Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 NÓI CHUYỆN VỚI CHỦ NHÀ

Ðức Chúa Trời có quan tâm đến nỗi đau khổ của chúng ta?

Ðức Chúa Trời có quan tâm đến nỗi đau khổ của chúng ta?

Dưới đây là cuộc nói chuyện điển hình giữa một Nhân Chứng và chủ nhà. Hãy hình dung Nhân Chứng tên là Mỹ đến nhà một người tên là Sương.

TẠI SAO NGÀI ÐỂ ÐIỀU NÀY XẢY RA?

Mỹ: Hôm nay tôi mời mọi người trong khu vực xem tờ chuyên đề Bạn có muốn biết sự thật không?. Mời chị nhận một tờ.

Sương: Cái này nói về tôn giáo?

Mỹ: Dạ đúng, hãy xem sáu câu hỏi ở trang đầu. Có câu hỏi nào—

Sương: Thôi. Chị sẽ mất thời gian nếu nói chuyện với tôi.

Mỹ: Sao vậy chị?

Sương: Thật ra tôi còn không chắc mình có tin Chúa không.

Mỹ: Cảm ơn chị đã cho biết. Xin hỏi, chị có luôn cảm thấy như vậy không?

Sương: Không. Tôi đi nhà thờ từ nhỏ. Nhưng lâu rồi không đi nữa.

Mỹ: À. Nhân tiện, xin giới thiệu, tôi tên là Mỹ.

Sương: Tôi là Sương.

Mỹ: Rất vui được gặp chị Sương.

Sương: Tôi cũng thế.

Mỹ: Chị Sương, tôi đến đây không phải để ép chị theo đạo của tôi. Nhưng tôi thắc mắc, không biết điều gì đã khiến chị nghi ngờ sự hiện hữu của Ðức Chúa Trời?

Sương: Mẹ tôi bị đụng xe cách đây 17 năm.

Mỹ: Thành thật chia buồn. Bác ấy có bị thương không?

Sương: Có. Mẹ tôi đã bị liệt.

Mỹ: Thật là buồn. Hẳn chị rất đau lòng.

Sương: Chính vì vậy nên tôi thắc mắc, nếu có Ðức Chúa Trời, sao ngài để điều này xảy ra? Sao ngài để chúng tôi khổ sở thế này?

CÓ SAI KHI HỎI TẠI SAO?

Mỹ: Cảm xúc và thắc mắc của chị là điều dễ hiểu. Khi đau khổ, việc hỏi tại sao là bình thường. Thật ra, ngay cả những người nam và nữ trung thành vào thời Kinh Thánh cũng thắc mắc như thế!

Sương: Thật sao?

Mỹ: Ðúng vậy, có thể mời chị xem một trường hợp trong Kinh Thánh không?

Sương: Dạ được.

Mỹ: Hãy xem nhà tiên tri trung thành tên Ha-ba-cúc hỏi Ðức Chúa Trời điều gì, như được ghi nơi sách Ha-ba-cúc chương 1, câu 2 và 3: “Hỡi Ðức Giê-hô-va! Tôi kêu-van mà Ngài không nghe tôi cho đến chừng nào? Tôi vì cớ sự bạo-ngược kêu-van cùng Ngài, mà Ngài chẳng khứng giải-cứu tôi! Nhân sao Chúa khiến tôi thấy sự gian-ác?”. Những câu hỏi này có giống câu hỏi mà chị nêu lên không?

Sương: Cũng giống.

Mỹ: Ðức Chúa Trời không bao giờ quở trách Ha-ba-cúc vì đã nêu những câu hỏi đó, cũng không bảo ông cần thêm đức tin.

Sương: Vậy à.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA GHÉT SỰ ÐAU KHỔ

Mỹ: Kinh Thánh cho biết Ðức Chúa Trời thấy sự đau khổ của chúng ta và ngài quan tâm đến điều đó.

Sương: Tôi chưa hiểu ý chị?

Mỹ: Chúng ta hãy xem một ví dụ nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7. Mời chị đọc câu này.

Sương: Ở đây nói: “Ðức Giê-hô-va phán rằng: Ta đã thấy rõ-ràng sự cực-khổ của dân ta tại  xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu-rêu vì cớ người đốc-công của nó; phải, ta biết được nỗi đau-đớn của nó”.

Mỹ: Cảm ơn chị. Theo câu này, Ðức Chúa Trời có thấy nỗi đau khổ của dân ngài không?

Sương: Hình như có.

Mỹ: Và ngài không chỉ thấy những điều xảy ra. Hãy xem lại phần cuối của câu. Ðức Chúa Trời nói: “Ta biết được nỗi đau-đớn của nó”. Theo chị, một Ðức Chúa Trời lạnh lùng hoặc xa cách sẽ nói những lời như thế không?

Sương: Hẳn là không.

Mỹ: Ðức Chúa Trời không những thấy các vấn đề mà ngài còn buồn khi chúng ta gặp vấn đề ấy.

Sương: Vậy à.

Mỹ: Liên quan đến điều này, chúng ta hãy đọc một trường hợp khác khi dân Ðức Chúa Trời bị khốn khổ, được ghi nơi Ê-sai 63:9. Phần đầu của câu nói: “Hễ khi dân Ngài bị khốn-khổ, chính Ngài cũng khốn-khổ”. Theo chị, Ðức Chúa Trời có bị ảnh hưởng bởi sự khốn khổ của dân ngài không?

Sương: Hình như có.

Mỹ: Sự thật là Ðức Chúa Trời rất quan tâm đến chúng ta, và ngài không thích nhìn thấy chúng ta bị khốn khổ. Khi chúng ta đau lòng thì ngài cũng đau lòng.

TẠI SAO NGÀI ÐỢI?

Mỹ: Trước khi đi, có một điều khác tôi muốn chia sẻ với chị.

Sương: Dạ được.

Mỹ: Hãy xem Kinh Thánh dạy gì về quyền năng của Ðức Chúa Trời có danh là Giê-hô-va. Tôi nghĩ đến câu Giê-rê-mi 10:12. Chị có thể đọc câu này không?

Sương: Dạ. Câu này nói: “Chính Ðức Giê-hô-va đã làm nên đất bởi quyền-năng Ngài, đã lập thế-gian bởi sự khôn-ngoan Ngài, đã giương các từng trời ra bởi sự thông-sáng Ngài”.

Mỹ: Cảm ơn chị. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về câu này. Liệu Ðức Chúa Trời có cần nhiều quyền năng để tạo ra vũ trụ bao la và mọi vật trong đó không?

Sương: Chắc chắn có.

Mỹ: Vậy, nếu Ðức Chúa Trời có quyền năng để tạo mọi vật xung quanh chúng ta, chẳng phải ngài cũng có quyền năng để kiểm soát tạo vật của ngài?

Sương: Ðúng rồi.

Mỹ: Hãy nghĩ về mẹ của chị. Tại sao chị buồn phiền khi thấy mẹ mình đau đớn?

Sương: Vì tôi thương mẹ.

Mỹ: Và nếu có khả năng, chị có muốn làm cho mẹ không còn đau đớn nữa?

Sương: Có chứ.

Mỹ: Hãy nghĩ điều này có nghĩa gì. Kinh Thánh dạy rằng Ðức Chúa Trời thấy sự đau khổ của chúng ta, ngài thông cảm chúng ta, và ngài có quyền năng vô hạn. Chị có thể hình dung, ngài phải tự chủ đến mức nào để không can thiệp và chấm dứt ngay sự đau khổ của chúng ta?

Sương: Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này.

Mỹ: Có lẽ nào ngài có lý do chính đáng để chưa can thiệp hầu chấm dứt các vấn đề của chúng ta? *

Sương: Ừm, có lẽ ngài có lý do.

Mỹ: Tôi nghe chuông điện thoại của chị reo. Lần khác tôi trở lại, và chúng ta có thể thảo luận thêm về đề tài này.

Sương: Cảm ơn chị. Tôi cũng muốn vậy. *

Bạn có đang thắc mắc về một đề tài nào đó trong Kinh Thánh không? Bạn có tò mò muốn biết về niềm tin hoặc thực hành nào của Nhân Chứng Giê-hô-va không? Nếu có, bạn đừng ngại nêu ra điều đó khi gặp Nhân Chứng vào lần tới. Họ sẽ vui lòng thảo luận với bạn.

^ đ. 61 Ðể biết thêm thông tin, xem chương 11 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 64 Một bài trong những số kế tiếp sẽ cho biết tại sao Ðức Chúa Trời để cho có đau khổ.