Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Gượng dậy sau ly hôn

Gượng dậy sau ly hôn

“Tôi thấy mình như thể rơi xuống vực thẳm. Ðời sống đang êm ả, nhưng đột nhiên bạn mất tất cả”.—ANH MẠNH *, ly hôn một năm.

“Chồng tôi dan díu với một phụ nữ trạc tuổi con gái chúng tôi. Khi vợ chồng ly hôn, tôi nhẹ cả người vì thoát khỏi tính khí nóng nảy của anh ấy, nhưng tôi cũng thấy xấu hổ và vô giá trị”.—CHỊ YẾN, ly hôn 17 năm.

Một số người ly hôn với hy vọng là đời mình sẽ tươi sáng hơn, còn người khác thì muốn níu kéo cuộc hôn nhân nhưng không thể buộc bạn đời ở lại. Tuy nhiên, hầu như tất cả những ai từng ly hôn đều nhận thấy rằng cuộc sống sau ly hôn thì khó khăn hơn mình tưởng. Nếu mới ly hôn, có lẽ bạn sẽ thấy đây là một trong những biến cố căng thẳng nhất từ trước đến giờ. Do đó, việc xem xét vài lời khuyên thực tiễn của Kinh Thánh là điều hữu ích, có thể giúp bạn biết cách đương đầu với các thách thức của cuộc ly hôn.

THÁCH THỨC 1: CẢM XÚC TIÊU CỰC.

Sự căng thẳng liên quan đến vấn đề tiền bạc, nuôi dạy con cái và nỗi cô đơn có thể khiến bạn choáng ngợp, và cảm xúc này không phải lúc nào cũng biến mất một sớm một chiều. Bà Judith Wallerstein, nhà tâm lý học đã qua đời, nhận thấy rằng nhiều năm sau ly hôn, một số người vẫn còn cảm giác bị phản bội và bỏ rơi, nghĩ là “đời bất công, thất vọng, cô đơn”.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

  • Dành thời gian để đau buồn về sự mất mát. Có lẽ bạn nhớ người bạn đời mà mình vẫn còn  yêu. Dù mối quan hệ của cả hai không tốt đẹp, bạn có thể đau buồn vì không hưởng được niềm vui mà mình từng kỳ vọng vào hôn nhân (Châm-ngôn 5:18). Ðừng ngại khi dành thời gian để khóc.—Truyền-đạo 3:1, 4.

  • Ðừng cô lập. Dù cần khóc một mình, nhưng việc tự cô lập quá nhiều là điều thiếu khôn ngoan (Châm-ngôn 18:1). Hãy nói những lời xây dựng khi trò chuyện với bạn bè, vì nếu luôn than phiền về người hôn phối cũ, dù chính đáng, có thể khiến người khác tránh xa mình. Nếu có quyết định quan trọng ngay sau khi ly hôn thì hãy nhận sự giúp đỡ của người có ý kiến khách quan mà bạn tin cậy.

  • Chăm sóc bản thân. Sự căng thẳng khi ly hôn thường gây ra nhiều vấn đề về thể chất, như cao huyết áp hoặc chứng đau nửa đầu. Hãy ăn uống hợp lý, tập thể dục và ngủ đầy đủ.—Ê-phê-sô 5:29.

  • Bỏ những thứ khiến bạn giận người hôn phối trước hoặc thứ mà bạn không cần, nhưng nên giữ lại những giấy tờ quan trọng. Nếu những thứ như ảnh cưới làm bạn buồn, hãy cất vào hộp và để dành cho con.

  • Chống chọi với suy nghĩ tiêu cực. Chị Olga, đã ly hôn sau khi chồng phạm tội ngoại tình, kể lại: “Tôi luôn tự hỏi là ‘cô ấy có gì hơn mình?’”. Nhưng sau này chị Olga nhận ra việc luôn suy nghĩ tiêu cực có thể làm “trí bị nao-sờn”.—Châm-ngôn 18:14.

    Nhiều người nhận thấy việc ghi ra cảm nghĩ giúp họ hiểu rõ và kiểm soát lối suy nghĩ của mình. Nếu làm thế, hãy cố gắng thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ mới, tích cực (Ê-phê-sô 4:23). Xem hai trường hợp sau:

    Cũ: Anh ấy phản bội là do mình.

    Mới: Những thiếu sót của mình không phải là lý do để anh dan díu với phụ nữ khác.

    Cũ: Tôi lấy nhầm người và lãng phí những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời.

    Mới: Mình sẽ hạnh phúc hơn nếu hướng đến tương lai, không nhìn về quá khứ.

  • Lờ đi những lời gây đau lòng. Những người bạn, bà con có ý tốt có thể nói những điều gây đau lòng hoặc thậm chí không đúng về trường hợp của bạn: “Dù sao cô ấy không phù hợp với anh” hoặc “Ðức Chúa Trời ghét việc ly dị” *. Với lý do chính đáng, Kinh Thánh khuyên: “Chớ để lòng về mọi lời người ta nói” (Truyền-đạo 7:21). Chị Martina, ly dị hai năm, cho biết: “Thay vì để ý đến những lời gây tổn thương, tôi cố gắng nhìn sự việc theo quan điểm của Ðức Chúa Trời. Ý tưởng của ngài cao hơn ý tưởng chúng ta”.—Ê-sai 55:8, 9.

  • Cầu nguyện với Ðức Chúa Trời. Ngài khuyến khích những người thờ phượng “trao hết mọi lo lắng cho ngài”, nhất là khi họ vô cùng đau khổ.—1 Phi-e-rơ 5:7.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Viết ra những câu Kinh Thánh giúp ích cho bạn, rồi dán vào những nơi bạn thường thấy. Ngoài những câu Kinh Thánh được viện dẫn trong bài này, nhiều người đã ly hôn cũng được lợi ích nhờ các câu như Thi-thiên 27:10; 34:18; Ê-sai 41:10; Rô-ma 8:38, 39.

Hãy để Lời Ðức Chúa Trời nâng đỡ bạn trong giai đoạn gian truân

THÁCH THỨC 2: MỐI QUAN HỆ CỦA BẠN VỚI NGƯỜI HÔN PHỐI TRƯỚC.

Chị Juliana, kết hôn 11 năm, cho biết: “Tôi nài xin chồng ở lại. Nhưng sau khi anh ấy ra đi, tôi rất giận anh ấy cùng người phụ nữ mà anh dọn đến sống chung”. Nhiều người đã ly hôn vẫn oán  giận người hôn phối trước trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, họ buộc phải liên lạc đều đặn, chẳng hạn khi có con cái.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

  • Duy trì mối giao tiếp lịch sự với người hôn phối trước. Hãy tập trung vào những vấn đề cần thiết, nói ngắn gọn và vào thẳng vấn đề. Nhiều người nhận thấy cách này tạo hòa khí.—Rô-ma 12:18.

  • Tránh lời nói gây cãi vã. Ðặc biệt khi bạn cảm thấy mình bị đối xử tệ, lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh sẽ giúp ích: “Người nào kiêng lời nói mình có tri-thức” (Châm-ngôn 17:27). Nếu không thể thay đổi tình huống xấu của cuộc trò chuyện thì có thể nói: “Tôi phải suy nghĩ về những điều anh/em nói và sẽ bàn bạc sau”.

  • Cắt đứt những việc liên quan đến người hôn phối trước càng nhiều càng tốt, kể cả hồ sơ pháp lý và tài chính.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Lần tới khi nói chuyện với người hôn phối trước, hãy xem dấu hiệu cho thấy bạn hoặc người đó bắt đầu tỏ thái độ bào chữa hoặc không nhân nhượng. Nếu cần, hãy đề nghị tạm dừng cuộc nói chuyện hoặc thống nhất là sẽ dùng e-mail để bàn bạc vấn đề ấy.—Châm-ngôn 17:14.

THÁCH THỨC 3: GIÚP CON CÁI THÍCH NGHI.

Chị Mai nhớ lại những điều diễn ra ngay sau khi ly hôn: “Con gái nhỏ của tôi khóc hoài và đái dầm trở lại. Trong khi đó, con gái lớn cố che giấu cảm xúc, nhưng tôi cũng nhận ra sự thay đổi của con”. Ðáng buồn thay, có lẽ bạn thấy mình không đủ thời gian hoặc có tinh thần để giúp con khi chúng cần bạn nhất.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

  • Khuyến khích con thổ lộ cảm xúc, dù điều này có thể khiến con “nói đại ra”.—Gióp 6:2, 3.

  • Giữ đúng vai trò. Dù có lẽ bạn mong đợi được an ủi về tinh thần và dường như các con cũng muốn giúp đỡ, nhưng không công bằng và không lợi ích gì khi đòi hỏi đứa trẻ hỗ trợ bạn trong những vấn đề của người lớn (1 Cô-rinh-tô 13:11). Ðừng xem con là bạn tâm tình, người trung gian hoặc đưa tin giữa bạn và người hôn phối trước.

  • Duy trì nề nếp của con. Việc không thay đổi nơi ở và thời gian biểu là điều giúp ích, nhưng quan trọng hơn là giữ nề nếp về tâm linh, kể cả việc đọc Kinh Thánh và Buổi thờ phượng của gia đình.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Vào lúc nào đó trong tuần này, hãy đoan chắc với các con là bạn yêu chúng và chúng không phải là nguyên nhân khiến vợ chồng bạn ly hôn. Hãy trả lời các câu hỏi của con mà không đổ lỗi cho cha hoặc mẹ của chúng.

Sau ly hôn, bạn có thể gượng dậy được. Chị Melissa, kết hôn 16 năm, nói: “Khi ly hôn, tôi nghĩ tôi không muốn đời mình lại như thế”. Nhưng giờ đây, chị đã tìm được sự thỏa lòng, bất chấp hoàn cảnh của mình. Chị cho biết: “Chỉ khi không cố gắng thay đổi quá khứ nữa thì tôi mới cảm thấy dễ chịu hơn”.

^ đ. 2 Một số tên trong bài đã được thay đổi.

^ đ. 18 Ðức Chúa Trời ghét cuộc ly dị mang tính chất lừa dối. Nhưng nếu người hôn phối phạm tội gian dâm, Ðức Chúa Trời cho phép người hôn phối vô tội có quyền quyết định việc ly hôn (Ma-la-chi 2:16; Ma-thi-ơ 19:9). Xem số Tháp Canh ngày 1-5-2002 trang 17, đoạn 16-19, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

HÃY TỰ HỎI:

  • Mình có dành thời gian để đau buồn về việc ly hôn không?

  • Làm sao mình có thể ngưng oán giận người hôn phối trước?