Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | MA-RI

Bà gượng dậy sau nỗi đau thấu lòng

Bà gượng dậy sau nỗi đau thấu lòng

Ma-ri khụy gối xuống, bà đau đớn cùng cực đến nỗi không thốt nên lời. Văng vẳng bên tai bà là tiếng kêu lớn của người con trai yêu dấu khi trút hơi thở cuối cùng, sau hàng giờ chịu đau đớn. Lúc ấy là giữa trưa mà bầu trời trở nên tối sầm. Đất rung chuyển dữ dội (Ma-thi-ơ 27:45, 51). Dường như Ma-ri cảm nhận được chính Đức Giê-hô-va đang cho cả thế giới biết là ngài vô cùng đau xót, hơn bất cứ ai, trước cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô.

Khi ánh sáng chiều xua tan màn tăm tối bao trùm trên Gô-gô-tha, hay Cái Sọ, Ma-ri quặn thắt nỗi đau trước sự ra đi của người con trai (Giăng 19:17, 25). Hẳn những ký ức ùa về đầy ắp tâm trí bà, có lẽ gồm hồi ức về khoảng 33 năm trước. Khi ấy, bà và Giô-sép mang đứa con yêu quý lên đền thờ Giê-ru-sa-lem để trình diện thì gặp một người đàn ông lớn tuổi tên là Si-mê-ôn. Được thần khí tác động, ông tiên tri về những việc lớn lao sẽ xảy đến với Chúa Giê-su, nhưng ông cũng báo trước rằng sẽ có ngày Ma-ri phải trải qua nỗi đau tựa như có một lưỡi gươm dài đâm thấu qua lòng (Lu-ca 2:25-35). Cho đến tận giờ phút đau thương này, bà mới cảm nghiệm được sâu xa những lời ông nói.

Lòng Ma-ri quặn thắt

Có thể nói rằng không có nỗi đau và sự mất mát nào lớn bằng sự ra đi của con mình. Cái chết là một kẻ thù đáng sợ, để lại những vết thương lòng cho tất cả chúng ta, không cách này thì cách khác (Rô-ma 5:12; 1 Cô-rinh-tô 15:26). Có thể nào gượng dậy sau khi trải qua những vết thương lòng như thế không? Xem xét cuộc đời của Ma-ri từ lúc Chúa Giê-su bắt đầu sứ mạng truyền giáo cho đến khi ngài chết và ít lâu sau đó sẽ giúp chúng ta học được nhiều điều về đức tin của Ma-ri, điều đã giúp bà gượng dậy sau nỗi đau thấu lòng.

“NGƯỜI BẢO GÌ, HÃY LÀM THEO”

Chúng ta hãy cùng trở lại thời điểm ba năm rưỡi trước đó. Ma-ri ý thức được rằng sắp có thay đổi xảy ra. Ngay cả trong ngôi làng Na-xa-rét nhỏ bé, người ta cũng đang bàn tán xôn xao về Giăng Báp-tít và thông điệp mà ông kêu gọi mọi người ăn năn. Ma-ri nhận thấy người con trai lớn của mình xem những tin này là dấu hiệu cho thấy thời điểm bắt tay vào sứ mạng đã đến (Ma-thi-ơ 3:1, 13). Đối với Ma-ri cùng gia đình, sự vắng mặt của Giê-su sẽ là một thay đổi to lớn. Tại sao?

Rất có thể chồng của Ma-ri là Giô-sép đã qua đời. Nếu vậy, Ma-ri đã biết thế nào là cảm giác mất người thân yêu *. Giờ đây, Chúa Giê-su không chỉ được gọi là “con của ông thợ mộc” mà còn được gọi là “người thợ mộc”. Hẳn Giê-su đã tiếp quản công việc của cha cũng như gánh vác trách nhiệm chu cấp cho gia đình gồm ít nhất sáu người em khác sinh sau ngài (Ma-thi-ơ 13:55, 56; Mác 6:3). Ngay cả nếu Giê-su đã dạy cho Gia-cơ, rất có thể là người em kế sau ngài, để tiếp tục công việc làm ăn thì gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn khi người con trai lớn không còn ở nhà. Ma-ri đã phải gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề rồi, bà có cảm thấy lo sợ trước thay đổi này không? Chúng ta chỉ có thể đoán. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là: “Bà sẽ phản ứng thế nào khi Giê-su người Na-xa-rét trở thành Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Mê-si được hứa từ lâu?”. Một lời tường thuật trong Kinh Thánh giúp làm sáng tỏ điểm này.—Giăng 2:1-12.

Chúa Giê-su đến với Giăng để làm báp-têm, trở thành Đấng Được Xức Dầu, tức Đấng Mê-si (Lu-ca 3:21, 22). Sau đó, ngài bắt đầu chọn các môn đồ. Dù công việc rất cấp bách, ngài vẫn dành thời gian để vui vẻ với gia đình và bạn bè. Chúa Giê-su cùng mẹ, các môn đồ và các em trai đi dự một tiệc cưới ở Ca-na, có lẽ là thành tọa lạc trên một đỉnh đồi cách Na-xa-rét khoảng 13km. Trong khi bữa tiệc diễn ra, Ma-ri thấy có chuyện không ổn. Hình như bà để ý thấy một số người trong gia đình cô dâu chú rể hốt hoảng nhìn nhau và thì thầm. Họ đã hết rượu! Theo phong tục hiếu khách thời bấy giờ, sự thiếu sót như thế sẽ làm xấu hổ gia đình và phá hỏng bữa tiệc. Ma-ri cảm thương cho họ, bà quay sang Chúa Giê-su.

Bà nói với con trai: “Họ hết rượu rồi”. Bà mong đợi điều gì nơi ngài? Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng, nhưng bà biết con trai mình là một người vĩ đại thì sẽ làm những việc vĩ đại. Có lẽ bà hy vọng ngài sẽ bắt đầu bây giờ. Như thể bà đang nói với ngài: “Con ơi, hãy làm gì đó để giúp đi!”. Câu trả lời của Chúa Giê-su hẳn làm bà ngạc nhiên. Ngài nói: “Việc của con có liên quan gì đến mẹ?”. Dù có người nghĩ Chúa Giê-su nói như thế là bất kính với mẹ nhưng không phải vậy. Đó chỉ là lời trách nhẹ nhàng. Chúa Giê-su đang nhắc mẹ mình nhớ rằng thật ra việc cho biết ngài phải thi hành sứ mạng thế nào không phải trách nhiệm của bà mà của Cha ngài, Đức Giê-hô-va.

Là một phụ nữ khiêm nhường và tinh ý, Ma-ri nhận thấy con mình nói đúng. Bà quay lại những người phục vụ trong bữa tiệc và chỉ nói đơn giản: “Người bảo gì, hãy làm theo”. Ma-ri nhận thức là mình không còn ở vị thế có thể bảo con phải làm gì nữa, thay vì vậy, bà và người khác nên làm theo sự hướng dẫn của ngài. Về phần Chúa Giê-su, giống như mẹ mình, ngài cũng thể hiện sự đồng cảm với cặp vợ chồng mới cưới. Ngài đã thực hiện phép lạ đầu tiên là biến nước thành rượu ngon. Kết quả là gì? “Các môn đồ tin ngài”. Ma-ri cũng đặt đức tin nơi Chúa Giê-su. Bà xem ngài không chỉ là con trai mình mà còn là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của mình.

Các bậc cha mẹ ngày nay có thể học được nhiều điều từ đức tin của Ma-ri. Đành rằng không ai khác từng nuôi dạy một người con giống như Chúa Giê-su. Nhưng khi bất cứ người con nào trưởng thành, dù bất toàn hay không, sự thay đổi này có thể là thử thách cho cha mẹ. Có lẽ cha mẹ có khuynh hướng tiếp tục đối xử với con như với một đứa trẻ, dù cách đó có thể không còn thích hợp nữa (1 Cô-rinh-tô 13:11). Cha mẹ có thể giúp con cái đã trưởng thành như thế nào? Một cách là thể hiện lòng tin tưởng rằng người con trung thành của mình sẽ tiếp tục áp dụng những gì Kinh Thánh dạy và nhờ thế nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va. Việc cha mẹ khiêm nhường tin tưởng con như thế có thể giúp ích rất nhiều cho con cái đã trưởng thành. Chúa Giê-su hẳn rất quý trọng sự ủng hộ của Ma-ri trong suốt những năm quan trọng sau đó.

“CÁC EM NGÀI KHÔNG TIN NGÀI”

Các sách Phúc âm không nói nhiều về Ma-ri trong ba năm rưỡi Chúa Giê-su thi hành sứ mạng. Dù vậy, hãy nhớ rằng rất có thể bà là một góa phụ, người mẹ đơn chiếc có lẽ sống với những người con còn trẻ, chưa tự lập. Do đó, dễ hiểu là tại sao bà không thể đi theo Chúa Giê-su khi ngài rao giảng khắp nơi trong xứ mình (1 Ti-mô-thê 5:8). Nhưng bà vẫn tiếp tục suy ngẫm những điều thiêng liêng bà học được về Đấng Mê-si và đến nhà hội địa phương theo thói quen của gia đình từ trước tới giờ.—Lu-ca 2:19, 51; 4:16.

Vậy, hợp lý là bà cũng có mặt trong vòng các thính giả khi Chúa Giê-su giảng tại nhà hội ở Na-xa-rét. Bà vui mừng biết bao khi nghe con trai mình tuyên bố rằng lời tiên tri về Đấng Mê-si được viết trước đó hàng thế kỷ giờ đây ứng nghiệm nơi ngài! Nhưng bà hẳn đau lòng khi thấy các đồng hương Na-xa-rét không chấp nhận ngài. Họ thậm chí còn tìm cách giết con trai bà!—Lu-ca 4:17-30.

Bà cũng đau lòng về cách các con trai của mình phản ứng trước Chúa Giê-su. Qua Giăng 7:5, chúng ta biết được rằng bốn em trai của Chúa Giê-su không có cùng đức tin với mẹ. Câu này nói: “Các em ngài không tin ngài”. Còn về các em gái của Chúa Giê-su, có ít nhất là hai người, thì Kinh Thánh không nói gì *. Dù sao đi nữa, Ma-ri đã cảm nghiệm nỗi đau buồn khi sống trong một gia đình không hợp nhất về quan điểm tôn giáo. Bà đã phải cố gắng để giữ thăng bằng trong việc vừa tiếp tục trung thành vừa nỗ lực để cảm hóa các thành viên trong gia đình mà không áp đặt hay tranh cãi.

Vào dịp nọ, có một nhóm người nhà của Chúa Giê-su—rất có thể gồm các em trai ngài—quyết định đi “bắt” ngài. Họ còn nói: “Ngài bị mất trí” (Mác 3:21, 31). Dĩ nhiên là Ma-ri không hề nghĩ như vậy, nhưng bà đi cùng các con, có lẽ với hy vọng họ sẽ học được điều gì đó giúp họ vun đắp đức tin. Hy vọng của bà có thành hiện thực không? Dù Chúa Giê-su tiếp tục làm những việc kỳ diệu và dạy những sự thật tuyệt vời, các con trai khác của Ma-ri vẫn không tin. Có lẽ bà cảm thấy bực bội và tự hỏi: “Điều gì mới có thể động đến lòng các con mình đây?”.

Bạn có sống trong một gia đình không cùng tôn giáo không? Đức tin của Ma-ri dạy chúng ta một bài học tuyệt vời. Bà không bỏ cuộc trong việc giúp những người thân không cùng đức tin. Thay vì vậy, bà để họ thấy đức tin đã mang lại cho bà niềm vui và sự bình an tâm trí. Mặt khác, bà tiếp tục ủng hộ người con trai trung thành. Bà có nhớ Chúa Giê-su không? Thỉnh thoảng, bà có ước là ngài vẫn ở nhà với bà và gia đình không? Nếu có, bà đã phải kìm nén những cảm xúc ấy. Bà xem việc ủng hộ và khích lệ Chúa Giê-su là một đặc ân. Bạn cũng có thể làm tương tự để giúp con mình đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống không?

“CÔ SẼ BỊ MỘT LƯỠI GƯƠM DÀI ĐÂM THẤU QUA LÒNG”

Đức tin của Ma-ri nơi Chúa Giê-su có được tưởng thưởng không? Đức Giê-hô-va không bao giờ quên ban thưởng cho những người có đức tin, và chắc chắn trường hợp của Ma-ri cũng không ngoại lệ (Hê-bơ-rơ 11:6). Hãy hình dung cảm xúc của bà khi được lắng nghe con mình nói, hay nghe kể lại từ những người được nghe trực tiếp Chúa Giê-su giảng.

Nhiều minh họa của Chúa Giê-su phản ánh ảnh hưởng của sự dạy dỗ nhận được từ Giô-sép và Ma-ri

Trong các minh họa của Chúa Giê-su, Ma-ri có liên tưởng đến vài hình ảnh về thời thơ ấu của ngài khi lớn lên tại Na-xa-rét không? Khi Chúa Giê-su nói về một người đàn bà quét nhà để tìm đồng tiền bị mất, xay bột làm bánh hay thắp đèn rồi đặt lên chân đèn, Ma-ri có nhớ lại hình ảnh cậu bé đứng bên mẹ trong lúc mẹ làm những công việc hằng ngày ấy không? (Lu-ca 11:33; 15:8, 9; 17:35). Khi Chúa Giê-su nói rằng ách của ngài dễ chịu và gánh của ngài nhẹ nhàng, phải chăng Ma-ri nhớ lại một buổi chiều nắng vàng êm ả của nhiều năm về trước, khi bà quan sát Giô-sép dạy chàng thiếu niên Giê-su cách làm và gọt giũa cái ách sao cho con vật dễ chịu khi đeo nó? (Ma-thi-ơ 11:30). Chắc chắn Ma-ri thỏa nguyện sâu xa khi ngẫm nghĩ về đặc ân Đức Giê-hô-va ban cho trong cuộc đời—giúp nuôi dạy người con sau này trở thành Đấng Mê-si. Hẳn bà cảm nhận niềm vui vô cùng đặc biệt khi lắng nghe Chúa Giê-su, người thầy vĩ đại nhất dùng những vật dụng và hình ảnh rất đỗi bình dị ấy để dạy những bài học sâu sắc nhất!

Tuy nhiên, Ma-ri tiếp tục khiêm nhường. Con trai bà không bao giờ tôn thờ bà nhưng hướng sự thờ phượng đến một đấng duy nhất. Trong thời gian thi hành sứ mạng, có một phụ nữ trong đám đông cất tiếng nói rằng mẹ Chúa Giê-su hẳn rất hạnh phúc vì đã sinh ngài. Nhưng ngài đáp: “Những người nghe và giữ lời Đức Chúa Trời thì hạnh phúc hơn!” (Lu-ca 11:27, 28). Và khi một số người trong đám đông cho ngài biết là mẹ và các em trai ngài đang ở đó, ngài nói rằng những ai có đức tin mới thật sự là mẹ và anh em ngài. Thay vì mếch lòng, chắc chắn Ma-ri hiểu ý của Chúa Giê-su—các mối quan hệ thiêng liêng quan trọng hơn nhiều các mối quan hệ ruột thịt.—Mác 3:32-35.

Dù vậy, có lẽ không ngôn từ nào diễn tả được nỗi đau Ma-ri phải trải qua khi chứng kiến người con trai chịu đựng cái chết đau đớn trên cây khổ hình. Sứ đồ Giăng, một người có mặt tại nơi hành quyết, sau này đã ghi lại một chi tiết đáng chú ý: Ma-ri “đứng gần cây khổ hình của Chúa Giê-su” trong suốt thời gian ngài hấp hối. Không gì có thể ngăn cản người mẹ đầy tình thương và trung thành này đứng bên con mình cho đến giây phút cuối cùng. Chúa Giê-su thấy mẹ và cố gắng nói, dù từng hơi thở làm ngài quặn thắt và từng lời ngài nói ra khiến ngài đau đớn tột độ. Ngài giao mẹ cho sứ đồ yêu quý là Giăng chăm sóc. Vì các em trai chưa tin ngài nên Chúa Giê-su không giao mẹ cho bất cứ ai trong số họ, nhưng cho một môn đồ ngài tin tưởng. Qua đó, Chúa Giê-su cho thấy rõ tầm quan trọng của việc một người nam tin kính chăm sóc cho người nhà mình, đặc biệt là về nhu cầu tâm linh.—Giăng 19:25-27.

Khi Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng, Ma-ri trải nghiệm nỗi đau được báo trước từ lâu, nỗi đau tựa như có một lưỡi gươm dài đâm thấu qua lòng. Nếu thấy khó hình dung nỗi đau của bà, thì hẳn niềm vui của bà ba ngày sau đó lại càng khó hình dung hơn! Ma-ri biết tin phép lạ kỳ diệu nhất đã xảy ra—Chúa Giê-su được sống lại! Và niềm vui của bà nhân lên khi sau đó Chúa Giê-su hiện ra riêng với người em trai cùng mẹ khác cha là Gia-cơ (1 Cô-rinh-tô 15:7). Cuộc gặp mặt ấy đã tác động đến Gia-cơ cũng như những người em trai khác cùng mẹ khác cha. Sau này, chúng ta biết họ bắt đầu tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô. Chẳng bao lâu sau, họ có mặt tại các buổi họp của tín đồ đạo Đấng Ki-tô cùng với mẹ mình và “bền lòng cầu nguyện” (Công vụ 1:14). Hai trong số họ là Gia-cơ và Giu-đe sau này đã viết một số sách trong Kinh Thánh.

Ma-ri vui sướng nhìn thấy các con trai khác trở thành những tín đồ đạo Đấng Ki-tô trung thành

Lần cuối Kinh Thánh đề cập đến Ma-ri là việc bà cùng các con trai có mặt tại những buổi nhóm và cầu nguyện. Quả là một kết thúc thích hợp cho những lời tường thuật về Ma-ri, bà đã để lại một gương mẫu thật tuyệt vời! Nhờ đức tin, bà đã gượng dậy sau nỗi đau thấu lòng và cuối cùng nhận được phần thưởng đầy vinh hiển. Nếu noi theo đức tin của bà, chúng ta cũng sẽ gượng dậy được sau bất cứ vết thương nào do thế gian gian ác này gây ra và vui hưởng những phần thưởng nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

^ đ. 8 Sau lần xuất hiện trong sự kiện xảy ra lúc Chúa Giê-su 12 tuổi, Giô-sép không được nói đến trong các sách Phúc âm nữa. Sau này, mẹ và các em ngài được nhắc đến nhưng Giô-sép thì không. Có một lần Chúa Giê-su được gọi là “con của bà Ma-ri” mà Giô-sép không được đề cập đến.—Mác 6:3.

^ đ. 16 Giô-sép không phải là cha ruột của Chúa Giê-su, vì vậy những người em này thật ra là cùng mẹ khác cha với ngài.—Ma-thi-ơ 1:20.