Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

“Nơi xét xử” mà sứ đồ Phao-lô bị giải đến là gì?

Lời tường thuật nơi Công vụ 18:12, 13 cho biết những người Do Thái tại thành Cô-rinh-tô cáo buộc rằng Phao-lô đã khiến người khác cải đạo một cách phi pháp, họ dẫn ông đến “nơi xét xử”, hay beʹma (một từ Hy Lạp nghĩa là “bục”). Thành Cô-rinh-tô xưa có một bệ cao ngoài trời gần trung tâm của khu chợ và có thể chỉ cách nhà hội vài bước chân. Vị trí của bệ cho phép người ta lên đó để nói với đám đông. Bệ được xây bằng cẩm thạch xanh trắng, được trang hoàng lộng lẫy bởi những nét chạm trổ tinh xảo. Nối liền với bệ là hai phòng chờ có các băng ghế bằng cẩm thạch và sàn được khảm.

Dường như bệ này là “nơi xét xử” mà Phao-lô bị giải đến trước Ga-li-ô, quan tổng đốc tỉnh A-chai của La Mã. Khi ngồi trên ghế xử án, người có chức quyền có thể nghe các vụ kiện tụng và truyền các phán quyết của họ cho đám đông đang đứng trước mặt.

Tại các thành của Hy Lạp, đám đông thường nhóm lại trước beʹma, nơi giải quyết các vụ việc dân sự. Trong những lời tường thuật về vụ xét xử Chúa Giê-su, từ Hy Lạp nơi Ma-thi-ơ 27:19 và Giăng 19:13 đều cho thấy Bôn-xơ Phi-lát nói với đám đông khi ông ngồi trên beʹma.—So sánh Công vụ 12:21.

Tại sao một số người Do Thái bị vấp ngã khi thấy cách Chúa Giê-su chết?

Sứ đồ Phao-lô nói về môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu: “Chúng ta giảng rằng Đấng Ki-tô bị đóng đinh, đó là cớ gây vấp ngã cho người Do Thái và là sự ngu dại đối với các dân khác” (1 Cô-rinh-tô 1:23). Tại sao cách Chúa Giê-su chết khiến một số người bị vấp ngã?

Về cách Chúa Giê-su chết và văn hóa của người sống ở Trung Đông vào thế kỷ thứ nhất, nhà bình luận Kinh Thánh là ông Ben Witherington III nói rằng đó là “điều nhục nhã nhất vào thuở ấy. Cái chết đó không được xem là một cái chết danh giá”. Ông Witherington cho biết thêm: “Trong xã hội ấy, người ta nghĩ rằng cách một người chết cho thấy rõ họ là loại người nào. Dựa trên cơ sở đó, Chúa Giê-su là một tên vô lại, một kẻ phạm tội phản quốc, một người đáng phải chịu hình phạt dành cho nô lệ nổi loạn”. Căn cứ vào nền văn hóa đó, thật không hợp lý khi cho rằng môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu đã bịa đặt về cái chết và sự sống lại của ngài.