Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va quý trọng người khiêm nhường

Đức Giê-hô-va quý trọng người khiêm nhường

Hãy đến gần Đức Chúa Trời

Đức Giê-hô-va quý trọng người khiêm nhường

Dân-số Ký 12:1-15

Kiêu ngạo, ghen tị và tham vọng là những đặc điểm thường thấy nơi người tìm mọi cách để thành công trong thế gian này. Nhưng những đặc tính đó có giúp chúng ta có mối quan hệ tốt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời không? Chắc chắn không. Ngược lại, Đức Giê-hô-va quý trọng những người khiêm nhường * thờ phượng Ngài. Điều này được thấy rõ nơi lời tường thuật ở Dân-số Ký chương 12. Bối cảnh là tại đồng vắng Si-na-i, sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu khỏi Ai Cập.

Lúc này, hai anh chị của Môi-se là bà Mi-ri-am và ông A-rôn bắt đầu “nói hành” Môi-se (câu 1). Thay vì đến gặp và nói riêng với Môi-se, họ đã nói xấu ông, có lẽ lan truyền lời lằm bằm về ông khắp trại quân Y-sơ-ra-ên. Bà Mi-ri-am được Kinh Thánh đề cập đến trước nên dường như là người dẫn đầu chuyện này. Lý do đầu tiên họ nói xấu ông là vì ông đã cưới một người nữ Ê-thi-ô-bi làm vợ. Hơn nữa, người nữ ấy mới xuất hiện và không phải là người Y-sơ-ra-ên, nên có phải Mi-ri-am ghen tị, sợ người ta sẽ chú ý đến cô ấy nhiều hơn không?

Ngoài ra, cũng có những lý do khác khiến họ phàn nàn. Mi-ri-am và A-rôn nhắc đi nhắc lại: “Đức Giê-hô-va há chỉ dùng một mình Môi-se mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao?” (câu 2). Có phải động cơ của họ là muốn có nhiều quyền và được người khác trọng vọng hơn không?

Lời tường thuật cho biết Môi-se không đáp trả những lời phàn nàn ấy. Rõ ràng ông đã im lặng chịu đựng sự vu khống. Thái độ kiên nhẫn của Môi-se cho thấy lời Kinh Thánh miêu tả về ông rất đúng: Ông là “người rất khiêm-hòa hơn mọi người” trên đất (câu 3). Môi-se không cần phải giải thích lý do Đức Giê-hô-va dùng ông. Ngài đã nghe hết mọi chuyện và sẽ lên tiếng bảo vệ ông.

Đức Giê-hô-va xem lời lằm bằm của Mi-ri-am và A-rôn là đang nói về chính Ngài. Suy cho cùng, Ngài là Đấng đã bổ nhiệm Môi-se. Ngài khiển trách những kẻ lằm bằm và nhắc họ nhớ rằng Ngài có mối quan hệ đặc biệt với Môi-se: “Ta nói chuyện cùng người miệng đối miệng”. Rồi Ngài hỏi Mi-ri-am và A-rôn: “Các ngươi không sợ mà nói hành... Môi-se sao?” (câu 8). Khi nói hành Môi-se, hai người thật ra đang nói hành Đức Chúa Trời. Rõ ràng, họ đang tỏ ra bất kính với Đức Chúa Trời và đáng gánh chịu cơn giận của Ngài.

Hậu quả là Mi-ri-am đã bị mắc bệnh phong cùi. Ngay lập tức, A-rôn xin Môi-se cầu nguyện cho bà. Hãy thử hình dung: Mi-ri-am bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào lời cầu nguyện của người mà họ đã nói hành! Môi-se đã khiêm nhường làm theo lời đề nghị ấy. Trong lời tường thuật này, đây là lần đầu tiên Môi-se lên tiếng. Ông thành thật cầu nguyện cho chị mình. Sau đó, Mi-ri-am được chữa lành nhưng bà phải chịu xấu hổ vì bị cách ly trong bảy ngày.

Lời tường thuật này giúp chúng ta hiểu rõ Đức Giê-hô-va quý trọng những đức tính nào cũng như ghét những tính nết nào. Nếu muốn đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta phải cố gắng loại bỏ khỏi lòng mình tính kiêu ngạo, ghen tị và tham vọng. Đức Chúa Trời yêu mến người khiêm nhường và Ngài hứa: “Người hiền-từ [“khiêm nhu”, Bản Diễn Ý] sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:11; Gia-cơ 4:6.

[Chú thích]

^ đ. 1 Khiêm nhường hay khiêm hòa là đức tính quan trọng giúp một người có thể kiên nhẫn chịu đựng sự bất công mà không trả thù.