Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm thấy viên ngọc cổ trong đống rác

Tìm thấy viên ngọc cổ trong đống rác

Bạn nghĩ đến điều gì khi nghe từ “đống rác”? Rất có thể bạn liên tưởng đến rác thải và mùi hôi thối. Vì thế, hầu như bạn không mong rằng mình sẽ tìm được thứ gì có giá trị trong đó, huống chi là một viên ngọc vô giá.

Tuy nhiên cách đây một thế kỷ, một kho báu đã được tìm thấy trong đống rác. Kho báu ấy không hiểu theo nghĩa đen, mà là điều gì đó có giá trị vô cùng. Kho báu ấy là gì? Tại sao cuộc khám phá ấy rất quan trọng đối với chúng ta ngày nay?

CUỘC KHÁM PHÁ BẤT NGỜ

Đầu thế kỷ 20, học giả Bernard P. Grenfell và Arthur S. Hunt thuộc trường đại học Oxford đã đến thăm Ai Cập. Tại đây, trong các đống rác gần thung lũng sông Nile, họ đã phát hiện một số mảnh giấy cói. Sau này, năm 1920, trong khi hai đồng nghiệp đang bận rộn liệt kê bộ sưu tầm các mảnh giấy cổ ấy, ông Grenfell đã mua thêm vài mảnh giấy cói khác được khai quật ở Ai Cập. Ông mua những mảnh này giúp cho thư viện John Rylands ở Manchester, Anh Quốc. Tuy nhiên, cả hai ông đều qua đời trước khi hoàn tất công việc liệt kê.

Ông Colin H. Roberts, một học giả khác thuộc trường đại học Oxford, đã hoàn tất công việc này. Trong khi đang phân loại các mảnh ấy, ông phát hiện một mảnh giấy cói nhỏ 9 x 6 cm. Ông ngạc nhiên là trên mảnh giấy cói đó có những từ Hy Lạp rất quen thuộc với mình. Một mặt có ghi những từ được trích từ sách Giăng 18:31-33 trong Kinh Thánh. Mặt kia thì có những phần của câu 37 và 38. Ông nhận ra rằng mình đã tình cờ tìm được một viên ngọc vô giá.

XÁC ĐỊNH NIÊN ĐẠI

Ông Roberts nghi rằng mảnh giấy cói này rất xưa. Nhưng xưa đến mức nào? Để nghiên cứu, ông đã đối chiếu chữ viết tay trên mảnh giấy cói ấy với những mảnh giấy cói có niên đại đã được xác nhận, một lĩnh vực nghiên cứu được gọi là môn cổ tự học. * Bằng cách áp dụng phương pháp này thì ông có thể phỏng đoán được khoảng niên đại. Nhưng vì muốn biết chắc nên ông đã chụp lại hình mảnh giấy cói và gửi bản sao đến ba nhà nghiên cứu văn bản trên giấy cói, rồi nhờ họ xác định niên đại. Các chuyên gia này đã kết luận thế nào?

Bằng cách nghiên cứu về chữ viết và nét bút, cả ba học giả đều đồng ý rằng mảnh giấy cói ấy được viết vào khoảng thời gian 50 năm đầu của thế kỷ thứ hai công nguyên (CN), chỉ vài thập niên sau khi sứ đồ Giăng qua đời! Tuy nhiên, môn cổ tự học không phải là phương pháp luôn chính xác để xác định niên đại của bản chép tay. Một học giả khác tin rằng văn bản này hẳn được viết vào bất cứ năm nào trong thế kỷ thứ hai. Dù vậy, mảnh giấy cói nhỏ xíu này thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp vẫn là bản chép tay xưa nhất từng được phát hiện từ trước đến nay.

MẢNH GIẤY CÓI RYLANDS TIẾT LỘ ĐIỀU GÌ?

Tại sao mảnh giấy cói thuộc Phúc âm Giăng rất quan trọng đối với những người quý Kinh Thánh thời nay? Vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất, hình dạng của mảnh này giúp chúng ta hiểu được phần nào việc tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu quý trọng Kinh Thánh.

Tại sao mảnh giấy cói thuộc Phúc âm Giăng có ý nghĩa đối với những người quý trọng Kinh Thánh thời nay?

Vào thế kỷ thứ hai CN, văn bản có hai dạng: các văn bản được cuộn hoặc được xếp thành trang gọi là Codex. Cuộn sách là những mảnh giấy cói hay giấy da được dán bằng hồ hoặc được khâu lại thành một miếng dài. Miếng này có thể cuộn lại và mở ra khi cần. Trong hầu hết trường hợp, các cuộn sách chỉ được viết một mặt.

Tuy nhiên, mảnh giấy cói nhỏ xíu mà ông Roberts phát hiện có chữ viết cả hai mặt. Điều đó cho thấy mảnh này có thể bắt nguồn từ một sách có những trang được xếp lên nhau chứ không phải là một cuộn sách. Một sách viết tay thời xưa, hay Codex, được làm từ những tấm giấy da hoặc giấy cói, được khâu và gấp lại giống như một quyển sách.

So với dạng trang được cuộn thì các trang được khâu và gấp lại thành sách có lợi thế gì? Các tín đồ thời ban đầu là những người truyền giáo sốt sắng (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Họ rao truyền thông điệp Kinh Thánh bất cứ nơi nào có người, như ở nhà, chợ và đường phố (Công vụ 5:42; 17:17; 20:20). Thế nên, việc có được một quyển Kinh Thánh nhỏ gọn là điều tiện lợi hơn nhiều.

Quyển sách được xếp thành trang như thế giúp cho hội thánh và cá nhân dễ dàng chép lại một bản Kinh Thánh riêng. Do đó, các sách Phúc âm được sao chép nhiều lần và chắc chắn điều này giúp cho đạo Đấng Ki-tô phát triển nhanh chóng.

Mảnh giấy cói Rylands, trước và sau

Lý do thứ hai cho thấy mảnh giấy cói Rylands có ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay là nó cho thấy những câu Kinh Thánh nguyên thủy được chuyển tải cách đáng tin cậy. Dù mảnh này chỉ gồm có vài câu từ Phúc âm Giăng, nhưng nội dung thì hầu như đúng với những gì chúng ta đọc trong cuốn Kinh Thánh của mình ngày nay. Mảnh giấy cói Rylands cho thấy Kinh Thánh không bị sửa đổi dù được sao chép nhiều lần qua thời gian.

Dĩ nhiên, mảnh giấy cói Rylands của Phúc âm Giăng là một trong hàng ngàn mảnh và bản chép tay xác nhận tính đáng tin cậy trong việc chuyển tải Kinh Thánh nguyên thủy. Trong sách nói về những khám phá về Kinh Thánh (The Bible as History), ông Werner Keller kết luận: “Những [bản chép tay] cổ là lời giải đáp thuyết phục nhất để giải tỏa mọi nghi ngờ về tính xác thực và đáng tin cậy của những câu Kinh Thánh mà chúng ta có ngày nay”.

Quả thật tín đồ đạo Đấng Ki-tô không xây dựng đức tin trên những cuộc khám phá của khảo cổ học. Họ tin “cả Kinh Thánh được viết bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” (2 Ti-mô-thê 3:16). Tuy nhiên, thật yên tâm biết bao khi viên ngọc cổ vô giá này đã chứng thực điều Kinh Thánh nói từ lâu: “Lời Đức Giê-hô-va tồn tại mãi mãi”!—1 Phi-e-rơ 1:25.

^ đ. 8 Theo sách Bản chép tay phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (Manuscripts of the Greek Bible), môn cổ tự học “là ngành khoa học nghiên cứu về chữ viết cổ”. Theo thời gian, chữ viết tay thay đổi. Những thay đổi này có thể cho biết niên đại của bản chép tay nếu đối chiếu với những văn bản đáng tin cậy mà niên đại đã được xác nhận.