Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có nên trả thù không?

Có nên trả thù không?

Có nên trả thù không?

Người ta thường nói: “Trả thù cho hả dạ”. Đó là vì chúng ta cảm thấy phẫn nộ khi bị người khác làm hại hay xúc phạm. Vì bản chất con người biết phân biệt điều phải và trái, nên chúng ta đấu tranh để giành lại sự công bằng. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Trả thù có giải quyết được bất công không?

Sự xúc phạm có nhiều mức độ, từ việc bị tát, xô đẩy, đối xử thô lỗ cho đến chửi rủa, hành hung, cướp bóc... Dù bị xúc phạm ở mức độ nào đi nữa, bạn thường cảm thấy thế nào? Ngày nay, phản ứng thông thường của người ta là: “Tôi sẽ trả thù!”.

Tại trường học, một số học sinh trung học cơ sở ở Hoa Kỳ đã dựng chuyện tố cáo giáo viên để trả thù việc họ đã phạt chúng. Chủ tịch Hội giáo viên ở thành phố New Orleans là bà Brenda Mitchell nói: “Khi một vụ tố cáo được đưa ra, giáo viên ấy sẽ mất danh dự”. Ngay cả sau khi đã chứng minh điều đó là sai, danh tiếng giáo viên ấy vẫn bị tổn hại.

Tại sở làm, ngày càng có nhiều nhân viên bất bình tìm cách trả thù chủ của họ. Một số người thường phá hoại hoặc xóa những thông tin quan trọng trên mạng vi tính của công ty. Số khác thì ăn cắp tài liệu mật để bán hoặc cho công ty khác. Tờ New York Times cho biết ngoài cách hiện đại là ăn cắp các tập tin điện tử, “vẫn có những cách cổ điển để trả thù chủ là ăn cắp đồ đạc trong công ty”. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ này, nhiều công ty đã cho bảo vệ đi theo “hộ tống” nhân viên bị sa thải. Bảo vệ theo dõi cho đến khi nhân viên ấy dọn dẹp đồ đạc xong, rồi “tiễn” người đó ra đến cửa công ty.

Chúng ta thường trả đũa những người gần gũi nhất với mình, đó là bạn bè và người thân trong gia đình. Khi người khác nói hoặc hành động thiếu nhã nhặn với chúng ta, khuynh hướng chung là chúng ta muốn trả đũa. Nếu một người bạn nói lời xẳng xớm với bạn, bạn có đáp lại như vậy không? Nếu một người trong gia đình đối xử không tốt với bạn, bạn có tìm cách trả đũa không? Thật dễ để trả đũa, đặc biệt là đối với những người thân thiết với mình!

Hậu quả tai hại của việc trả thù

Những người tìm cách trả thù thường nghĩ điều đó sẽ giúp họ cảm thấy nguôi ngoai. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho chúng ta biết khi các con trai của tộc trưởng Gia-cốp biết Si-chem cưỡng hiếp em gái mình là Đi-na, họ “bèn nổi nóng và giận lắm” (Sáng-thế Ký 34:1-7). Để trả thù, hai con trai của Gia-cốp là Si-mê-ôn và Lê-vi đã lập mưu hại Si-chem và cả gia đình hắn. Họ dùng một thủ đoạn để có thể vào thành Ca-na-an và giết hết tất cả người nam, kể cả Si-chem.—Sáng-thế Ký 34:13-27.

Việc trả thù tàn khốc đó có giải quyết được vấn đề không? Khi Gia-cốp biết được điều hai con mình làm, ông khiển trách họ: “Bây xui cho tao bối-rối, làm cho dân xứ nầy... oán ghét tao vậy... Nếu họ hiệp lại đánh tao, thì chắc tao và nội nhà đều bị tàn-hại” (Sáng-thế Ký 34:30). Thật vậy, việc trả thù ấy không giải quyết được vấn đề mà còn làm tình hình tệ hơn. Gia đình Gia-cốp giờ đây sống trong cảnh phập phồng lo sợ các nước láng giềng tấn công. Dường như để giúp họ tránh rơi vào cảnh đó, Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Gia-cốp và cả gia đình ông đến vùng gọi là Bê-tên.—Sáng-thế Ký 35:1, 5.

Những sự kiện xoay quanh câu chuyện xảy đến với Đi-na cho chúng ta một bài học quan trọng. Trả thù thường dẫn đến trả thù, đó là một vòng lẩn quẩn, dai dẳng, đúng như một câu nói của người Việt: “Lấy oán báo oán, oán thêm chồng chất”.

Vòng hận thù dai dẳng

Cứ suy nghĩ đến cách trả thù người xúc phạm mình là điều có hại. Một cuốn sách nói về đề tài tha thứ và hòa giải (Forgiveness—How to Make Peace With Your Past and Get On With Your Life) cho biết: “Nếu bạn cứ nghĩ về chuyện đau buồn của quá khứ hoặc thầm nguyền rủa người hại bạn và tìm cách trả thù, thì cơn giận sẽ ám ảnh bạn, chiếm hết thời gian và lấy đi năng lực của bạn”. Kinh Thánh miêu tả “sự ghen-ghét là đồ mục của xương-cốt”.—Châm-ngôn 14:30.

Thật vậy, làm sao một người có thể vui vẻ nếu trong lòng chất chứa hận thù? Một tác giả viết sách về tôn giáo nhận xét: “Nếu bạn nghĩ “trả thù cho hả dạ”, hãy nhìn vào nét mặt của những người sống với sự hận thù suốt nhiều năm”.

Hãy xem điều gì đang xảy ra tại những nơi luôn ở trong tình trạng xung đột về sắc tộc và tôn giáo. Một vụ giết người thường dẫn đến sự trả thù, và điều đó trở thành một vòng hận thù, chết chóc không bao giờ chấm dứt. Chẳng hạn, khi bọn khủng bố thả bom làm mất mạng 18 thanh niên, một phụ nữ đau khổ đã hét lên: “Chúng phải bị trừng phạt gấp ngàn lần!”. Theo quan điểm đó, hậu quả là ngày càng có nhiều người lao vào việc trả thù và sự hung bạo cứ tăng lên.

“Mắt đền mắt”

Một số người dùng Kinh Thánh để bào chữa cho việc trả thù. Họ lý luận: “Chẳng phải Kinh Thánh nói “mắt đền mắt, răng đền răng” sao?” (Lê-vi Ký 24:20). Khi mới nghe, luật này có vẻ khuyến khích sự trả thù. Nhưng thật ra nó giúp kiềm chế những hành động trả thù. Như thế nào?

Nếu một người Y-sơ-ra-ên hành hung người đồng hương và móc mắt người đó, Luật Pháp Môi-se có hình phạt mang lại sự công bằng. Tuy nhiên, nạn nhân không phải là người thực thi hình phạt với người tấn công họ hoặc với gia đình của người đó. Luật Pháp quy định rằng nạn nhân phải trình vấn đề lên người có thẩm quyền, tức những quan án, để được xử lý cách thích đáng. Người cố ý hành hung người khác sẽ bị hình phạt tương xứng với tội mình. Biết được điều đó sẽ giúp nạn nhân tránh trả thù. Ngoài ra, cũng có luật khác liên quan đến điều này.

Trước khi đưa ra luật về sự trừng phạt nói trên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phán với dân Y-sơ-ra-ên qua ông Môi-se như sau: “Chớ có lòng ghen-ghét anh em mình... Chớ toan báo-thù, chớ giữ sự báo-thù” (Lê-vi Ký 19:17, 18). Thật vậy, luật “mắt đền mắt, răng đền răng” liên hệ với tất cả những điều luật khác của Luật Pháp Môi-se. Sau này, Chúa Giê-su đã đúc kết Luật Pháp trong hai điều răn: “Hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời” và “hãy yêu kẻ lân-cận như mình” (Ma-thi-ơ 22:37-40). Vậy, khi bị đối xử bất công, môn đồ thật của Chúa Giê-su phản ứng như thế nào?

Tìm cách hòa thuận

Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời bình-an” và khuyến khích những ai thờ phượng Ngài “tìm sự hòa-bình mà đuổi theo” (Hê-bơ-rơ 13:20; 1 Phi-e-rơ 3:11). Nhưng lời khuyên này có thực tế không?

Trong khi còn rao giảng trên đất, Chúa Giê-su đã bị nhổ vào mặt, đánh đập, bị kẻ thù bắt bớ, bạn thân phản bội và ngay cả các môn đồ thân cận bỏ rơi (Ma-thi-ơ 26:48-50; 27:27-31). Ngài phản ứng thế nào? Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình”.—1 Phi-e-rơ 2:23.

Ông Phi-e-rơ cũng cho biết: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (1 Phi-e-rơ 2:21). Thật vậy, các môn đồ của Chúa Giê-su nên noi theo gương ngài, ngay cả cách phản ứng của ngài khi bị ngược đãi. Chính Chúa Giê-su đã nói về điều này trong Bài giảng trên núi: “Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời”.—Ma-thi-ơ 5:44, 45.

Nếu bị đối xử bất công hoặc gặp những tình huống có vẻ như mình bị xúc phạm, những người thể hiện tình yêu thương giống Chúa Giê-su nên phản ứng thế nào? Châm-ngôn 19:11 nói: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận; và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm”. Họ cũng ghi nhớ lời khuyên sau: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô-ma 12:21). Thật là lời khuyên hoàn toàn tương phản với tinh thần trả thù phổ biến trong thế giới ngày nay! Tình yêu thương chân thật của môn đồ Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta kháng cự lại khuynh hướng muốn trả thù và rồi “bỏ qua tội phạm”. Thật thế, tình yêu thương “không ghi nhớ việc ác”.—1 Cô-rinh-tô 13:5, Bản Dịch Mới.

Vậy, điều này có nghĩa là khi bị đe dọa hoặc là nạn nhân của một tội ác, chúng ta cứ phải chịu đựng không? Không! Khi Phao-lô nói “lấy điều thiện thắng điều ác”, ông không có ý nói rằng môn đồ Chúa Giê-su hãy sẵn sàng tử vì đạo. Trái lại, khi bị tấn công, bạn hẳn có quyền để tự vệ. Nếu bạn hoặc tài sản của bạn bị xâm hại, bạn có thể gọi cảnh sát. Nếu bị một người nào đó ở sở làm hoặc trường học quấy nhiễu, bạn có thể nhờ chính quyền can thiệp.—Rô-ma 13:3, 4.

Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng có thể rất khó để có công lý trong thế gian hiện tại. Thật vậy, nhiều người đã dành cả đời để đi tìm công lý, nhưng điều họ nhận được chỉ là sự cay đắng và oán giận.

Sa-tan không muốn gì hơn là người ta chia rẽ nhau vì thù hằn và ganh ghét (1 Giăng 3:7, 8). Thật tốt hơn biết bao khi ghi nhớ những lời này của Kinh Thánh: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng” (Rô-ma 12:19). Khi trao vấn đề cho Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không phải rơi vào cảnh đau khổ, giận dữ và hành động hung bạo.—Châm-ngôn 3:3-6.

[Câu nổi bật nơi trang 22]

“Hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời” và “Hãy yêu kẻ lân-cận như mình”

[Các hình nơi trang 23]

Tình yêu thương “không ghi nhớ việc ác”.—1 Cô-rinh-tô 13:5, Bản Dịch Mới