Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giải pháp cho các vấn đề thường gặp

Giải pháp cho các vấn đề thường gặp

Giải pháp cho các vấn đề thường gặp

Kinh Thánh không nói rằng vợ chồng sẽ không gặp vấn đề. Lời của Đức Chúa Trời (Thượng Đế) cho biết vợ chồng “sẽ có sự khó-khăn” (1 Cô-rinh-tô 7:​28). Tuy nhiên, hôn nhân sẽ có ít vấn đề và nhiều niềm vui nếu cả hai vợ chồng đều nỗ lực. Hãy xem sáu vấn đề thường gặp trong cuộc sống hôn nhân, và những nguyên tắc Kinh Thánh có thể áp dụng.

1

VẤN ĐỀ:

“Vợ chồng tôi như hai người xa lạ”.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

‘Hãy nhận biết những điều quan trọng hơn’.​PHI-LÍP 1:​10, NW.

Hôn nhân của bạn là một trong những điều quan trọng nhất trong đời sống. Nó đáng được ưu tiên. Vì thế, hãy xem lại thời gian biểu của bạn. Đừng để những công việc thường nhật khiến bạn và người hôn phối ngày càng xa nhau. Dĩ nhiên, việc làm và những hoàn cảnh bất đắc dĩ có thể khiến vợ chồng bạn có ít thời gian bên nhau. Nhưng có những điều mà bạn có thể và nên kiểm soát, như thời gian dành cho những sở thích riêng hoặc bạn bè.

Một số người làm thêm việc hoặc theo đuổi sở thích riêng để lánh mặt người hôn phối. Các cặp vợ chồng này xa nhau không phải do vô tình nhưng muốn trốn tránh một vấn đề nào đó. Nếu bạn và người hôn phối rơi vào tình trạng ấy, bạn cần tìm ra vấn đề và giải quyết. Chỉ khi nào dành thời gian cho nhau, thì cả hai mới ngày càng gắn bó và thật sự ‘trở nên một thịt’.​—Sáng-thế Ký 2:​24.

Kinh nghiệm áp dụng: Anh Andrew * và chị Tanji, cặp vợ chồng người Úc, đã kết hôn mười năm. Anh nói: “Tôi nhận ra là lao đầu vào công việc và có quá nhiều mối giao tiếp có thể gây nguy hại cho hôn nhân. Vì thế, vợ chồng tôi dành thời gian nói chuyện và cùng nhau chia sẻ cảm nghĩ”.

Anh Dave và chị Jane, sống ở Hoa Kỳ, đã kết hôn được 22 năm. Họ dành nửa giờ đầu tiên mỗi buổi tối để tâm tình cùng nhau. Chị cho biết: “Đó là khoảng thời gian rất quan trọng nên chúng tôi không để điều gì xen vào”.

2

VẤN ĐỀ:

“Hôn nhân không như tôi mong đợi”.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”.​1 CÔ-RINH-TÔ 10:24.

Nếu một người luôn chú tâm đến việc mình sẽ nhận được gì trong hôn nhân thì không bao giờ thật sự hạnh phúc, dù người ấy tái hôn nhiều lần. Hôn nhân chỉ thành công khi mỗi người chú trọng đến việc “cho” thay vì “nhận” vì Chúa Giê-su nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.​—Công-vụ 20:35.

Kinh nghiệm áp dụng: Chị Maria và Anh Martin, sống ở Mexico, kết hôn được 39 năm. Đời sống hôn nhân của họ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có một lần họ gặp vấn đề lớn. Chị nhớ lại: “Trong lần cãi lộn dữ dội, tôi đã buông ra lời xúc phạm chồng. Anh rất tức giận. Tôi cố gắng giải thích tôi không có ý đó, chẳng qua vì bực tức nên mới nói vậy, nhưng anh không nghe”. Anh Martin nói: “Trong lần đó, tôi nghĩ chúng tôi không thể sống với nhau nữa và tôi muốn buông xuôi”.

Anh Martin ước muốn được vợ tôn trọng. Còn chị Maria thì khao khát được chồng hiểu mình. Nhưng chẳng ai nhận được điều mình muốn.

Họ giải quyết vấn đề như thế nào? Anh Martin cho biết: “Tôi đợi khi bình tĩnh trở lại, rồi chúng tôi thống nhất áp dụng lời Kinh Thánh khuyên là phải đối xử với nhau cách nhân từ và tôn trọng. Qua năm tháng, chúng tôi nhận ra rằng dù bao nhiêu vấn đề xảy ra, chúng tôi đều vượt qua được nhờ cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh”.​—Ê-sai 48:17, 18; Ê-phê-sô 4:​31, 32.

3

VẤN ĐỀ:

“Người hôn phối của tôi thiếu trách nhiệm”.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”.​RÔ-MA 14:12.

Hôn nhân sẽ không hạnh phúc khi chỉ có một người nỗ lực. Nhưng nếu cả hai đều thờ ơ, đổ lỗi cho nhau thì còn tồi tệ hơn.

Nếu chỉ để ý đến những thiếu sót của người hôn phối, bạn sẽ rất khổ sở. Nhưng nếu dựa vào đó như một cái cớ để mình không làm tròn trách nhiệm, bạn càng khổ sở hơn. Trái lại, khi bạn chu toàn bổn phận thì hôn nhân sẽ được cải thiện (1 Phi-e-rơ 3:​1-3). Quan trọng hơn hết, khi làm thế bạn cho thấy mình tôn trọng sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về hôn nhân và làm Ngài hài lòng.​—1 Phi-e-rơ 2:​19.

Kinh nghiệm áp dụng: Vợ chồng chị Kim sống ở Hàn Quốc và kết hôn được 38 năm. Chị nói: “Lâu lâu chồng tôi giận và không nói chuyện, tôi không biết lý do anh giận tôi. Khi thấy chồng không muốn nói chuyện, tôi nghĩ anh không còn thương tôi. Đôi khi tôi tự hỏi: “Tại sao anh đòi mình hiểu ý của anh, còn anh không chịu hiểu cảm xúc của mình?” ”.

Thay vì nghĩ như vậy là bất công và luôn để ý đến thiếu sót của chồng, chị Kim đã chọn cách ứng xử khác: “Tôi nhận thấy chủ động làm hòa tốt hơn là cứ ấm ức trong lòng. Kết quả là cả hai đều bình tĩnh trở lại và có thể nói rõ vấn đề với nhau cách tử tế”.​—Gia-cơ 3:​18.

4

VẤN ĐỀ:

“Vợ tôi lấn quyền”.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Đấng Christ [Ki-tô] là đầu mọi người”.​1 CÔ-RINH-TÔ 11:3.

Khi người chồng cảm thấy vợ lấn quyền, trước tiên anh cần xem xét chính mình có vâng phục đấng làm đầu của mình là Chúa Giê-su Christ chưa. Một người chồng vâng phục Chúa Giê-su bằng cách noi gương ngài.

Kinh Thánh khuyên: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:​25). Chúa Giê-su không bắt các môn đồ “phải phục mình” (Mác 10:42-​44). Ngài đưa ra lời hướng dẫn rõ ràng và khuyên bảo họ khi cần thiết. Ngài không bao giờ khắt khe nhưng đối xử tử tế và hiểu giới hạn của họ (Ma-thi-ơ 11:29, 30; Mác 6:​30, 31; 14:37, 38). Ngài luôn đặt lợi ích của họ lên trên.​—Ma-thi-ơ 20:25-​28.

Người chồng nên tự hỏi: “Quan điểm của tôi về vai trò làm chồng và về phụ nữ bị ảnh hưởng bởi phong tục, hay bởi những lời khuyên và tấm gương trong Kinh Thánh?”. Chẳng hạn, bạn nghĩ sao về một người vợ tế nhị bày tỏ quan điểm khi bất đồng ý kiến với chồng? Trong Kinh Thánh, bà Sa-ra, vợ của Áp-ra-ham, là gương mẫu về việc tôn trọng chồng (1 Phi-e-rơ 3:​1, 6). Thế nhưng, khi cần thiết, bà vẫn bày tỏ quan điểm. Ví dụ, khi Áp-ra-ham không thấy được các mối nguy hiểm đe dọa gia đình, bà đã lên tiếng.​—Sáng-thế Ký 16:5; 21:​9-​12.

Rõ ràng, Áp-ra-ham không phải là người chồng gia trưởng khiến Sa-ra sợ hãi, không dám nói gì. Tương tự thế, một người chồng áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh sẽ không dọa nạt và bắt vợ răm rắp nghe theo. Khi làm vai trò dẫn đầu cách yêu thương, anh sẽ được vợ đáp lại bằng sự tôn trọng.

Kinh nghiệm áp dụng: Anh James sống ở Anh Quốc, kết hôn được tám năm, cho biết: “Tôi cố gắng hỏi ý kiến vợ trước khi quyết định điều gì quan trọng. Thay vì nghĩ về mình, tôi tìm cách đặt lợi ích của vợ lên trên”.

Anh George sống ở Hoa Kỳ, kết hôn được 59 năm. Anh cho biết: “Tôi luôn xem vợ là trợ thủ thông minh và đắc lực, chứ không phải như người “dưới cơ” mình”.​—Châm-ngôn 31:10.

5

VẤN ĐỀ:

“Chồng tôi thụ động”.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Người nữ khôn-ngoan xây-cất nhà mình; song kẻ ngu-dại lấy tay mình mà phá-hủy nó đi”.​CHÂM-NGÔN 14:1.

Nếu chồng bạn chưa mạnh dạn trong các quyết định hoặc không làm đúng vai trò người chủ gia đình, bạn có ba sự lựa chọn: (1) Lúc nào cũng trách móc chồng; (2) lấn lướt chồng; (3) thật lòng khen chồng vì những cố gắng của anh. Nếu chọn hai cách đầu, bạn sẽ tự tay phá hủy mái ấm gia đình. Nếu chọn cách thứ ba, bạn sẽ xây dựng và củng cố mái nhà chung.

Đối với nhiều người nam, được tôn trọng quan trọng hơn được yêu thương. Vì thế, nếu bạn làm cho chồng cảm thấy anh được tôn trọng, tức là anh cảm thấy rằng những nỗ lực của mình trong việc dẫn đầu mang lại kết quả và được nhìn nhận, chắc hẳn anh sẽ làm tốt hơn vai trò của mình. Dĩ nhiên, đôi lúc bạn sẽ bất đồng ý kiến với chồng nên vợ chồng bạn cần bàn bạc với nhau (Châm-ngôn 18:13). Khi ấy, lời nói và giọng điệu của bạn có thể khiến hôn nhân được củng cố hoặc bị rạn nứt (Châm-ngôn 21:9; 27:15). Vậy, hãy bày tỏ ý kiến cách tôn trọng, bạn sẽ đạt được điều mình kỳ vọng: Chồng bạn sẽ tự tin hơn trong việc làm chủ gia đình.

Kinh nghiệm áp dụng: Chị Michele, sống ở Hoa Kỳ, kết hôn được 30 năm. Chị nói: “Mẹ tôi đơn thân nuôi dạy tôi và hai em gái, nên mẹ là người bản lĩnh và quyết đoán. Tính tình tôi giống mẹ, vì thế tôi phải luôn cố gắng tôn trọng vai trò của chồng. Chẳng hạn, tôi phải tập thói quen hỏi ý kiến chồng thay vì tự ý quyết định”.

Chị Rachel, sống ở Úc, kết hôn với anh Mark được 21 năm. Chị bị ảnh hưởng bởi môi trường gia đình. Chị nhớ lại: “Mẹ luôn lấn quyền cha, nên các cuộc cãi lộn và chửi bới diễn ra như cơm bữa. Đến khi có chồng, tôi bắt chước mẹ. Tuy nhiên, qua năm tháng, tôi nhận thấy được giá trị của việc áp dụng lời Kinh Thánh khuyên là nên tôn trọng nhau. Giờ đây, vợ chồng tôi hạnh phúc hơn”.

6

VẤN ĐỀ:

“Chồng (vợ) tôi có những tật khiến tôi chịu hết nổi”.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau.​CÔ-LÔ-SE 3:​13.

Thời tìm hiểu nhau, bạn thường chú ý đến những ưu điểm mà ít quan tâm đến những tật xấu của người yêu. Bây giờ bạn có làm thế không? Dù có lý do để phàn nàn, nhưng hãy tự hỏi: “Tôi chú tâm vào ưu điểm hay khuyết điểm của người hôn phối?”.

Chúa Giê-su đưa ra minh họa rất hay cho thấy chúng ta cần bỏ qua những thiếu sót của người khác. Ngài nói: “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?” (Ma-thi-ơ 7:3). Cái rác có thể là một cọng cỏ nhỏ, còn cây đà là thanh gỗ lớn dùng để đỡ mái nhà. Ý Chúa Giê-su là gì? “Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được”.​—Ma-thi-ơ 7:​5.

Trước khi nói minh họa này, Chúa Giê-su đưa ra lời cảnh báo đáng suy nghĩ: “Đừng đoán-xét ai, để mình khỏi bị đoán-xét. Vì các ngươi đoán-xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán-xét lại thể ấy” (Ma-thi-ơ 7:​1, 2). Nếu bạn muốn Đức Chúa Trời bỏ qua lỗi lầm của mình, tựa như cây đà trong mắt, bạn cần bỏ qua lỗi lầm của người hôn phối.​—Ma-thi-ơ 6:​14, 15.

Kinh nghiệm áp dụng: Chị Jenny sống ở Anh Quốc, kết hôn với anh Simon được chín năm. Chị nói: “Điều thường làm tôi bực bội là chồng tôi không lên kế hoạch trước. Anh luôn đợi nước đến chân mới nhảy. Thật nực cười vì lúc còn tìm hiểu nhau, chính sự hồn nhiên vô tư của anh đã thu hút tôi. Nhưng tôi biết mình cũng có khuyết điểm là đối xử với anh như bà chủ. Vì vậy, cả hai chúng tôi phải tập bỏ qua những thiếu sót của nhau”.

Anh Curt, chồng của chị Michele được đề cập ở trên, nói: “Nếu cứ để ý đến những khuyết điểm của người hôn phối, bạn sẽ thấy những khuyết điểm đó ngày càng lớn. Thế nên, tôi chú tâm vào những đức tính mà trước kia khiến tôi yêu Michele”.

Bí quyết thành công

Kinh nghiệm của các anh chị trên cho thấy vợ chồng nào cũng có lúc gặp vấn đề, nhưng đều có thể vượt qua. Bí quyết để thành công là gì? Đó là vun trồng tình yêu thương với Đức Chúa Trời và cố gắng áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh.

Anh Alex và chị Itohan sống ở Nigeria, kết hôn hơn 20 năm, đã học được bí quyết trên. Anh nói: “Tôi nhận thấy hầu hết các vấn đề trong hôn nhân đều giải quyết được nếu hai vợ chồng cùng làm theo các nguyên tắc Kinh Thánh”. Vợ anh cũng cho biết: “Chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc đều đặn cầu nguyện chung, và áp dụng lời Kinh Thánh khuyên là thành thật yêu thương cũng như kiên nhẫn với nhau. Giờ đây, chúng tôi gặp ít vấn đề hơn lúc mới kết hôn”.

Bạn có muốn biết thêm về lời khuyên thực tiễn trong Kinh Thánh hầu mang lại lợi ích cho gia đình không? Nếu có, hãy gặp Nhân Chứng Giê-hô-va để thảo luận chương 14 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? *.

[Chú thích]

^ đ. 10 Một số tên đã được đổi.

^ đ. 63 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 4]

Vợ chồng tôi có dành thời gian cho nhau không?

[Hình nơi trang 5]

Tôi có cố gắng “cho” hay chỉ “nhận”?

[Hình nơi trang 6]

Tôi có chủ động làm hòa không?

[Hình nơi trang 7]

Tôi có hỏi ý kiến vợ trước khi quyết định không?

[Hình nơi trang 9]

Tôi có chú tâm đến ưu điểm của người hôn phối không?