Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Xin Nước Cha được đến”—Nhưng khi nào?

“Xin Nước Cha được đến”—Nhưng khi nào?

“Khi anh em thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng ngài đã đến gần, ở ngay trước cửa”.—MAT 24:33.

1, 2. (a) Người ta không thấy được những thứ ở ngay trước mặt có lẽ vì lý do gì? (b) Chúng ta biết điều gì về Nước Ðức Chúa Trời?

Có lẽ bạn thấy những người chứng kiến một sự việc nào đó thường nhớ các chi tiết theo cách khác nhau. Tương tự, một người có thể khó nhớ chính xác những lời bác sĩ nói sau khi đưa ra kết quả chẩn đoán. Hoặc một người không tìm thấy chìa khóa hay mắt kính, dù nó ở ngay trước mặt. Tất cả những tình huống đó có thể liên quan đến một vấn đề mà các nhà nghiên cứu gọi là một chứng mù—không thấy hoặc không nhớ được điều gì đó vì đang tập trung vào một việc khác. Người ta cho rằng điều này là do cách hoạt động của não bộ con người.

2 Ngày nay, nhiều người bị “chứng mù” tương tự về các biến cố đang diễn ra trên thế giới. Có thể họ thừa nhận là thế giới thay đổi rất nhiều kể từ năm 1914, nhưng lại không hiểu được ý nghĩa của những biến cố ấy. Là những người nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta biết rằng theo một nghĩa nào đó, Nước Ðức Chúa Trời đã đến vào năm 1914 khi Chúa Giê-su được phong làm Vua ở trên trời. Nhưng chúng ta cũng biết rằng lời cầu nguyện “xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất” vẫn chưa được đáp  lại trọn vẹn (Mat 6:10). Nó sẽ hoàn toàn được đáp lại khi thế gian gian ác bị kết liễu. Chỉ khi điều này xảy ra thì ý muốn của Ðức Chúa Trời mới được thực hiện ở trên đất như đang được thực hiện ở trên trời.

3. Việc học Lời Ðức Chúa Trời giúp ích chúng ta như thế nào?

3 Nhờ đều đặn học Lời Ðức Chúa Trời, chúng ta hiểu rằng những lời tiên tri trong đó đang được ứng nghiệm. Người ta nói chung thì hoàn toàn khác. Họ quá tất bật với đời sống và những mục tiêu nên không thấy được các bằng chứng rõ ràng là Ðấng Ki-tô đã bắt đầu cai trị từ năm 1914, và không lâu nữa ngài sẽ hủy diệt thế gian này. Tuy nhiên, nếu bạn đã phụng sự Ðức Chúa Trời hàng thập niên, hãy tự hỏi: “Mình có còn tin rằng thế gian này sắp bị kết liễu và những biến cố đang diễn ra trên thế giới cho thấy điều đó không?”. Cho dù chưa phụng sự lâu như vậy, bạn cũng nên tự hỏi: “Mình đang tập trung vào điều gì?”. Bất kể câu trả lời là gì, chúng ta hãy xem lại ba lý do quan trọng đã giúp mình tin rằng Vua được Ðức Chúa Trời bổ nhiệm sắp tiến hành thêm các bước để hoàn thành ý muốn của Ðức Chúa Trời đối với trái đất.

NHỮNG KỴ BINH ÐÃ XUẤT HIỆN

4, 5. (a) Chúa Giê-su đã làm gì kể từ năm 1914? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Ba kỵ binh theo sau Chúa Giê-su tượng trưng cho điều gì, và lời tiên tri này được ứng nghiệm ra sao?

4 Năm 1914, Chúa Giê-su Ki-tô, được miêu tả là đang cưỡi một con ngựa bạch, được ban một vương miện trên trời. Ngay sau đó, ngài xuất trận hầu chinh phục thế gian gian ác của Sa-tan. (Ðọc Khải huyền 6:1, 2). Lời tiên tri sống động trong chương 6 của sách Khải huyền báo trước rằng sau khi Nước Ðức Chúa Trời được thành lập, tình hình thế giới sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Chiến tranh, đói kém, bệnh dịch và những vấn đề gây chết chóc khác sẽ xảy ra nhiều hơn bao giờ hết. Các biến cố này được tượng trưng bởi những kỵ binh theo sát sau Chúa Giê-su.—Khải 6:3-8.

5 Như được báo trước, hòa bình đã bị ‘lấy khỏi trái đất’ bất kể các lời hứa về sự hợp tác quốc tế và hoạt động ngoại giao. Những diễn biến gần đây cho thấy Thế Chiến I chỉ là sự khởi đầu cho hàng loạt cuộc chiến khốc liệt. Bất kể sự phát triển về kinh tế và tiến bộ về khoa học sau năm 1914, sự đói kém vẫn là mối đe dọa đối với nền an ninh thế giới. Hơn nữa, không ai có thể phủ nhận rằng dịch bệnh, thiên tai và những thảm họa khác tiếp tục cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Tầm mức, tần suất và cường độ của những biến cố ấy gia tăng đến mức chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Bạn có nhận ra ý nghĩa của điều đó không?

Những kỵ binh xuất hiện, tình hình thế giới tiếp tục xấu đi (Xem đoạn 4, 5)

6. Những ai chú ý đến sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh Thánh, và điều này thôi thúc họ làm gì?

6 Vào năm 1914 và những năm sau đó, nhiều người bị phân tâm bởi Thế Chiến I và dịch cúm Tây Ban Nha. Tuy nhiên, những tín đồ được xức dầu háo hức mong đợi “thời kỳ của dân ngoại” chấm dứt vào năm 1914 (Lu 21:24). Dù không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra, nhưng họ biết năm 1914 sẽ là một bước ngoặt trong sự cai trị của Ðức Chúa Trời. Ngay sau khi hiểu rõ những lời tiên tri trong Kinh Thánh liên quan đến năm đó được ứng nghiệm theo cách nào, họ can đảm công bố cho người khác biết rằng sự cai trị của Ðức Chúa Trời đã bắt đầu. Những nỗ lực của họ trong việc loan báo về Nước Trời dẫn đến một làn sóng bắt bớ dữ dội. Chính sự bắt bớ tại nhiều nước cũng làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Trong những thập kỷ sau, kẻ thù  của Nước Trời đã “nhờ luật-pháp toan sự thiệt-hại”. Chúng cũng hành hung, bỏ tù, thậm chí xử tử anh em của chúng ta bằng cách treo cổ, xử bắn hoặc chém đầu.—Thi 94:20; Khải 12:15.

7. Tại sao đa số người ta không hiểu ý nghĩa thật sự của các biến cố đang diễn ra trên thế giới?

7 Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Nước Ðức Chúa Trời đã thành lập ở trên trời. Vậy tại sao đa số người ta không chấp nhận điều này? Do đâu họ không liên kết được tình hình thế giới với những lời tiên tri trong Kinh Thánh mà từ lâu dân Ðức Chúa Trời đã rao báo? Phải chăng vì họ chỉ chú tâm đến những điều thấy được bằng mắt thường? (2 Cô 5:7). Có phải vì quá bận tâm đến các vấn đề thường ngày nên họ không thấy được những việc Ðức Chúa Trời đang làm? (Mat 24:37-39). Hay một số người bị ù tai bởi “tạp âm” từ Sa-tan, tức những luận điệu và lời mời gọi mà hắn không ngớt đưa ra? (2 Cô 4:4). Phải có đức tin và khả năng nhận thức về thiêng liêng mới thấy được những sự kiện đang diễn ra trong thế giới thần linh. Chúng ta thật vui mừng vì thấy được những gì thật sự đang xảy ra!

SỰ GIAN ÁC NGÀY CÀNG TỒI TỆ

8-10. (a) Những lời nơi 2 Ti-mô-thê 3:1-5 được ứng nghiệm như thế nào? (b) Tại sao có thể nói rằng sự gian ác ngày càng tồi tệ?

8 Sự gian ác trong xã hội con người ngày càng tồi tệ là lý do thứ hai cho thấy chẳng bao lâu nữa Nước Ðức Chúa Trời sẽ cai trị trái đất. Trong gần một thế kỷ, lời tiên tri nơi 2 Ti-mô-thê 3:1-5 đã được ứng nghiệm. Hơn nữa, những thái độ được miêu tả trong đoạn Kinh Thánh đó cũng gia tăng về tầm mức, tần suất và cường độ. Chẳng phải bạn cũng nhận thấy điều đó sao? Hãy xem xét một số ví dụ.—Ðọc 2 Ti-mô-thê 3:1, 13.

9 Hãy so sánh những gì gây sốc vào thập niên 1940 hay 1950 với những điều hiện đang diễn ra tại sở làm, trong lĩnh vực giải trí, thể thao và thời trang. Ngày nay, bạo lực và sự vô luân rất phổ biến và ghê rợn hơn bao giờ hết. Người ta đua nhau tạo cảm giác sốc cho người khác bằng những hành vi tàn ác, phóng đãng hoặc nhẫn tâm. Những chương trình truyền hình gây phản cảm vào thập niên  1950 thì nay được xem là hình thức giải trí phù hợp với cả nhà. Nhiều người thấy rõ tầm ảnh hưởng lớn của những người đồng tính trong ngành giải trí và thời trang, và cách những người ấy phổ biến lối sống của mình trước công chúng. Chúng ta thật biết ơn vì biết quan điểm của Ðức Chúa Trời về những điều này!—Ðọc Giu-đe 14, 15.

10 Cũng hãy so sánh các hành vi của những người trẻ bị xem là hư hỏng vào thập niên 1950 với những gì người trẻ đang làm thời nay. Chẳng hạn, thời đó các bậc cha mẹ lo lắng về việc con cái hút thuốc lá, uống rượu hoặc nhảy nhót khêu gợi. Nhưng ngày nay, chúng ta thường nghe những tin sốc như: Một học sinh 15 tuổi xả súng vào các bạn trong lớp, làm 2 người thiệt mạng và 13 người bị thương. Một nhóm thiếu niên say xỉn giết dã man một em gái chín tuổi, đánh đập cha và người họ hàng của em. Một tin khác cho biết tại một nước ở châu Á, phân nửa tội ác trong mười năm qua là do giới trẻ gây ra. Ai có thể phủ nhận rằng tình hình xã hội đang ngày càng tồi tệ?

11. Tại sao nhiều người không nhận thấy tình hình xã hội ngày càng tồi tệ?

11 Sứ đồ Phi-e-rơ nói một cách chính xác như sau: “Trong những ngày sau cùng sẽ có những kẻ chế giễu buông lời nhạo báng, làm theo ham muốn của riêng mình và nói: ‘Lời hứa về sự hiện diện của ngài ở đâu? Từ ngày tổ phụ chúng ta an giấc, mọi thứ vẫn còn nguyên như từ lúc tạo ra thế gian’” (2 Phi 3:3, 4). Tại sao một số người phản ứng theo cách đó? Dường như khi một vấn đề càng trở nên quen thuộc thì người ta càng ít để tâm đến. Tình trạng đạo đức trong xã hội dần xuống dốc dường như không gây sốc bằng việc một người thân bất ngờ thay đổi nhân cách. Dù vậy, nó vẫn là một hiểm họa.

12, 13. (a) Tại sao chúng ta không cần nản lòng trước những biến cố đang xảy ra trên thế giới? (b) Nhận ra điều gì sẽ giúp chúng ta đối phó với những vấn đề “rất khó đương đầu”?

12 Sứ đồ Phao-lô cảnh báo rằng trong “những ngày sau cùng”, sẽ có những vấn đề “rất khó đương đầu” (2 Ti 3:1). Dù vậy, không phải là không đương đầu được, nên chúng ta không cần chạy trốn khỏi thực tại. Với sự trợ giúp của Ðức Giê-hô-va, thần khí và hội thánh, chúng ta có thể vượt qua mọi nỗi thất vọng hay sợ hãi mình gặp phải. Chúng ta có thể giữ lòng trung thành. Ðức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta “sức lực hơn mức bình thường”.—2 Cô 4:7-10.

13 Một điều đáng lưu ý là Phao-lô mở đầu lời tiên tri về những ngày sau cùng bằng cụm từ “hãy biết rằng”. Cụm từ này đảm bảo rằng những điều được đề cập tiếp theo nhất định sẽ xảy ra. Chắc chắn, thế gian không tin kính này sẽ tiếp tục xuống cấp cho đến khi Ðức Giê-hô-va ra tay hủy diệt nó. Lịch sử ghi lại rằng trong quá khứ, từng có những xã hội hay quốc gia bị suy thoái trầm trọng về đạo đức và cuối cùng sụp đổ. Thế nhưng, hiện nay tình trạng đạo đức suy đồi hơn bao giờ hết và không chỉ giới hạn trong một số quốc gia mà trên toàn thế giới. Có thể nhiều người không quan tâm điều đó có nghĩa gì. Tuy nhiên, sự gian ác gia tăng kể từ năm 1914 cho chúng ta thêm bằng chứng để tin rằng Nước Ðức Chúa Trời sắp ra tay hành động.

THẾ HỆ NÀY SẼ KHÔNG QUA ÐI

14-16. Lý do thứ ba giúp chúng ta tin rằng Nước Ðức Chúa Trời sắp “đến” là gì?

14 Lý do thứ ba giúp chúng ta tin chắc thời điểm kết thúc gần kề là diễn biến trong vòng dân của Ðức Chúa Trời. Chẳng hạn, trước khi Nước Ðức Chúa Trời được thành lập ở trên trời, một nhóm tín đồ được xức dầu trung thành đang sốt sắng thờ phượng Ðức Chúa  Trời. Một số điều họ kỳ vọng sẽ xảy ra vào năm 1914 thì cuối cùng lại không xảy ra. Họ đã làm gì? Bất kể thử thách và sự bắt bớ, phần lớn trong số họ tiếp tục trung kiên phụng sự Ðức Giê-hô-va. Với thời gian, hầu hết hoặc tất cả những tín đồ được xức dầu ấy đã kết thúc đời sống trên đất một cách trung thành.

15 Trong lời tiên tri của Chúa Giê-su về kỳ cuối cùng của thời đại này, ngài nói: “Thế hệ này sẽ không qua đi trước khi mọi điều ấy xảy ra”. (Ðọc Ma-thi-ơ 24:33-35). Chúng ta hiểu rằng khi Chúa Giê-su nói “thế hệ này”, ngài đang đề cập đến hai nhóm tín đồ được xức dầu. Nhóm thứ nhất có mặt trên đất vào năm 1914, và họ nhận thấy dấu hiệu về sự hiện diện của Ðấng Ki-tô vào năm đó. Không những vậy, thành viên trong nhóm này còn được xức dầu bằng thần khí vào năm đó hoặc trước năm đó.—Rô 8:14-17.

16 Nhóm thứ hai thuộc “thế hệ này” là những tín đồ được xức dầu sống cùng thời với nhóm thứ nhất. Không chỉ thế, các thành viên trong nhóm thứ hai còn được xức dầu bằng thần khí khi một số thành viên của nhóm thứ nhất vẫn còn sống trên đất. Do đó, không phải mọi tín đồ được xức dầu hiện còn sống đều thuộc “thế hệ này”. Ngày nay, những thành viên trong nhóm thứ hai ngày càng lớn tuổi. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 24:34 giúp chúng ta tin chắc rằng ít nhất một số tín đồ thuộc “thế hệ này” vẫn còn sống khi hoạn nạn lớn bắt đầu. Ðiều này càng giúp chúng ta tin rằng chẳng bao lâu nữa, Nước Ðức Chúa Trời sẽ hủy diệt những kẻ ác và mang lại thế giới mới công chính.—2 Phi 3:13.

ÐẤNG KI-TÔ SẮP HOÀN THÀNH CUỘC CHINH PHỤC

17. Chúng ta rút ra kết luận nào qua ba khía cạnh vừa xem xét?

17 Qua ba khía cạnh vừa xem xét, chúng ta có thể rút ra kết luận nào? Chúa Giê-su nói rằng chúng ta sẽ không biết chính xác ngày và giờ của thời điểm kết thúc (Mat 24:36; 25:13). Nhưng như Phao-lô nói, chúng ta “biết mình đang sống trong thời kỳ nào”. (Ðọc Rô-ma 13:11). Ðó là thời kỳ sau cùng. Nếu chú tâm vào những lời tiên tri trong Kinh Thánh cũng như những gì Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đang thực hiện, chắc chắn chúng ta sẽ thấy bằng chứng rõ ràng rằng mình thật sự đang sống gần ngày thế gian này bị hủy diệt.

18. Ðiều gì đón đợi những kẻ không chấp nhận Nước Ðức Chúa Trời?

18 Chẳng bao lâu nữa, những ai không nhìn nhận uy quyền của Chúa Giê-su Ki-tô, đấng cưỡi ngựa bạch bách chiến bách thắng, sẽ phải thừa nhận là mình đã sai. Chúng sẽ không thể thoát thân. Vào lúc đó, nhiều kẻ sẽ kêu than rằng: “Ai có thể chịu nổi?” (Khải 6:15-17). Chương sau của sách Khải huyền cung cấp lời giải đáp. Các tín đồ được xức dầu và những người có hy vọng sống mãi trên đất chắc chắn sẽ “chịu nổi” trong ngày đó, vì họ được Ðức Chúa Trời chấp nhận. Rồi “đám đông” thuộc các chiên khác sẽ được sống sót qua hoạn nạn lớn.—Khải 7:9, 13-15.

19. Là người tin chắc thời điểm kết thúc gần kề, bạn trông mong điều gì?

19 Nếu chú tâm đến những lời tiên tri đang được ứng nghiệm trong thời kỳ đầy hào hứng này, chúng ta sẽ không bị ù tai bởi “tạp âm” của thế gian Sa-tan và không bị mù về ý nghĩa của các biến cố đang diễn ra trên thế giới. Không lâu nữa, Ðấng Ki-tô sẽ hoàn thành cuộc chinh phục thế gian bất kính này bằng trận chiến cuối cùng dựa trên công lý (Khải 19:11, 19-21). Hãy hình dung sau đó chúng ta sẽ hạnh phúc ra sao!—Khải 20:1-3, 6; 21:3, 4.