Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi có nên vay tiền không?

Tôi có nên vay tiền không?

“Lúc vay vui như đám cưới; khi trả buồn như đám tang”.—Châm ngôn của người Swahili.

Câu nói này rất phổ biến với người dân ở Đông Phi, và chắc chắn cũng cho thấy cảm nghĩ của nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Bạn có cảm xúc như thế về việc vay tiền từ bạn bè hoặc từ các nguồn khác không? Mặc dù điều ấy dường như đúng trong một số trường hợp, nhưng đó có thật sự là ý tưởng hay không? Việc vay tiền gây ra những mối nguy hiểm và cạm bẫy nào?

Câu châm ngôn khác của người Swahili đề cập thẳng vào vấn đề: “Vay và cho vay làm tổn hại tình bạn”. Thật vậy, nợ nần có thể khiến tình bạn và các mối quan hệ khác rơi vào tình trạng nguy hiểm. Ngay cả đối với kế hoạch tuyệt vời nhất và thiện chí nhất, mọi thứ không phải luôn diễn ra như mong đợi. Chẳng hạn, nếu quá thời hạn mà người vay không trả nợ, người cho vay có thể bực tức. Sự oán giận ngày càng chất chứa và mối quan hệ giữa người vay và người cho vay, thậm chí giữa các thành viên trong gia đình, có thể trở nên căng thẳng. Vì các món nợ có thể gây ra những mối bất đồng, có lẽ chúng ta xem đó như là giải pháp cuối cùng chứ không phải là biện pháp dễ dàng trước các vấn đề tiền bạc.

Việc vay tiền cũng có thể làm tổn hại mối quan hệ của một người với Đức Chúa Trời. Như thế nào? Trước hết, Kinh Thánh cho biết người nào trì hoãn và cố ý không chịu thanh toán các khoản nợ nần là kẻ ác (Thi-thiên 37:21). Kinh Thánh cũng nói rõ “kẻ nào mượn là tôi-tớ của kẻ cho mượn” (Châm-ngôn 22:7). Người vay nợ cần nhận biết rằng mình phải chịu ơn người cho vay đến khi hoàn trả hết. Một câu châm ngôn khác của người châu Phi nói thật đúng: “Mượn chân người nào, phải theo chân người đó”. Ý của câu này là một người nợ ngập đầu không còn tự do để làm những gì mình muốn.

Vì thế, nên đặt ưu tiên việc hoàn trả những gì đã vay. Nếu không, nhiều khó khăn có thể nảy sinh. Các món nợ chồng chất có thể gây ra biết bao khổ sở, mất ngủ, làm việc quá sức, vợ chồng cãi vã, thậm chí gia đình đổ vỡ, chưa kể đến các trường hợp bị kiện tụng hoặc vào tù. Câu Kinh Thánh nơi Rô-ma 13:8 có những lời đầy khôn ngoan: “Đừng mắc nợ ai một điều nào cả, chỉ mắc nợ tình yêu thương lẫn nhau”.

CÓ CẦN THIẾT KHÔNG?

Khi xem xét những điều trên, chúng ta nên thận trọng về việc vay nợ. Thật khôn ngoan khi hỏi: “Có thật sự cần thiết phải vay mượn không? Có phải bạn đang duy trì kế sinh nhai để chu cấp cho gia đình không? Hay có sự tham lam phần nào đó, chẳng hạn ao ước mức sống vượt quá khả năng của mình?”. Trong đa số các trường hợp, cách tốt nhất là nên hài lòng với những gì mình có, hơn là phải vay mượn.

Tất nhiên, có trường hợp ngoại lệ, như tình trạng khẩn cấp xảy ra và dường như bế tắc. Tuy nhiên, nếu một người quyết định vay tiền, người đó phải cho thấy mình là người có nguyên tắc. Làm thế bằng cách nào?

Trước tiên, đừng bao giờ lợi dụng người khác chỉ vì người đó dường như có nhiều tiền hoặc tài sản hơn người khác. Chúng ta không nên cho rằng một người có vẻ khá giả phải có trách nhiệm giúp đỡ mình về tài chính, hoặc cảm thấy mình không có bổn phận phải hành động cách thành thật đối với người như thế. Đừng đố kỵ với những người có vẻ an ổn về tài chính.—Châm-ngôn 28:22.

Vậy, hãy hoàn trả những gì đã vay cách nhanh chóng. Nếu người cho vay không quy định cụ thể về thời gian trả lại thì chính bạn nên làm, hãy đề xuất về thời điểm và trả đúng hẹn. Tạo ấn tượng tốt bằng cách ghi thỏa thuận trên giấy để tránh hiểu lầm cho cả hai bên (Giê-rê-mi 32:9, 10). Nếu có thể, hãy hoàn trả tận tay người cho vay để bạn có thể nói lời cảm ơn người đó. Sự tận tâm trong việc hoàn trả những gì mình đã vay sẽ gây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Chúa Giê-su nói trong bài giảng trên núi: “Vậy khi anh em nói ‘có’ thì phải là có, ‘không’ thì phải là không” (Ma-thi-ơ 5:37). Hơn nữa, hãy ghi nhớ Luật Vàng: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ”.—Ma-thi-ơ 7:12.

SỰ HƯỚNG DẪN HỮU ÍCH CỦA KINH THÁNH

Kinh Thánh đưa ra giải pháp đơn giản khi muốn vay nợ: “Quả thật, lòng sùng kính mang lại lợi ích lớn lao, miễn là chúng ta thỏa lòng với những gì mình có” (1 Ti-mô-thê 6:6). Nói cách khác, bằng lòng với những gì mình có là cách tốt nhất để tránh được những hậu quả tai hại của việc vay nợ. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng không hề dễ dàng để thỏa lòng trong thế giới muốn thỏa mãn mọi thứ cách tức thì như hiện nay. Nhưng đó là lúc mà “lòng sùng kính” cần được phát huy. Bằng cách nào?

Hãy xem trường hợp của cặp vợ chồng đạo Đấng Ki-tô ở châu Á. Họ từng ngưỡng mộ những người có khả năng mua được nhà riêng. Vì thế, họ quyết định mua một căn nhà nhờ số tiền dành dụm, vay từ ngân hàng và người thân. Tuy nhiên, không lâu sau họ bắt đầu cảm thấy nặng gánh với các khoản phải thanh toán hàng tháng. Họ nhận thêm việc, làm lâu ngày hơn, khiến họ chỉ còn chút ít thời gian dành cho con cái. Người vợ nói với chồng: “Cảm giác căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ giống như khối đá nặng trịch trên đầu. Thật ngột ngạt”.

“Một cách được che chở là nhìn những thứ vật chất bằng con mắt thiêng liêng”

Qua thời gian, họ nhớ đến câu Kinh Thánh 1 Ti-mô-thê 6:6 và quyết định bán nhà là giải pháp duy nhất. Phải mất hai năm sau đó, cuối cùng họ hết mắc nợ. Cặp vợ chồng này rút ra bài học gì từ kinh nghiệm của mình? Họ kết luận: “Một cách được che chở là nhìn những thứ vật chất bằng con mắt thiêng liêng”.

Rất nhiều người biết đến câu châm ngôn của người Swahili được đề cập ở đầu bài. Nhưng điều đó không khiến cho người ta ngừng việc vay mượn. Với sự hiểu biết về những nguyên tắc Kinh Thánh ở trên, chẳng phải điều khôn ngoan là chúng ta nên suy xét nghiêm túc về câu hỏi: “Tôi có nên vay tiền không?”.