Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bàn thờ “Chúa Không Biết” mà sứ đồ Phao-lô thấy ở thành A-thên là gì?—Công vụ 17:23.

Một số tác giả người Hy Lạp cổ đại đã nói về loại bàn thờ như vậy. Chẳng hạn, nhà sử học và địa lý học sống vào thế kỷ thứ hai công nguyên (CN) là ông Pausanias cho biết ở Olympia có “một bàn thờ của các thần Không Biết”. Còn nhà diễn thuyết và triết học Philostratus nói người thành A-thên “thậm chí còn dựng nên các bàn thờ để tỏ lòng thành kính với những thần không biết”.

Tác giả sống vào thế kỷ thứ ba CN là ông Diogenes Laertius thuật lại một truyền thống giải thích nguồn gốc của “những bàn thờ vô danh”. Tương truyền rằng vào thế kỷ thứ sáu hoặc thứ bảy trước công nguyên, một người tên Epimenides đã tẩy sạch một bệnh dịch khỏi thành A-thên. Ông Diogenes viết: “Ông ta [Epimenides] bắt cừu... và đưa chúng đến A-rê-ô-ba; tại đó ông thả chúng đi nơi nào chúng muốn, rồi chỉ cho những người đi theo chúng đánh dấu những chỗ mỗi con cừu nằm xuống và dâng lễ vật tế thần tại những chỗ đó. Họ nói nhờ cách này mà dịch bệnh không còn. Do đó, đến tận ngày nay vẫn có thể tìm thấy những bàn thờ không có khắc tên ở những nơi khác nhau tại Attica”.

Cuốn Từ điển Kinh Thánh Anchor (The Anchor Bible Dictionary) cho biết lý do khác người ta dựng nên những bàn thờ thần không biết là vì “sợ rằng nếu bỏ bê việc thờ phượng một số thần không biết thì sẽ không được thần ban phước, hoặc phải gánh chịu cơn thịnh nộ của thần”.

Tại sao người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất khinh thường những người thu thuế?

Người ta thường không thích những người thu thuế. Vào thế kỷ thứ nhất ở Y-sơ-ra-ên, họ bị xếp ngang với hạng người đáng khinh và đồi bại nhất.

Nhà cầm quyền La Mã đánh thuế nặng trên dân chúng. Các viên chức La Mã thu thuế đất và thuế thân, nhưng họ chỉ định người đấu giá cao nhất để thu các thuế về xuất nhập khẩu và thuế đánh trên những hàng hóa được nhập vào để bán sang nước khác. Nhờ thế, những thương gia địa phương mua quyền được thu thuế ở những vùng cố định. Những người thu thuế làm người Do Thái đồng hương hết sức bực tức vì đã chấp nhận làm công cụ của người La Mã đáng ghét. Theo cuốn Cyclopædia của M’Clintock và Strong, họ bị coi là “lũ phản quốc và bội đạo, bị nhuốc nhơ vì thường giao du với những kẻ ngoại giáo”.

Những người thu thuế mang tiếng là bất lương vì họ làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người đồng hương. Một số người định giá hàng hóa cao hơn giá trị thực tế để bỏ túi riêng tiền chênh lệch, số khác thì dùng những lời vu khống để tống tiền người nghèo (Lu-ca 3:13; 19:8). Hậu quả là những người thu thuế bị xem không khác gì những kẻ có tội, và theo The Jewish Encyclopedia, họ “không đủ tư cách để làm quan án hay thậm chí làm nhân chứng”.—Ma-thi-ơ 9:10, 11.

[Hình nơi trang 18]

Một bàn thờ thần không biết, tàn tích của Bẹt-găm, Thổ Nhĩ Kỳ

[Hình nơi trang 18]

Một người thu thuế làm việc cho người La Mã, vào thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 công nguyên

[Nguồn tư liệu]

Erich Lessing/Art Resource, NY