Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Khi anh em cầu nguyện, hãy nói như vầy: ‘Lạy Cha’”

“Khi anh em cầu nguyện, hãy nói như vầy: ‘Lạy Cha’”

“Khi anh em cầu nguyện, hãy nói như vầy: ‘Lạy Cha’”

“Cha”. Từ này gợi lên hình ảnh nào trong trí bạn? Một người đàn ông yêu thương, trìu mến, quan tâm sâu xa đến lợi ích của gia đình? Hay một người vô trách nhiệm, có lẽ còn thô bạo? Điều này tùy thuộc vào việc cha bạn là người như thế nào.

“Cha” là tiếng mà Chúa Giê-su thường gọi khi nói với Đức Chúa Trời hoặc nhắc đến ngài *. Lúc dạy môn đồ cầu nguyện, Chúa Giê-su nói: “Khi anh em cầu nguyện, hãy nói như vầy: ‘Lạy Cha’” (Lu-ca 11:2). Nhưng Đức Giê-hô-va là người cha thế nào? Lời giải đáp cho thắc mắc này quan trọng vô cùng. Tại sao? Vì càng hiểu về cách Đức Giê-hô-va thực hiện vai trò làm cha, chúng ta càng đến gần và yêu mến ngài hơn.

Không ai có thể cho chúng ta biết về Cha trên trời tốt hơn Chúa Giê-su. Ngài có mối quan hệ gần gũi với Cha. Chúa Giê-su khẳng định: “Không ai biết rõ về Con, ngoại trừ Cha; và cũng không ai biết rõ về Cha, ngoại trừ Con và người nào mà Con muốn cho biết” (Ma-thi-ơ 11:27). Do đó, cách tốt nhất để biết về Cha là qua Con.

Qua Chúa Giê-su, chúng ta học được gì về Cha trên trời? Hãy xem lời này của Chúa Giê-su: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến độ đã ban Con một của ngài cho họ, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà được sống đời đời” (Giăng 3:16). Lời này của Chúa Giê-su cho thấy rõ đức tính nổi trội của Cha trên trời, đó là tình yêu thương (1 Giăng 4:8). Đức Giê-hô-va biểu lộ tình yêu thương của ngài qua nhiều cách, chẳng hạn như qua sự hài lòng, lòng trắc ẩn, sự che chở, sự sửa dạy, cũng như qua việc chăm lo cho những nhu cầu của chúng ta.

Vững tâm vì biết Cha hài lòng

Người con sẽ được vững vàng và khích lệ hơn nếu biết mình làm cha mẹ hài lòng. Hãy tưởng tượng Chúa Giê-su hẳn được khích lệ biết bao khi nghe Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của ta, người làm hài lòng ta” (Ma-thi-ơ 3:17). Chúa Giê-su cũng trấn an chúng ta rằng Cha yêu thương và hài lòng về chúng ta. Ngài nói: “Ai yêu thương tôi sẽ được Cha tôi yêu thương lại” (Giăng 14:21). Thật an ủi làm sao! Thế nhưng, có kẻ lại muốn cướp đi niềm an ủi đó của bạn.

Sa-tan cố gieo vào trí chúng ta mối nghi ngờ về sự hài lòng của Cha trên trời. Hắn tìm cách thuyết phục chúng ta rằng chúng ta không xứng đáng. Hắn thường làm thế khi chúng ta yếu đuối nhất—do tuổi già, bệnh tật hoặc bị đè nặng bởi những vấp ngã cũng như thất vọng. Hãy xem trường hợp của anh Lucas, người từng cảm thấy không xứng đáng được Đức Chúa Trời chấp nhận, hay hài lòng. Anh Lucas kể lại là khi anh ở tuổi thiếu niên, cha mẹ anh đã thay đổi rất nhiều, họ từ bỏ những giá trị đạo đức mà họ đã dạy anh. Có lẽ vì thế mà anh thấy khó đến gần Cha trên trời. Thêm vào đó, vì tính khí bốc đồng nên anh Lucas thường gặp trở ngại, nhất là trong mối quan hệ với người khác. Tuy nhiên, vợ anh là người biết kiên nhẫn và động viên—người mà anh gọi là “một phước lành, một món quà từ Đức Chúa Trời”—đã giúp anh dần dần kiểm soát tính bốc đồng. Anh Lucas nhận ra là “Đấng Ki-tô Giê-su đã đến thế gian để cứu những kẻ tội lỗi” (1 Ti-mô-thê 1:15). Anh cho biết rằng suy ngẫm về việc được Đức Chúa Trời yêu thương và hài lòng đã giúp anh cảm thấy hạnh phúc và thỏa nguyện.

Nếu có lúc thấy nghi ngờ liệu Đức Giê-hô-va có thể yêu thương hay hài lòng về mình không, bạn có thể đọc và suy ngẫm Rô-ma 8:31-39 để được khích lệ. Nơi đó, sứ đồ Phao-lô trấn an chúng ta rằng không gì có thể “ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”. *

Người cha giàu lòng trắc ẩn

Cha trên trời cảm thông cho nỗi khổ của chúng ta. Ngài là Đức Chúa Trời “giàu lòng trắc ẩn” (Lu-ca 1:78). Chúa Giê-su phản ánh lòng trắc ẩn của Cha trong cách đối xử với loài người bất toàn (Mác 1:40-42; 6:30-34). Môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô cũng nỗ lực noi theo lòng trắc ẩn của Cha trên trời. Họ làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh là “tử tế với nhau, có lòng trắc ẩn”.—Ê-phê-sô 4:32.

Hãy ngẫm nghĩ về kinh nghiệm của một anh tên Felipe. Ngày nọ, trên đường đi làm, anh bất ngờ thấy đau dữ dội, cứ như bị đâm vào lưng. Anh liền được nhập viện. Sau tám tiếng khám cho anh, các bác sĩ cho biết rằng lớp trong thành động mạch chủ đã bị rách. Họ nói anh chỉ còn sống được 25 phút và có phẫu thuật thế nào thì cũng vô ích.

Một số anh chị đồng đạo của anh Felipe đã có mặt, và lòng trắc ẩn thôi thúc họ hành động ngay lập tức. Họ nhanh chóng sắp xếp để anh chuyển viện. Một ca mổ khẩn cấp được thực hiện, và họ ở đó cho đến khi cuộc phẫu thuật hoàn tất. Mừng thay, anh đã qua khỏi cơn nguy kịch. Ngẫm lại chuyện này, anh biết ơn lòng trắc ẩn mà các anh chị đồng đạo đã thể hiện. Anh tin chắc rằng Cha trên trời thúc đẩy họ bày tỏ lòng trắc ẩn như thế. “Đức Chúa Trời như một người cha yêu thương ở bên tôi để làm tôi thêm vững vàng”, anh Felipe nói. Thật vậy, Đức Giê-hô-va thường biểu lộ lòng trắc ẩn bằng cách thúc đẩy người thờ phượng ngài phản ánh đức tính này.

Người cha che chở con

Khi một đứa bé thấy nguy hiểm, em có thể chạy đến cha để được che chở. Em cảm thấy an toàn trong vòng tay yêu thương của cha. Chúa Giê-su hoàn toàn tin tưởng Đức Giê-hô-va là đấng che chở ngài (Ma-thi-ơ 26:53; Giăng 17:15). Chúng ta cũng thấy an toàn dưới sự che chở của Cha. Thời nay, Đức Giê-hô-va che chở chúng ta chủ yếu là về mặt tâm linh. Nói cách khác, ngài che chở chúng ta khỏi những điều gây hại về tâm linh bằng cách trang bị cho chúng ta những gì cần thiết để tránh nguy hiểm và giữ gìn tình bạn với ngài. Một cách ngài che chở chúng ta là qua lời khuyên dựa trên Kinh Thánh. Nhận được lời khuyên như vậy thì giống như Đức Giê-hô-va đang đi đằng sau chúng ta và nói rằng: “Nầy là đường đây, hãy noi theo!”.—Ê-sai 30:21.

Hãy xem trường hợp của anh Tiago cùng hai anh trai là Fernando và Rafael, từng là những thành viên của một nhóm nhạc (rock and roll). Họ rất phấn khởi khi được chọn để chơi tại một trong những nhà hát nổi tiếng nhất São Paulo, Brazil. Dường như thành công đang chờ đón họ. Tuy nhiên, dựa trên Kinh Thánh, một người bạn đồng đạo đã cảnh báo họ về mối nguy hiểm của việc kết thân với những người có lối sống xem thường tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 13:20). Anh nhấn mạnh lời khuyên này bằng cách kể về chuyện riêng của mình là anh trai anh đã làm những việc tồi tệ vì chơi với người xấu. Anh Tiago và hai anh trai quyết định bỏ sự nghiệp âm nhạc. Giờ đây, cả ba người đều làm công việc truyền giáo trọn thời gian. Họ tin rằng việc làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh đã bảo vệ họ khỏi những điều gây hại về tâm linh.

Người cha sửa dạy con

Cha yêu thương sửa dạy con cái vì ông muốn con nên người (Ê-phê-sô 6:4). Người cha như vậy hẳn phải kiên quyết nhưng không bao giờ gay gắt khi uốn nắn các con. Tương tự, có khi Cha trên trời thấy cần phải sửa dạy chúng ta. Dù thế, sự sửa dạy của ngài luôn luôn yêu thương chứ không bao giờ cay nghiệt. Giống như Cha, Chúa Giê-su không bao giờ gay gắt với các môn đồ, ngay cả khi họ chậm khắc phục lỗi lầm.—Ma-thi-ơ 20:20-28; Lu-ca 22:24-30.

Hãy xem làm thế nào anh Ricardo đã biết ơn Đức Giê-hô-va vì được ngài sửa dạy bằng tình yêu thương. Anh bị cha bỏ từ khi mới bảy tháng tuổi. Đến tuổi vị thành niên, anh Ricardo cảm nhận rõ sự thiếu vắng của người cha. Anh làm nhiều việc xấu, và lương tâm bắt đầu bị cắn rứt. Nhận ra lối sống của mình không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của môn đồ Đấng Ki-tô, anh quyết định nói với các trưởng lão trong hội thánh. Dựa trên Kinh Thánh, các trưởng lão cho anh lời khuyên thẳng thắn nhưng đầy yêu thương. Dù quý sự sửa dạy, anh Ricardo vẫn đau khổ vô cùng vì những gì đã làm; anh cứ khóc lóc, bị mất ngủ và trầm cảm. Cuối cùng, anh nhận ra rằng được sửa dạy nghĩa là Đức Giê-hô-va vẫn còn thương mình. Anh Ricardo nhớ lại những lời nơi Hê-bơ-rơ 12:6: “Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì sửa phạt người ấy”.

Chúng ta ghi nhớ rằng sự sửa dạy không chỉ là trừng phạt hay quở trách những việc làm sai trái. Kinh Thánh cũng liên kết sự sửa dạy với việc rèn luyện. Vì vậy, Cha yêu thương có thể sửa dạy chúng ta bằng cách để chúng ta bị giày vò vì những lỗi lầm trong một thời gian. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy rằng sự sửa dạy của ngài nhằm rèn luyện chúng ta, giúp chúng ta đi theo con đường đúng (Hê-bơ-rơ 12:7, 11). Thật thế, Cha trên trời thật sự quan tâm đến hạnh phúc và lợi ích của chúng ta nên ngài mới uốn nắn chúng ta.

Người cha chăm lo nhu cầu thể chất của con

Một người cha yêu thương tìm cách chăm lo cho nhu cầu thể chất và vật chất của gia đình. Đức Giê-hô-va cũng vậy. Chúa Giê-su nói: “Cha trên trời biết anh em cần mọi thứ ấy” (Ma-thi-ơ 6:25-34). Đức Giê-hô-va hứa: “Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, và chẳng bao giờ bỏ ngươi”.—Hê-bơ-rơ 13:5.

Một chị tên Nice đã cảm nghiệm những lời trên quả là không sai khi chồng chị mất việc. Lúc ấy, chị vừa xin nghỉ công việc có thu nhập cao vì muốn dành nhiều thời gian cho hai cô con gái và cho việc phụng sự Đức Chúa Trời. Vậy họ sẽ sống ra sao? Chị cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Ngay hôm sau, chồng chị quay lại chỗ làm để thu dọn đồ. Anh ngạc nhiên khi chủ cho biết là vừa có một công việc khác và muốn mời anh nhận công việc đó! Vậy là chồng chị Nice mới mất việc hôm trước mà hôm sau lại có ngay việc khác. Chị Nice và chồng tạ ơn Cha trên trời vì kết quả tốt đẹp này. Kinh nghiệm của họ nhắc chúng ta nhớ là Đấng Cung Cấp đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va, không bao giờ quên những người thờ phượng trung thành của ngài.

Biết ơn tình yêu thương của Cha

Thật vậy, không lời nào có thể diễn tả hết tình yêu thương tuyệt diệu của Cha trên trời! Khi xem xét những cách ngài biểu lộ tình yêu thương—qua sự hài lòng, lòng trắc ẩn, sự che chở, sự sửa dạy, cũng như qua việc chăm lo cho những nhu cầu của chúng ta—chắc chắn chúng ta kết luận được rằng ngài là người cha lý tưởng nhất!

Làm sao chúng ta có thể chứng tỏ mình biết ơn tình yêu thương của Cha trên trời? Chúng ta cố gắng tìm hiểu nhiều hơn về Cha và ý định của ngài (Giăng 17:3). Chúng ta sống phù hợp với ý muốn và đường lối của ngài (1 Giăng 5:3). Chúng ta phản ánh tình yêu thương của ngài trong lối cư xử với người khác (1 Giăng 4:11). Qua những cách đó, chúng ta có thể cho thấy mình xem Đức Giê-hô-va là Cha của chúng ta và mình thật vinh hạnh khi được làm con cái của ngài.

[Chú thích]

^ đ. 3 Cương vị làm cha của Đức Giê-hô-va là đề tài nổi bật trong Kinh Thánh. Ví dụ, chúng ta thấy Chúa Giê-su gọi tiếng “Cha” khoảng 65 lần trong ba sách Phúc âm đầu và hơn 100 lần trong sách Phúc âm của Giăng. Phao-lô cũng gọi Đức Chúa Trời là “Cha” hơn 40 lần trong các lá thư của ông. Đức Giê-hô-va là Cha của chúng ta theo nghĩa ngài là đấng ban cho chúng ta sự sống.

^ đ. 9 Xin xem chương 24, “Không gì có thể ‘phân-rẽ chúng ta khỏi tình yêu-thương của Đức Chúa Trời’”, trong sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Càng hiểu về cách Đức Giê-hô-va thực hiện vai trò làm cha, chúng ta càng đến gần và yêu mến ngài hơn

[Câu nổi bật nơi trang 22]

Chúng ta có thể cho thấy mình xem Đức Giê-hô-va là Cha của chúng ta và mình thật vinh hạnh khi được làm con cái của ngài

[Khung/Hình nơi trang 21]

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BIỂU LỘ TÌNH PHỤ TỬ QUA NHIỀU CÁCH

HÀI LÒNG

TRẮC ẨN

CHE CHỞ

SỬA DẠY

CHĂM LO