Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chiến tranh có phù hợp với môn đồ Chúa Giê-su?

Chiến tranh có phù hợp với môn đồ Chúa Giê-su?

Chiến tranh có phù hợp với môn đồ Chúa Giê-su?

“Chiến tranh vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nào mà trở thành tội ác? Thật ra đó là khúc mắc chưa giải tỏa được”.​—Oliver O’Donovan, giáo sư về ngành đạo đức học của Ki-tô giáo.

Một bức tranh được đặt tên là Sacrifice (Hy sinh) lấy cảm hứng từ Thế Chiến I và được trưng bày ở Bảo tàng Chiến tranh Canada. Nó miêu tả cảnh các quân dân bị giết và những chiến sĩ sống sót trở về cùng gia đình của họ nơi quê nhà. Trong tranh, phía trên cảnh đó có hình Chúa Giê-su bị treo trên thánh giá. Một số người xem tranh đã sửng sốt khi thấy Chúa Giê-su, “Chúa Bình-an”, được vẽ gần cảnh chiến tranh thế tục như thế (Ê-sai 9:5). Những người khác thì biết ơn sự hy sinh của các chiến sĩ đồng hương, cũng như cảm thấy Đức Chúa Trời và Con Ngài muốn các môn đồ phải chiến đấu bảo vệ nền an ninh và tự do của đất nước.

Suốt nhiều thế kỷ qua, các nhà lãnh đạo tôn giáo thường giảng về việc ủng hộ chiến tranh. Vào năm 417 công nguyên, nhà thần học Augustine viết: “Không nên nghĩ rằng những ai đi lính, cầm vũ khí là không được Thiên Chúa chấp nhận... Có những người đang cầu nguyện để đấu tranh với kẻ thù vô hình nhằm bảo vệ bạn, cùng lúc đó bạn chiến đấu với những kẻ thù man rợ trước mắt vì lợi ích của họ”. Vào thế kỷ 13, ông Thomas Aquinas giải thích rằng “chiến tranh là hợp pháp và công bình miễn sao nó bảo vệ cho người nghèo và cả đất nước khỏi sự lừa gạt của kẻ thù”.

Bạn nghĩ sao? Khi người ta gây chiến vì lý do dường như cao thượng—bảo vệ tự do hoặc giải phóng đất nước khỏi ách áp bức—liệu có được Đức Chúa Trời ban phước không? Những ai là môn đồ Chúa Giê-su nên dựa vào “tiêu chuẩn đạo đức” nào để hiểu đúng ý muốn của Đức Chúa Trời về vấn đề này?

Gương mẫu của Chúa Giê-su

Chúng ta có thể biết ý muốn của Đức Chúa Trời về một vấn đề phức tạp như chiến tranh không? Sứ đồ Phao-lô cũng từng thắc mắc như chúng ta: “Ai đã biết ý Chúa, đặng dạy-dỗ Ngài? Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ” (1 Cô-rinh-tô 2:16). Theo câu này, để giúp chúng ta biết ý muốn Ngài, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cho Chúa Giê-su xuống đất để trở thành đấng nêu gương cho chúng ta. Những điều Chúa Giê-su nói và làm phản ảnh suy nghĩ và đường lối của chính Đức Giê-hô-va. Vậy, Chúa Giê-su đã nói gì về chiến tranh? Lập trường của ngài là gì?

Dường như lý do chính đáng nhất để cầm vũ khí chiến đấu là vì bảo vệ Chúa Giê-su. Một sứ đồ của Chúa Giê-su đã nghĩ như vậy. Khi Chúa Giê-su bị phản bội và bị đám đông mang vũ khí đến bắt ngài vào giữa đêm khuya, bạn ngài là Phi-e-rơ đã “giơ tay rút gươm ra, đánh đầy-tớ của thầy cả thượng-phẩm, chém đứt một cái tai của người”. Ông hành động như thế có đúng không? Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm”.—Ma-thi-ơ 26:47-52.

Phản ứng của Chúa Giê-su không có gì đáng ngạc nhiên. Hai năm trước, Chúa Giê-su đã nói với các môn đồ: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân-cận, và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác” (Ma-thi-ơ 5:43-45). Nếu một môn đồ của Chúa Giê-su yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù thì có thể nào gây chiến với kẻ thù không?

Lịch sử cho biết các môn đồ Chúa Giê-su có nhiều kẻ thù. Chẳng hạn, người La Mã đã tuyên án tử hình Chúa Giê-su. Hơn nữa, không lâu sau, chỉ xưng mình là môn đồ Chúa Giê-su cũng bị xem là một tội ác đáng bị xử tử. Vì thế, Chúa Giê-su báo trước rằng các môn đồ ngài có thể cảm thấy bị buộc phải cầm vũ khí và chống lại ách đô hộ của La Mã, như một số người Do Thái khác đã làm. Tuy nhiên, ngài nói về các môn đồ: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian” (Giăng 17:16). Môn đồ Chúa Giê-su chọn giữ trung lập về chính trị. Dù bản thân hoặc đất nước gặp sự bất công hay bị đe dọa, thì đó cũng không phải là lý do để tham gia chiến tranh.

Những người ủng hộ Nước Trời

Môn đồ chân chính của Chúa Giê-su đã giữ trung lập về chính trị theo ý muốn của ngài. Hãy xem điều gì đã xảy ra tại Y-cô-ni, một thành phố cổ ở Tiểu Á. Kinh Thánh ghi lại: “Khi những người ngoại và người Giu-đa cùng các quan mình nổi lên đặng hà-hiếp và ném đá [Phao-lô và Ba-na-ba], thì hai sứ-đồ đã biết trước, bèn trốn-tránh trong các thành xứ Ly-cao-ni, là thành Lít-trơ, thành Đẹt-bơ, và miền chung-quanh đó, mà giảng [tin mừng]” (Công-vụ 14:5-7). Hãy lưu ý rằng khi bị chống đối một cách thô bạo, các môn đồ của Chúa Giê-su đã không cầm vũ khí để tự vệ hoặc đánh trả. Trái lại, họ tiếp tục rao giảng về tin mừng. Đó là tin mừng gì?

Các môn đồ Chúa Giê-su cũng có cùng thông điệp như ngài. Chúa Giê-su phán: “Ta cũng phải rao [tin mừng] của nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 4:43). Chúa Giê-su và các môn đồ ngài ủng hộ Nước của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ngài chưa bao giờ dùng lực lượng vũ trang để bảo vệ nước ấy. Ngài cho biết: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế-gian nầy, thì tôi-tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ-giới”.—Giăng 18:36.

‘Các ngươi hãy yêu nhau’

Trung lập trong thời chiến là dấu hiệu của sự thờ phượng thật. Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Hàng triệu người đã tìm thấy một đoàn thể bày tỏ tình yêu thương như thế dù bị chế giễu, bỏ tù hoặc tử hình vì từ chối mang vũ khí.

Ở Châu Âu, vào thời Đức Quốc Xã cai trị, chính quyền đã bắt giam khoảng 10.000 Nhân Chứng Giê-hô-va vì họ giữ trung lập. Trong đó có 3.000 người bị đưa vào các trại tập trung. Cùng giai đoạn ấy, hơn 4.300 Nhân Chứng ở Hoa Kỳ cũng bị bắt giam vì từ chối đi quân dịch. Dù là Nhân Chứng ở Đức hay Hoa Kỳ, họ cũng không cầm vũ khí chống lại anh em Nhân Chứng hoặc bất cứ ai khác. Làm sao họ có thể nói yêu thương anh em và người đồng loại mà lại cầm vũ khí tham gia chiến tranh?

Nhiều người cảm thấy chiến tranh là điều cần thiết để bảo vệ mình. Nhưng hãy nghĩ xem: Dù các môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu bị bắt bớ một cách tàn bạo nhưng họ không đánh trả. Cuối cùng họ vẫn sống sót. Đế quốc La Mã hùng mạnh không thể tiêu diệt đạo thật của Đức Chúa Trời. Ngày nay, các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su vẫn phát triển và tiếp tục giữ trung lập về chính trị. Thay vì chiến đấu để bảo vệ mình, họ tin cậy nơi sự trợ giúp của Đức Chúa Trời. Lời Ngài là Kinh Thánh nói: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”.—Rô-ma 12:19.

[Khung nơi trang 30]

NHỮNG CUỘC CHIẾN ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ BAN PHƯỚC

Từ nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giê-su thiết lập đạo thật trên đất, nước Y-sơ-ra-ên xưa là quốc gia duy nhất được Đức Chúa Trời chọn. Đôi khi nước này có quyền tập hợp quân đội để đánh trận. Trước khi vào xứ Ca-na-an, vùng đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho ông Áp-ra-ham, dân Y-sơ-ra-ên được báo trước: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã phó [bảy dân] ấy cho, và ngươi đánh bại chúng, thì phải diệt hết chúng đi, chớ lập giao-ước cùng, và cũng đừng thương-xót lấy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:1, 2). Vì thế, tướng của dân Y-sơ-ra-ên là Giô-suê đã đánh bại những nước thù nghịch này “y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã truyền dặn”.—Giô-suê 10:40.

Có phải đó là những cuộc chiến tàn bạo và dân Y-sơ-ra-ên đã tham lam chinh phục các nước láng giềng không? Hoàn toàn không. Các nước này đầy dẫy hình tượng, giết người và làm điều vô luân đồi bại. Thậm chí họ giết trẻ em để tế thần (Dân-số Ký 33:52; Giê-rê-mi 7:31). Vì là Đấng thánh khiết, công bình và yêu thương dân Ngài, nên Đức Giê-hô-va phải loại trừ sự xấu xa khỏi vùng đất đó. Dù vậy, Ngài vẫn thấy được lòng của mọi người và giải cứu những ai sẵn sàng từ bỏ đường lối gian ác để thờ phượng Ngài. Đó là điều mà không một nhà chỉ huy quân sự nào có thể làm được ngày nay.

[Hình nơi trang 31]

Chúa Giê-su có muốn các môn đồ chiến đấu để bảo vệ ngài hoặc các anh em đồng đạo không?

[Hình nơi trang 31]

Một nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va sau khi được giải thoát khỏi trại tập trung Buchenwald, Đức, vào năm 1945