Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lá thư từ Hy Lạp

Rao giảng tại điểm cực nam châu Âu

Rao giảng tại điểm cực nam châu Âu

Dãy núi Levká hùng vĩ trên đảo Crete cứ trôi xa dần khi chúng tôi tiến đến một cao nguyên nhỏ, nhô lên từ Địa Trung Hải sâu thẳm. Trên tàu gồm có 13 người chúng tôi, những người đang háo hức đến rao giảng ở đảo Gavdos, một chấm nhỏ bé đánh dấu điểm cực nam của châu Âu trên bản đồ.

Tưởng chừng sẽ có chuyến hành trình bình yên trong ngày hè oi ả, thế mà không lâu sau những trận gió mạnh lại đến chọc giận con sóng, khiến chiếc tàu như cái nút bần bập bềnh trên mặt nước. Say sóng làm tôi nghĩ đến lời tường thuật trong Kinh Thánh về sứ đồ Phao-lô, ông cũng đã gặp phải một cơn bão dữ tợn ở vùng nước này nhiều thế kỷ trước, thời mà Gavdos được biết đến với tên gọi Cau-đa (Công vụ 27:13-17). Tôi chỉ mong là chúng tôi sẽ đến Gavdos bình an.

Mũi Trypití, cực nam châu Âu

Cuối cùng chúng tôi cũng thấy được đích đến, một chỗ đá trồi ra với những vách đá cắm sâu vào lòng biển. Nơi này tương đối bằng phẳng, chỉ cao chừng 300m và không thấy rõ các đỉnh. Cây thông và bụi rậm mọc dày đặc đến nỗi bao phủ gần trọn hòn đảo có diện tích ước chừng 26km2. Tại một số nơi, cây bách xù đua nhau mọc ra đến tận bờ biển.

Hòn đảo từng một thời có đến khoảng 8.000 cư dân nhưng ngày nay có chưa tới 40 người sinh sống. Nền văn minh hiện đại dường như đã lãng quên Gavdos. Dù tàu chuyên chở và tàu dầu vẫn thường đi qua bờ biển nơi đây nhưng đường đến đảo lại không thuận tiện cho lắm, vì những chuyến phà nối với đảo Crete thường bị hoãn hoặc hủy do thời tiết xấu.

Chúng tôi đến Gavdos để cho người ta biết về những điều hứng khởi và vui mừng—hy vọng chắc chắn về một tương lai tốt hơn và triển vọng có được đời sống vĩnh cửu với sức khỏe hoàn hảo. Khi tàu sắp cập bến, chúng tôi háo hức lên bờ để chia sẻ những tin mừng này.

Bốn tiếng rưỡi đồng hồ tròng trành trên sóng nước, mặt mày nhợt nhạt của chúng tôi cho thấy hành trình đến Gavdos không hề êm đềm chút nào. Thế nhưng, nghỉ trưa chốc lát cộng với một tách cà phê khiến chúng tôi thấy khỏe khoắn hơn. Sau khi xem lại lời tường thuật trong Kinh Thánh về chuyến đi của sứ đồ Phao-lô cũng như cầu nguyện tha thiết, chúng tôi sẵn sàng bắt tay vào công việc.

Người dân địa phương thật thân thiện và hiếu khách. Họ mời chúng tôi vào nhà và dùng đồ ăn nhẹ. Bên cạnh việc chia sẻ tin mừng trong Kinh Thánh, chúng tôi cũng tỏ lòng biết ơn với họ bằng những sự giúp đỡ thực tế. Khi nói chuyện với một phụ nữ, một anh trong nhóm chúng tôi là thợ điện đã để ý thấy có dụng cụ điện bị hư tại nơi bà làm việc và đề nghị giúp sửa nó. Bà ấy cảm động và chịu nhận ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, bà còn khen chúng tôi và công việc phụng sự của chúng tôi nữa. Một phụ nữ khác tỏ lòng cảm kích và nói: “Công việc các bạn làm là của Đức Chúa Trời, chứ không phải của con người, và điều này thật rõ ràng vì các bạn đã đến rao giảng tại hòn đảo xa xôi này”.

Các ấn phẩm chúng tôi mang theo được mọi người nhiệt liệt đón nhận. Một ông nọ đã nhận các tạp chí Tháp Canh, Tỉnh Thức! và muốn có thêm ấn phẩm để đọc vào những tháng mùa đông. Một người khác không chỉ muốn nhận một số ấn phẩm cho mình mà còn xin thêm để các khách hàng của tiệm ông đọc. Ông đưa chúng tôi địa chỉ để hàng tháng chúng tôi có thể gửi tạp chí cho ông. Một gia đình đã rất ấn tượng khi chúng tôi cho họ thấy hòn đảo nhỏ bé của họ được nhắc đến trong Kinh Thánh. Họ cũng vui thích nhận tạp chí của chúng tôi.

Nhà giam và bia tưởng niệm những tù nhân ở vịnh Sarakíniko

Dù những sự hưởng ứng ấy rất khích lệ nhưng chuyến đi đến Gavdos cũng gợi lại những ký ức buồn cho một số người trong nhóm chúng tôi. Gần vịnh Sarakíniko có một nhà tù từng giam giữ những tù nhân chính trị. Anh Emmanuel Lionoudakis, là Nhân Chứng Giê-hô-va, đã bị giam tại đây vào cuối những năm 1930 vì hoạt động rao giảng *. Thời đó, Gavdos được miêu tả như một “hòn đảo cằn cỗi chỉ sản sinh bọ cạp chết người, một nơi mà nhiều người... đã bỏ mạng vì đói kém, thiếu thốn và dịch lệ, nơi thích đáng với tên gọi là hòn đảo chết chóc”. Anh Lionoudakis đã phải bắt cá mà ăn, dù thế anh vẫn tất bật rao giảng cho những tù nhân khác, vì anh là Nhân Chứng duy nhất tại nơi này. Nhìn thấy nơi anh từng sống khoảng 70 năm trước, con gái, con rể và cháu gái anh đều rưng rưng nước mắt. Gương của anh là một nguồn động viên giúp chúng tôi giữ lòng trung kiên và bận rộn trong việc phụng sự.

Những người từng bị giam cầm nơi đây khó có thể xem Gavdos như một nơi du lịch lý tưởng. Nhưng với chúng tôi thì đây quả là một nơi nồng nhiệt vì suốt cuối tuần rao giảng trên cả hòn đảo, chúng tôi đã để lại được 46 tạp chí và chín sách mỏng cho những người dân nồng hậu. Chúng tôi nóng lòng gặp lại những người bạn mới biết bao!

Chưa gì đã đến lúc phải quay về. Nhưng một lần nữa thời tiết lại làm khó chúng tôi, và chuyến đi lúc 5 giờ chiều bị hoãn. Chúng tôi lên tàu lúc nửa đêm, sẵn sàng cho một chuyến đi nhọc nhằn nữa. Cuối cùng, chúng tôi xuất bến vào lúc 3 giờ sáng, và sau năm tiếng đồng hồ quay cuồng trong cơn bão, chúng tôi cũng về tới Crete. Cả nhóm kiệt sức, loạng choạng bước lên bờ, nhưng lại hồ hởi vì đã cho người dân trên đảo Gavdos biết đến danh của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 42:12). Mọi người trong nhóm đều đồng ý là nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng. Sự khó nhọc vừa qua sẽ chóng rơi vào quên lãng, nhưng chúng tôi tin chắc là ký ức về chuyến hành trình này vẫn mãi in sâu trong tâm trí của mỗi người.

^ đ. 11 Để đọc tự truyện của anh Emmanuel Lionoudakis, xin xem Tháp Canh ngày 1 tháng 9 năm 1999, trang 25-29.