Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Mất cha—Tìm được Cha khác

Mất cha—Tìm được Cha khác

Cha tôi chào đời năm 1899 ở Graz, Áo, nên thời trẻ của cha trải qua Thế Chiến I. Không lâu sau khi Thế Chiến II bùng nổ năm 1939, cha đi nghĩa vụ quân sự cho Đức. Cha bị giết năm 1943 trong khi đang giao tranh ở Nga. Đáng buồn là tôi mất cha khi mới khoảng hai tuổi. Tôi chưa bao giờ có cơ hội để biết về cha mình và mong mỏi có một người cha, nhất là khi nhận ra hầu hết các bạn nam trong trường đều có cha. Sau này, lúc ở tuổi thanh thiếu niên, tôi được an ủi khi biết về Cha trên trời, người Cha không thể chết.

KINH NGHIỆM LÀM HƯỚNG ĐẠO SINH

Khi còn nhỏ

Khi được bảy tuổi, tôi trở thành thành viên của phong trào thiếu sinh Hướng đạo. Hướng đạo sinh là một tổ chức toàn cầu do trung tướng quân đội Anh là ông Robert Stephenson Smyth Baden-Powell sáng lập năm 1908 ở Anh Quốc. Năm 1916, ông thành lập Sói con (hay Ấu sinh Hướng đạo) cho các cậu bé trẻ hơn trong độ tuổi của tôi.

Tôi thích những cuộc cắm trại cuối tuần ở vùng quê—ngủ trong lều, mặc đồng phục và diễu hành cùng tiếng trống vang dội. Đặc biệt, tôi thích những lúc kết hợp với các hướng đạo sinh khác, trong đó có việc cùng hát quanh lửa trại đêm, chơi trò chơi trong rừng. Chúng tôi cũng học nhiều điều về thiên nhiên, điều này làm tôi cảm kích công việc sáng tạo của Đấng Tạo Hóa.

Hướng đạo sinh được khuyến khích phải làm một việc tốt mỗi ngày. Đây là phương châm chung của họ. Chúng tôi cùng chào nhau với khẩu ngữ “Luôn Sẵn Sàng”. Tôi rất thích điều này. Trong đội gồm hơn một trăm cậu bé, khoảng phân nửa theo đạo Công giáo, nửa kia là Tin Lành và một người đạo Phật.

Từ năm 1920, cứ mỗi vài năm người ta lại tổ chức các buổi họp Hướng đạo thế giới, tức đại hội Hướng đạo. Tôi dự buổi đại hội Hướng đạo thế giới lần thứ bảy ở Bad Ischl, Áo, tháng 8 năm 1951 và lần thứ chín ở Sutton Park, gần Birmingham, Anh Quốc, vào tháng 8 năm 1957. Lần này, có khoảng 33.000 hướng đạo sinh đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khoảng 750.000 người đến thăm chúng tôi tại buổi họp, trong đó có sự hiện diện của nữ hoàng Anh Quốc Elizabeth. Đối với tôi, điều này giống như một đoàn thể anh em toàn cầu. Lúc đó tôi không biết rằng mình sẽ sớm quen thuộc với một đoàn thể anh em còn ấn tượng hơn nhiều—một đoàn thể thiêng liêng.

GẶP NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA LẦN ĐẦU

Anh Rudi Tschiggerl, đầu bếp làm bánh, người đầu tiên làm chứng cho tôi

Mùa xuân năm 1958, tôi sắp hoàn thành thời gian thử việc làm bồi bàn ở Grand Hotel Wiesler tại Graz, Áo. Ở đây, anh Rudolf Tschiggerl, một đồng nghiệp và là đầu bếp chuyên làm bánh, đã làm chứng cho tôi. Tôi chưa bao giờ nghe về sự thật của Kinh Thánh. Trước tiên, anh nêu lên thuyết Chúa Ba Ngôi và nói rằng Kinh Thánh không dạy điều này. Tôi tranh luận, bênh vực Chúa Ba Ngôi và muốn chứng minh là anh sai. Tôi thích anh bạn đồng nghiệp này và muốn thuyết phục anh trở lại Công giáo.

Anh Rudolf, chúng tôi gọi là Rudi, muốn cho tôi một cuốn Kinh Thánh. Tôi khăng khăng cho rằng tôi chỉ nhận Kinh Thánh của Công giáo, và anh đã làm thế. Tôi bắt đầu đọc và sớm nhận ra anh Rudi đã lồng một tờ chuyên đề của Hội Tháp Canh vào cuốn Kinh Thánh. Tôi phản đối điều này vì cảm thấy những ấn phẩm như thế được diễn giải theo cách có vẻ đúng nhưng có lẽ không phải thế. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng thảo luận Kinh Thánh với anh. Rudi rất tinh tế và không đưa thêm ấn phẩm cho tôi. Trong khoảng ba tháng, thỉnh thoảng chúng tôi thảo luận Kinh Thánh, thường cho đến khuya.

Sau khi hoàn tất khóa tập sự ở khách sạn tại thị trấn của tôi ở Graz, mẹ tôi đóng học phí cho tôi học ở một trường quản lý khách sạn. Thế nên tôi chuyển đến Bad Hofgastein, một thị trấn ở thung lũng trong dãy Alps, trường này tọa lạc ở đây. Trường này cũng liên kết với Grand Hotel ở Bad Hofgastein. Ngoài những điều tôi học ở lớp, thỉnh thoảng tôi đến khách sạn làm việc để học thêm kinh nghiệm.

ĐƯỢC HAI CHỊ GIÁO SĨ VIẾNG THĂM

Chị Ilse Unterdörfer và chị Elfriede Löhr bắt đầu học Kinh Thánh với tôi năm 1958

Anh Rudi gửi địa chỉ mới của tôi đến văn phòng chi nhánh ở Vienna, chi nhánh đưa thông tin cho hai chị giáo sĩ, Ilse Unterdörfer và Elfriede Löhr *. Một ngày nọ, anh tiếp tân khách sạn gọi cho tôi và nói là có hai phụ nữ đi xe hơi, đậu bên ngoài, và muốn nói chuyện với tôi. Tôi bối rối vì không biết gì về họ, nhưng đi ra để xem họ là ai. Sau này, tôi mới biết họ là hai Nhân Chứng vận chuyển tạp chí thời quốc xã Đức khi công việc bị cấm đoán trước Thế Chiến II. Ngay cả trước khi chiến tranh bắt đầu, họ đã bị mật vụ Đức (Gestapo) bắt và đưa đến trại tập trung Lichtenburg. Sau đó, trong thời chiến, họ bị chuyển đến trại ở Ravensbrück, gần Berlin.

Hai chị trạc tuổi mẹ tôi, nên chắc chắn tôi tôn trọng họ. Đó là lý do tôi không muốn lãng phí thời gian của họ khi thảo luận với tôi, rồi có lẽ sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng sẽ cho họ biết tôi không muốn tiếp tục nữa. Vì thế, tôi hỏi họ có thể cho tôi một danh sách các câu Kinh Thánh về giáo lý Công giáo liên quan đến sự kế vị các tông đồ. Tôi nói với họ là tôi sẽ đến gặp linh mục địa phương để thảo luận điều này với ông. Tôi nghĩ mình sẽ nhận ra sự thật.

HỌC VỀ CHA THÁNH TRÊN TRỜI

Sự dạy dỗ của Công giáo La Mã về sự kế vị các tông đồ cho rằng không có sự gián đoạn về việc kế vị của giáo hoàng tính từ tông đồ Phi-e-rơ. (Giáo hội lý giải sai về lời Chúa Giê-su được trích nơi Ma-thi-ơ 16:18, 19). Công giáo cũng tuyên bố giáo hoàng không thể nào sai khi nói về những vấn đề liên quan đến giáo lý. Tôi tin điều này và nghĩ nếu giáo hoàng, người mà Công giáo gọi là “Cha thánh”, không thể nào sai về giáo lý và công bố Chúa Ba Ngôi là đúng, thì phải là đúng. Nhưng nếu ông có thể mắc sai lầm thì giáo lý này có lẽ cũng sai. Chẳng lạ gì khi nhiều giáo dân xem sự dạy dỗ về sự kế vị các tông đồ là giáo lý quan trọng nhất, vì tính chính xác hoặc không chính xác của các giáo lý Công giáo khác đều dựa vào đó!

Khi tôi đến gặp linh mục, ông không thể trả lời câu hỏi của tôi, nhưng từ kệ sách, ông lấy ra một cuốn sách nói về giáo lý Công giáo liên quan đến sự kế vị các tông đồ. Theo đề nghị của ông, tôi mang về nhà, đọc và đặt nhiều câu hỏi hơn khi quay lại. Cuối cùng vị linh mục, không thể trả lời câu hỏi của tôi, đáp: “Cha không thể thuyết phục con, và con không thể thuyết phục cha... Cha chúc con những điều tốt đẹp nhất!”. Ông không muốn thảo luận với tôi nữa.

Lúc đó, tôi đã sẵn sàng tìm hiểu Kinh Thánh với chị Ilse và chị Elfriede. Họ dạy tôi nhiều về Cha thánh trên trời, Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Giăng 17:11). Lúc bấy giờ chưa có hội thánh trong vùng này, nên hai chị điều khiển các buổi nhóm tại nhà của một gia đình chú ý. Chỉ vài người tham dự. Hai chị thay phiên nhau thảo luận hầu hết tài liệu của buổi họp, vì không có anh đã làm báp-têm dẫn đầu. Thỉnh thoảng, một anh từ nơi khác đến làm bài giảng công cộng ở một chỗ thuê.

BẮT ĐẦU THÁNH CHỨC

Chị Ilse và Elfriede bắt đầu học Kinh Thánh với tôi vào tháng 10 năm 1958, và ba tháng sau, vào tháng 1 năm 1959, tôi làm báp-têm. Trước khi làm báp-têm, tôi hỏi hai chị liệu tôi có thể đi cùng hai chị đến từng nhà để xem cách rao giảng thế nào (Công 20:20). Sau khi đi cùng hai chị lần đầu, tôi hỏi liệu tôi có thể có khu vực riêng của mình hay không. Họ giao cho tôi một làng, và một mình tôi đến đó, rao giảng từng nhà và viếng thăm những người chú ý. Anh đầu tiên mà tôi đi rao giảng chung là giám thị vòng quanh, người sau này đến thăm chúng tôi.

Năm 1960, sau khi kết thúc khóa học khách sạn, tôi về quê để cố gắng giúp người thân tìm hiểu sự thật Kinh Thánh. Thậm chí cho đến nay, không một người nào trở thành Nhân Chứng, nhưng một số tỏ ra chú ý phần nào.

PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN

Ở tuổi đôi mươi

Năm 1961, hội thánh đọc những lá thư từ văn phòng chi nhánh, khuyến khích việc làm tiên phong. Tôi là người độc thân và mạnh khỏe, nên nghĩ mình không có lý do gì để không làm tiên phong. Tôi nói chuyện với giám thị vòng quanh, anh Kurt Kuhn, hỏi ý anh ấy về việc tôi làm thêm vài tháng để có thể mua xe hơi, phương tiện hữu ích để làm tiên phong. Anh nói gì? “Chúa Giê-su và các sứ đồ có cần xe hơi để phụng sự trọn thời gian không?”. Lời này tác động đến tôi! Tôi dự định làm tiên phong càng sớm càng tốt. Nhưng vì làm việc 72 giờ mỗi tuần ở nhà hàng khách sạn, nên trước tiên tôi phải thay đổi vài điều.

Tôi xin chủ cho phép tôi làm việc 60 giờ. Ông chấp thuận và trả cùng mức lương trước. Không lâu sau đó, tôi xin làm việc 48 giờ mỗi tuần. Ông cũng chấp thuận và trả cùng mức lương ấy. Kế đến, tôi xin phép làm việc 36 giờ mỗi tuần và ông cũng chấp thuận. Điều ngạc nhiên là tôi cũng được trả mức lương cũ! Dường như ông chủ không muốn tôi nghỉ việc. Với thời biểu ấy, tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều. Lúc đó, tiên phong phải làm 100 giờ mỗi tháng.

Bốn tháng sau, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt và tôi tớ hội thánh trong một hội thánh nhỏ ở thị trấn Spittal an der Drau, thuộc tỉnh Carinthia. Lúc ấy, tiên phong đặc biệt phải làm 150 giờ mỗi tháng. Tôi không có bạn đồng hành, nhưng cảm kích khi được chị Gertrude Lobner, là phụ tá cho tôi tớ hội thánh *, hỗ trợ trong thách chức.

THAY ĐỔI NHIỆM SỞ NHANH CHÓNG

Năm 1963, tôi được mời làm công việc vòng quanh. Đôi khi tôi đi xe lửa đến các hội thánh, mang theo nhiều va-li nặng. Hầu hết các anh không có xe hơi, nên không ai có thể ra đón tôi ở trạm xe lửa. Để không “khoe”, tôi không muốn đi taxi đến nhà tôi sẽ ở, nên tôi đi bộ đến đó.

Năm 1965, vẫn độc thân, tôi được mời tham dự khóa thứ 41 của Trường Ga-la-át. Nhiều anh chị cùng khóa với tôi vẫn còn độc thân. Quá đỗi kinh ngạc, tại buổi tốt nghiệp, tôi được bổ nhiệm về quê hương của mình ở Áo để tiếp tục công việc vòng quanh. Tuy nhiên, trước khi rời Hoa Kỳ, tôi được đề nghị đi cùng một giám thị vòng quanh trong bốn tuần. Tôi rất vui khi được làm việc với anh Anthony Conte, một anh đầy tình yêu thương, cũng yêu cánh đồng và rất hữu hiệu ở cánh đồng. Chúng tôi cùng phụng sự ở vùng miền bắc New York trong khu vực Cornwall.

Ngày cưới chúng tôi

Khi quay lại Áo, tôi được giao cho một vòng quanh, tại đây tôi gặp chị Tove Merete xinh xắn. Chị lớn lên trong sự thật từ lúc lên năm. Khi anh em hỏi làm sao chúng tôi gặp nhau, chúng tôi nói đùa: “Văn phòng chi nhánh đã sắp xếp chuyện này”. Một năm sau vào tháng 4 năm 1967, chúng tôi kết hôn, và được tổ chức cho phép tiếp tục làm công việc vòng quanh.

Năm sau đó, tôi nhận ra là nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va, ngài đã nhận tôi làm con thiêng liêng. Thế nên tôi bắt đầu mối quan hệ đặc biệt với Cha trên trời và với các anh em, theo Rô-ma 8:15, “gọi: ‘A-ba, Cha ơi!’”.

Vợ chồng tôi tiếp tục làm công việc vòng quanh và địa hạt cho đến năm 1976. Đôi khi, vào mùa đông, chúng tôi phải ngủ trong phòng không lò sưởi, nhiệt độ dưới âm độ C. Một lần nọ chúng tôi thức dậy, phần mền gần cổ chúng tôi trắng xóa, bị đông cứng lại! Cuối cùng chúng tôi quyết định mang theo một máy sưởi điện nhỏ để giữ nhiệt độ ở mức có thể chịu được vào ban đêm. Tại một số nơi, để dùng phòng vệ sinh vào ban đêm, chúng tôi băng qua tuyết để đến nhà xí thường rất giá buốt. Chúng tôi cũng không có một căn hộ để ở, nên vào thứ hai chúng tôi thường ở lại nhà mà chúng tôi đã phụng sự trong tuần. Rồi, sáng thứ ba, chúng tôi đi đến hội thánh kế tiếp.

Tôi vui mừng nói rằng những năm tháng qua, người vợ yêu dấu của tôi luôn ủng hộ tôi. Cô ấy rất yêu cánh đồng, và tôi chưa bao giờ phải khuyến khích vợ hãy đi rao giảng. Cô ấy cũng yêu mến anh em và rất quan tâm đến người khác. Điều này đã giúp ích cho tôi rất nhiều.

Năm 1976, chúng tôi được mời đến phụng sự ở văn phòng chi nhánh Áo ở Vienna, và tôi được bổ nhiệm làm thành viên Ủy ban chi nhánh. Lúc bấy giờ, chi nhánh Áo đang giám sát công việc ở các nước Đông Âu và bí mật vận chuyển ấn phẩm đến các nước này. Anh Jürgen Rundel dẫn đầu công việc ấy, luôn luôn biết cách xoay sở. Tôi có đặc ân làm việc với anh và sau đó được đề nghị làm giám thị cho việc dịch ra mười ngôn ngữ Đông Âu. Anh Jürgen cùng vợ là chị Gertrude tiếp tục trung thành phụng sự với tư cách là tiên phong đặc biệt ở Đức. Bắt đầu năm 1978, chi nhánh Áo có máy sắp chữ in tạp chí bằng ảnh và in ra sáu thứ tiếng trên một máy in nhỏ. Chúng tôi cũng gửi ấn phẩm dài hạn đến các nước yêu cầu. Anh Otto Kuglitsch, hiện cùng vợ là Ingrid phụng sự ở chi nhánh Đức, là người chủ chốt trong các hoạt động này.

Tại Áo, tôi vui thích trước nhiều hình thức làm chứng, kể cả trên đường phố

Anh em ở Đông Âu cũng xuất bản ấn phẩm trong nước của mình qua việc dùng các thiết bị để sao các bản tài liệu hoặc sản xuất tài liệu từ phim. Dù vậy, họ cũng cần sự hỗ trợ của nước khác. Đức Giê-hô-va che chở hoạt động này, và tại chi nhánh, chúng tôi ngày càng yêu thương anh em, những người phải phụng sự trong hoàn cảnh khó khăn và bị cấm đoán trong nhiều năm.

CHUYẾN VIẾNG THĂM ĐẶC BIỆT ĐẾN ROMANIA

Năm 1989, tôi có đặc ân đi cùng với anh Theodore Jaracz, một thành viên của Hội đồng Lãnh đạo, đến Romania. Mục tiêu là để giúp một nhóm lớn anh em hợp nhất lại với tổ chức. Bắt đầu năm 1949, họ có vài lý do để không kết hợp với tổ chức và thành lập các hội thánh riêng. Tuy nhiên, họ tiếp tục rao giảng và làm báp-têm. Giống như anh em thuộc tổ chức, họ cũng đi tù vì giữ sự trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Lệnh cấm ở Romania vẫn còn hiệu lực, nên chúng tôi bí mật gặp nhau ở nhà của anh Pamfil Albu, cùng với bốn trưởng lão chủ chốt và các anh thuộc Ủy ban quốc gia Romania được tổ chức chấp thuận. Chúng tôi có một thông dịch từ Áo, anh Rolf Kellner.

Vào đêm thứ hai của buổi thảo luận, anh Albu thuyết phục bốn trưởng lão hãy hợp nhất với chúng tôi khi nói: “Nếu chúng ta không thực hiện ngay bây giờ, có lẽ chúng ta không bao giờ có cơ hội khác”. Sau đó, khoảng 5.000 anh em đã sát nhập với tổ chức. Quả là chiến thắng dành cho Đức Giê-hô-va, và một đòn giáng cho Sa-tan!

Đến cuối năm 1989, trước khi có sự thay đổi chính trị ở Đông Âu, Hội đồng Lãnh đạo mời vợ chồng tôi chuyển sang trụ sở trung ương tại New York. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc. Chúng tôi bắt đầu phụng sự ở Bê-tên Brooklyn vào tháng 7 năm 1990. Năm 1992, tôi được bổ nhiệm làm phụ tá cho Ủy ban công tác của Hội đồng Lãnh đạo, và từ tháng 7 năm 1994, tôi có đặc ân làm thành viên của Hội đồng Lãnh đạo.

NGHĨ VỀ QUÁ KHỨ VÀ NHÌN ĐẾN TƯƠNG LAI

Với vợ tôi ở Brooklyn, New York

Thời gian tôi làm bồi bàn ở khách sạn đã trôi qua lâu rồi. Hiện nay tôi vui mừng có đặc ân góp phần vào việc chuẩn bị và phân phát thức ăn thiêng liêng cho anh em trên khắp thế giới (Mat 24:45-47). Nhìn lại chặng đường thánh chức đặc biệt trọn thời gian hơn 50 năm, tôi chỉ có thể nói lên lòng biết ơn và niềm vui sâu xa nhờ Đức Giê-hô-va ban phước cho đoàn thể anh em khắp thế giới. Tôi rất thích tham dự các kỳ hội nghị quốc tế, nơi chú trọng đến việc học biết về Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, và sự thật của Kinh Thánh.

Tôi cầu nguyện là có thêm hàng triệu người sẽ tìm hiểu Kinh Thánh, chấp nhận sự thật và hợp nhất phụng sự Đức Giê-hô-va với đoàn thể anh em toàn cầu (1 Phi 2:17). Tôi cũng mong đợi chứng kiến từ trời sự sống lại diễn ra trên đất, rồi cuối cùng tôi sẽ thấy cha xác thịt của mình. Tôi hy vọng là cha, mẹ và những người thân yêu của tôi sẽ muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va trong địa đàng.

Tôi cũng mong đợi chứng kiến từ trời sự sống lại diễn ra trên đất, rồi cuối cùng tôi sẽ thấy cha xác thịt của mình

^ đ. 15 Xem kinh nghiệm của hai chị trong Tháp Canh ngày 1-11-1979 (Anh ngữ).

^ đ. 27 Hiện nay, thay vì một tôi tớ hội thánh và một phụ tá cho tôi tớ hội thánh, mỗi hội đồng trưởng lão có một giám thị điều phối và một thư ký được bổ nhiệm.