Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nếu không biết chắc cách phát âm danh Đức Chúa Trời, tại sao chúng ta vẫn dùng danh ấy?

Nếu không biết chắc cách phát âm danh Đức Chúa Trời, tại sao chúng ta vẫn dùng danh ấy?

Câu hỏi độc giả

Nếu không biết chắc cách phát âm danh Đức Chúa Trời, tại sao chúng ta vẫn dùng danh ấy?

Ngày nay không ai biết chính xác danh Đức Chúa Trời được phát âm thế nào trong tiếng Do Thái cổ. Tuy nhiên, danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong Kinh Thánh khoảng 7.000 lần, đó là điều rất có ý nghĩa. Khi sống trên đất Chúa Giê-su đã nói cho người ta biết danh Đức Chúa Trời, và dạy các môn đồ cầu nguyện cho danh ấy được thánh (Ma-thi-ơ 6:9; Giăng 17:6). Do đó, điều chắc chắn là việc dùng danh Đức Chúa Trời rất quan trọng với những người theo Chúa Giê-su. Vậy, tại sao ngày nay người ta không biết chắc cách phát âm nguyên thủy của danh này? Có hai lý do chính.

Thứ nhất, khoảng hai ngàn năm trước đây, trong dân Do Thái xuất hiện một truyền thống mê tín là không được phát âm danh Đức Chúa Trời. Khi một người đọc Kinh Thánh thấy danh ấy thì phải thay thế bằng từ “Chúa”. Vì vậy, sau nhiều thế kỷ không phát âm danh Đức Chúa Trời, người ta quên cách phát âm danh ấy.

Thứ nhì, tiếng Do Thái cổ khi viết thì không có nguyên âm, giống như cách viết tắt trong tiếng Việt và nhiều thứ tiếng khác. Thời xưa, khi đọc tài liệu tiếng Do Thái, người đọc phải nhớ tự động thêm các nguyên âm. Theo thời gian, một hệ thống phát âm tiếng Do Thái được thiết lập để giúp người ta nhớ cách đọc. Các dấu thế cho nguyên âm được thêm vào mỗi từ trong phần Kinh Thánh tiếng Do Thái. Tuy nhiên, khi đọc đến danh Đức Chúa Trời, người ta không thêm gì hết, hoặc họ thêm các dấu thế nguyên âm để đọc danh này là “Chúa”.

Vì thế, những gì còn lại trong danh Đức Chúa Trời chỉ là bốn phụ âm thường được gọi là bốn ký tự tiếng Do Thái (Tetragrammaton). Một từ điển định nghĩa bốn ký tự tiếng Do Thái này “là bốn phụ âm thường được viết dưới dạng YHWH hay JHVH, tạo thành danh Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh”. Thật dễ thấy khi thêm nguyên âm vào từ JHVH thì từ này trở thành “Jehovah” trong nhiều ngôn ngữ (hay “Giê-hô-va” trong tiếng Việt). Cách phiên âm này khá quen thuộc và phổ biến tại nhiều nước.

Tuy nhiên, một số học giả đề nghị nên phát âm danh ấy là “Yavê”. Có phải cách phát âm này gần với cách phát âm nguyên thủy hơn không? Không ai biết chắc điều này. Thật ra, một số học giả khác đã nêu lên những lý do để không dùng cách phát âm này. Dĩ nhiên, khi phát âm những tên trong Kinh Thánh bằng ngôn ngữ hiện đại thì có thể không giống với tiếng Do Thái cổ, nhưng ít ai phản đối điều đó. Lý do là vì những tên này trở nên quen thuộc với nhiều ngôn ngữ, và người ta có thể nhận ra chúng dễ dàng. Danh Đức Giê-hô-va cũng thuộc trường hợp này.

Những người theo Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất được gọi là một dân dâng cho danh Ngài. Họ rao truyền danh Đức Chúa Trời cho người khác và khuyến khích người ta kêu cầu danh Ngài (Công-vụ 2:21; 15:14; Rô-ma 10:13-15). Rõ ràng, đối với Đức Chúa Trời, điều quan trọng là dù nói ngôn ngữ nào chúng ta cũng dùng danh Ngài, hiểu rõ tầm quan trọng và sống phù hợp với ý nghĩa của danh ấy.

[Câu nổi bật nơi trang 31]

Điều có ý nghĩa là danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong Kinh Thánh khoảng 7.000 lần