet là một công cụ hữu ích để trao đổi thông tin, học hỏi và giải trí. Tổ chức của Đức Chúa Trời dùng công cụ này để thực hiện nhiều việc có ích. Tuy nhiên, nhiều trang web gây nguy hại về mặt đạo đức lẫn tâm linh. Rõ ràng, các trang web có nội dung khiêu dâm là mối đe dọa cho sức khỏe tâm linh của công dân Nước Trời. Trong nhiều thập kỷ, lớp đầy tớ trung tín đã cảnh báo chúng ta về những trang web này. Chúng ta biết ơn xiết bao vì có được những lời cảnh báo ấy!

11 Trong những năm gần đây, một loại trang web gọi là mạng xã hội đã trở nên phổ biến. Các trang web này có thể hữu ích nếu chúng ta dùng với tinh thần cảnh giác cao độ. Nhưng chúng cũng có thể khiến một người vướng vào các mối quan hệ không lành mạnh (1 Cô 15:33). Không ngạc nhiên gì khi tổ chức của Đức Chúa Trời đưa ra lời cảnh báo về việc dùng các trang web ấy. Bạn đã đọc các bài được xuất bản gần đây của lớp đầy tớ trung tín về mạng xã hội chưa? Thật là thiếu khôn ngoan nếu dùng các trang web ấy mà không đọc các bài đó *! Điều này giống như việc uống một loại thuốc cực mạnh mà không đọc lời hướng dẫn sử dụng ghi trên lọ.

12. Tại sao lờ đi lời cảnh báo là điều thiếu khôn ngoan?

12 Những ai lờ đi các lời cảnh báo của lớp đầy tớ trung tín thì sớm muộn gì cũng chuốc họa vào thân và gây hại cho người thân yêu. Một số người bị nghiện tài liệu khiêu dâm, còn số khác thì phạm tội vô luân, rồi cho rằng Đức Giê-hô-va không thể thấy điều họ làm. Quả là thiếu khôn ngoan nếu tin rằng chúng ta có thể che giấu việc làm của mình trước mắt Đức Giê-hô-va! (Châm 15:3; đọc Hê-bơ-rơ 4:13). Vì muốn giúp những người như thế, nên Đức Chúa Trời dùng các trưởng lão để cố gắng giúp đỡ họ (Ga 6:1). Dù vậy, như việc các chính phủ tước bỏ quyền công dân nếu một người phạm phải một số hành vi cụ thể nào đó, Đức Giê-hô-va cũng tước bỏ quyền công dân nếu một người vi phạm tiêu chuẩn của ngài mà không ăn năn * (1 Cô 5:11-13). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va giàu lòng thương xót. Những ai ăn năn, thay đổi lối sống thì có thể có lại vị thế tốt trước mặt ngài và tiếp tục làm công dân Nước Trời (2 Cô 2:5-8). Được phụng sự vị Vua đầy lòng yêu thương như thế quả là niềm vinh dự lớn biết bao!

CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI QUÝ TRỌNG SỰ GIÁO DỤC

13. Làm thế nào công dân Nước Trời cho thấy mình quý trọng sự giáo dục?

13 Nhiều chính phủ nỗ lực để giáo dục công dân của nước mình. Họ lập ra các chương trình để người dân có thể biết đọc, biết viết và học nghề. Công dân Nước Trời xem trọng các chương trình này và học hành siêng năng. Nhưng đối với họ, chương trình giáo dục của Nước Trời còn quý hơn nữa. Qua hội thánh đạo Đấng Ki-tô, Đức Giê-hô-va khuyến khích mọi người trau dồi khả năng đọc. Cha mẹ được khuyến khích đọc cho con nhỏ nghe. Hằng tháng, qua tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!, lớp đầy tớ trung tín cung cấp nhiều trang tài liệu dựa trên Kinh Thánh. Nếu đọc khoảng hai trang mỗi ngày, bạn có thể đọc hết các tạp chí đúng thời hạn và nhận được lợi ích qua chương trình giáo dục của Nước Trời.

14. (a) Chúng ta nhận được sự huấn luyện nào? (b) Bạn đã áp dụng những lời đề nghị nào cho Buổi thờ phượng của gia đình?

14 Hằng tuần, công dân Nước Trời nhận được sự huấn luyện trong các buổi nhóm họp của hội thánh. Chẳng hạn, hơn sáu thập kỷ qua, Trường Thánh Chức Thần Quyền đã giúp các học viên trở nên hữu hiệu trong việc giảng dạy Lời Đức Chúa Trời. Bạn đã đăng ký vào trường này chưa? Trong những năm gần đây, lớp đầy tớ trung tín nhấn mạnh rất nhiều về Buổi thờ phượng của gia đình hằng tuần. Sự sắp đặt này giúp các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hơn. Bạn đã áp dụng những lời đề nghị trong ấn phẩm của chúng ta chưa *?

15. Một trong những đặc ân lớn nhất của chúng ta là gì?

15 Tại một số nước, những người công dân kêu gọi mọi người ủng hộ chính phủ của mình, thậm chí còn đi vận động từng nhà. Tương tự thế, công dân Nước Trời nhiệt huyết ủng hộ Nước Đức Chúa Trời qua công việc rao giảng, cả trên đường phố lẫn từng nhà. Như được đề cập trong bài trước, tạp chí Tháp Canh, là tạp chí thông báo Nước của Đức Giê-hô-va, giờ đây là tạp chí phát hành rộng rãi nhất thế giới! Một trong những đặc ân lớn nhất mà chúng ta có là được nói cho người khác biết về Nước Đức Chúa Trời. Bạn có đang hăng hái tham gia công việc rao giảng không?—Mat 28:19, 20.

16. Làm thế nào bạn có thể chứng tỏ mình là công dân mẫu mực của Nước Trời?

16 Chẳng bao lâu nữa, Nước Đức Chúa Trời sẽ trở thành chính phủ duy nhất cai trị trái đất. Nước này sẽ giám sát mọi khía cạnh trong đời sống hằng ngày của thần dân, không chỉ về mặt tâm linh. Liệu bạn sẽ là công dân mẫu mực của Nước Đức Chúa Trời vào lúc đó không? Hãy chứng tỏ điều đó ngay từ bây giờ. Trong mọi quyết định hằng ngày, hãy làm mọi việc vì sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va, qua đó bạn chứng tỏ mình đang sống đúng với tư cách người công dân Nước Trời.—1 Cô 10:31.

[Chú thích]

^ đ. 14 Xin xem Tháp Canh ngày 15-8-2011, trang 6, 7Thánh Chức Nước Trời tháng 1-2011, trang 3-6.

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 14]

Bạn có làm theo lời cảnh báo của lớp đầy tớ trung tín về Internet không?

[Hình nơi trang 12]

Như con cháu Cô-rê, bạn có vui thích với sự thờ phượng thanh sạch và lịch sử của sự thờ phượng này?

[Hình nơi trang 15]

Buổi thờ phượng của gia đình có thể giúp bạn cùng người thân yêu trở thành công dân mẫu mực của Nước Trời